Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Các nước Đông Nam Á săn tìm vắc xin COVID-19 ra sao?

Tất cả các nước Đông Nam Á đều đặt mục tiêu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho phần lớn người dân, hầu hết là cuối năm 2021, để đạt miễn dịch cộng đồng. Các nước này đang 'săn' cho đủ vắc xin như thế nào?

Các nước Đông Nam Á săn tìm vắc xin COVID-19 ra sao? Ảnh 1
Người dân Malaysia đã nhiều lần khổ sở vì lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn dịch COVID-19. Trong ảnh: một cụ ông tiêm vắc xin Pfizer ở thủ đô Kuala Lumpur ngày 31/5 - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, nguồn cung vắc xin đang khan hiếm trên toàn cầu và một số nguyên nhân khác có thể khiến mục tiêu tiêm chủng của một số nước Đông Nam Á phải dời sang năm 2022, thậm chí 2023.

Quyết tâm lớn

Tình trạng tăng vọt ca nhiễm do các biến thể mới tại nhiều quốc gia Đông Nam Á đã buộc các nước trong khu vực tái áp dụng các biện pháp hạn chế để chống dịch, đóng cửa nhà máy và tăng tốc chương trình tiêm chủng.

Việt Nam đang tăng tốc mua vắc xin để bảo đảm tiêm chủng cho ít nhất 75% dân số trong năm nay. Tại cuộc họp báo ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Việt Nam đã đặt hàng khoảng 170 triệu liều vắc xin COVID-19.

Theo ông Cường, từ tháng 8 trở đi, tất cả nguồn vắc xin Việt Nam tiếp cận sẽ về nhiều. Theo đó, Pfizer cam kết trong quý 3/2021 sẽ chuyển 15,5 triệu liều và một số lượng tương đương trong quý 4/2021. AstraZeneca cam kết cung cấp khoảng 30 triệu liều từ nay đến cuối năm. COVAX Facility cam kết cung cấp khoảng 30 triệu liều.

Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu tiêm ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19 cho 70% dân số nước này trước tháng 9/2021. Chiến lược vắc xin của xứ sở chùa vàng hiện nay gần như dựa vào vắc xin Hãng AstraZeneca.

Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế Adham Baba ngày 3/6 cho biết nước này đã đặt mua số vắc xin đủ để tiêm tới 109% dân số đủ điều kiện tiêm vắc xin, với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trước tháng 12 năm nay.

Hiện nay, các vắc xin được dùng trong chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia là Pfizer-BioNTech, Sinovac và AstraZeneca.

Với Singapore và Campuchia, hai nước này đang dẫn đầu về tỉ lệ dân số tiêm vắc xin ở Đông Nam Á (xem đồ họa). Singapore kỳ vọng tiêm ít nhất 1 liều cho toàn bộ người trưởng thành nước này trước đầu tháng 8.

Còn Thủ tướng Hun Sen của Campuchia khẳng định xứ sở chùa tháp đang tăng tốc tiêm chủng để đạt mục tiêu tiêm 10 triệu liều trong tổng hơn 16 triệu dân trước cuối năm nay hoặc đầu năm 2022.

Nước láng giềng với Campuchia là Lào đặt mục tiêu tiêm cho 50% trong số hơn 7 triệu dân trước cuối năm 2021. Brunei lên kế hoạch tiêm vắc xin cho 70% dân số trước cuối năm 2021. Còn Myanmar có mục tiêu tiêm cho 40% trong tổng số 54 triệu dân trước cuối năm nay.

Các nước Đông Nam Á săn tìm vắc xin COVID-19 ra sao? Ảnh 2
Các nước Đông Nam Á săn tìm vắc xin COVID-19 ra sao? Ảnh 3
Nguồn: REUTERS - Tổng hợp: B.ANH - Đồ họa: T.ĐẠT

Nỗ lực xoay xở

Với tỉ lệ dân số tiêm chủng thấp và chứng kiến các đợt bùng phát dịch mới khó kiểm soát hơn, hiện nay các nước Đông Nam Á đang xoay xở để có đủ vắc xin.

Thái Lan sẽ triển khai chương trình tiêm chủng trên diện rộng vào ngày 7/6. Họ đang đàm phán với Hãng Pfizer và cho biết có thể đặt thêm 5 triệu liều từ Johnson & Johnson.

Ngoài ra, Siam Bioscience, hãng dược thuộc sở hữu của hoàng gia Thái Lan, bắt đầu sản xuất vắc xin COVID-19 của Hãng AstraZeneca để phục vụ nhu cầu trong nước. Ngày 4/6, Bộ Y tế Thái Lan cho biết đã nhận 1,8 triệu liều vắc xin AstraZeneca đầu tiên "made in Thailand". Siam Bioscience là công ty duy nhất ở Đông Nam Á sản xuất vắc xin AstraZeneca.

Ngày 4/6, Bộ Y tế Malaysia thông báo phê duyệt có điều kiện với vắc xin Hãng AstraZeneca được Công ty Siam Bioscience sản xuất ở Thái Lan. Ông Noor Hisham Abdullah, tổng giám đốc Bộ Y tế Malaysia, cho biết nguồn cung vắc xin từ Thái Lan được kỳ vọng sẽ giúp tăng tốc việc thực hiện chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia.

Bộ trưởng điều phối chương trình tiêm vắc xin COVID-19 của Malaysia, ông Khairy Jamaluddin ngày 3/6 cho biết giờ đây nước này cho phép chính quyền các bang và các bệnh viện tư nhân tự mua vắc xin COVID-19, gồm cả các vắc xin hiện không được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng quốc gia (NIP) như Moderna hay Sinopharm, miễn là những loại vắc xin này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt.

Còn Philippines đề nghị Mỹ cung cấp 3-5 triệu liều vắc xin cho nước này trong số 80 triệu liều mà chính quyền ông Biden cam kết tặng các nước. Manila cũng đang đàm phán mua tổng cộng 20 triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga.

Hay Singapore tuần này thông báo cho phép các nhà cung cấp tư nhân tiếp cận những vắc xin nào chưa được Singapore phê duyệt nhưng đã được WHO phê duyệt dùng khẩn cấp, chẳng hạn vắc xin Hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, các biện pháp chống dịch mạnh tay - như trường hợp Malaysia đang phải phong tỏa toàn quốc vì sợ "vỡ trận" - vẫn phải được áp dụng để dập dịch.

Lời cảnh báo với Indonesia

Ngày 4/6, báo The Jakarta Post (Indonesia) dẫn dự báo của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cho biết có thể Indonesia, quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á với 270 triệu người, sẽ không đạt được miễn dịch cộng đồng cho tới năm 2023.

Giống nhiều nước khác, Indonesia đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo có đủ vắc xin và tăng tốc chương trình tiêm chủng. Điều này có thể khiến Indonesia nằm trong số vài quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị bỏ lại phía sau, khi hầu hết quốc gia có khả năng đạt miễn dịch cộng đồng đầu năm 2022.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tuổi Trẻ

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất