Sau gần 2 năm bùng phát, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 5 triệu người và gây ra cuộc khủng hoảng y tế trên toàn cầu. Với kỳ vọng “dập tắt hoàn toàn dịch - Không Covid-19”, hầu hết các nước đều áp dụng biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như: phong tỏa, giãn cách xã hội..., nên đã khiến nền kinh tế bị suy kiệt. Tuy nhiên hiện nay, nhiều quốc gia đã lên phương án để chung sống an toàn với đại dịch.
Mỹ, quốc gia có số ca mắc và tử vong lớn nhất thế giới, sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với khách du lịch nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ Covid-19 từ ngày 8/11. Quy định này cũng sẽ được áp dụng đối với các hành khách tới từ hơn 20 quốc gia từng bị cấm nhập cảnh vào Mỹ kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Theo chính sách mới của Mỹ, du khách nước ngoài sẽ cần có xác nhận đã tiêm phòng và xét nghiệm âm tính mới nhất trước khi lên máy bay. Những người nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ sẽ không cần có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ấn Độ, quốc gia có số ca mắc cao thứ 2 và số ca tử vong cao thứ 3 thế giới, đã rộng cửa đón du khách nước ngoài được tiêm phòng đầy đủ từ hôm qua (15/10), lần đầu tiên kể từ khi nước này áp đặt phong tỏa để phòng dịch Covid-19 từ tháng 3/2020. Hiện vẫn chưa rõ du khách đến Ấn Độ có phải cách ly hay không nhưng họ được yêu cầu tiêm phòng đầy đủ và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Ngoài việc mở cửa cho du khách nước ngoài, nhiều nước cũng có những thay đổi trong chính sách phòng chống Covid-19. Theo đó, thay vì cố gắng “quét sạch” dịch bệnh, nhiều quốc gia đã từng bước chuyển hướng sang mô hình “chung sống an toàn” với dịch Covid-19. Đó là từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, khôi phục các hoạt động dân sinh nhưng cũng phải giảm thiểu tỷ lệ bệnh nhân nhập viện, hạn chế các ca bệnh có diễn biến nặng… Để đạt được điều này thì các nước cần có độ phủ vaccine cao.
Xu hướng sống chung an toàn với dịch Covid-19 hiện đang được giới chuyên môn ủng hộ. Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan nhận định, dịch Covid-19 sẽ trở thành “một phần tất yếu” của thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế này cũng nhấn mạnh, để trở lại “cuộc sống bình thường mới”, các quốc gia cần chú ý kết hợp để phát triển hệ thống y tế, khả năng áp dụng linh hoạt các biện pháp ứng phó tùy theo mức độ lây lan dịch bệnh của mỗi nước.
“Theo quan điểm của tôi, vaccine không hoàn toàn hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây truyền mà có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong. Chính vì thế kết hợp tiêm vaccine và các biện pháp y tế công công và xã hội thì có thể kiểm soát được dịch bệnh và giữ cho nền kinh tế không bị đóng cửa”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyên rằng, chính phủ các nước cũng phải bảo đảm được cơ chế thông tin đầy đủ, minh bạch, khuyến khích người dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân trong cuộc chiến chống dịch.