Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

'Bức tường phòng thủ' giúp New Zealand dập Covid-19 trong 2 tuần

New Zealand, quốc gia nhỏ bé với dân số chưa đầy 5 triệu người, đã đi được một nửa chặng đường trong kế hoạch phong tỏa kéo dài 1 tháng, với mục tiêu không chỉ kiềm tỏa mà còn xóa sổ virus corona.

Ngày 9/4, New Zealand ghi nhận thêm 29 ca nhiễm và nghi nhiễm virus corona chủng mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.239 trường hợp, bao gồm một người tử vong.

Trong số các ca mắc Covid-19 tại New Zealand, chỉ 14 người đang được điều trị trong các bệnh viện và 317 người đã hồi phục.

Thủ tướng Jacinda Ardern phát biểu tại cuộc họp báo ở Christchurch, New Zealand hồi tháng 3. (Ảnh: Reuters)

New Zealand, quốc gia nhỏ bé với dân số chưa đầy 5 triệu người, đã đi được một nửa chặng đường trong kế hoạch phong tỏa kéo dài 1 tháng, với mục tiêu không chỉ kiềm tỏa mà còn xóa sổ virus corona.

Tính đến thời điểm hiện tại, cuộc chiến chống dịch của New Zealand dường như đã thành công, theo CNN.

“Chúng ta đang đạt được một bước ngoặt. Sự tuân thủ của mọi người đồng nghĩa với việc kế hoạch của chúng ta đang phát huy tác dụng”, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhận định trong bài phát biểu hôm 9/4.

Đối với những quốc gia khác, những tín hiệu tích cực như New Zealand có thể là lý do để họ nới lỏng phong tỏa. Đan Mạch, nơi ghi nhận ít nhất 5.597 ca nhiễm và 218 ca tử vong vì Covid-19, thông báo sẽ bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa vào tuần tới, nếu số ca nhiễm được duy trì ở mức ổn định.

Trong khi đó, Thủ tướng Ardern hôm qua tuyên bố bà vẫn siết chặt phong tỏa biên giới, đồng nghĩa với việc toàn bộ những người nhập cảnh vào New Zealand phải bị cách ly ít nhất 2 tuần tại một cơ sở được chỉ định, thay vì tự cách ly tại nhà. Quy định này chỉ được áp dụng cho công dân New Zealand, còn toàn bộ người nước ngoài bị cấm nhập cảnh từ ngày 20/3.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo New Zealand vẫn lưu ý rằng: “Đây là cuộc chạy đua marathon”. Thủ tướng Ardern kiên quyết tuyên bố New Zealand sẽ hoàn thành 4 tuần phong tỏa, tức gấp đôi chu kỳ ủ bệnh 14 ngày, trước khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Khởi đầu thuận lợi

Ông Brian Green, 76 tuổi, đeo khẩu trang khi chuyển hàng mua từ siêu thị lên xe ô tô ở Christchurch, New Zealand. (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc chiến chống virus corona, New Zealand có hai lợi thế quan trọng: vị trí và thời điểm.

Ngày 28/2, New Zealand xác nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên, hơn 1 tháng sau khi Mỹ có ca nhiễm đầu tiên. Ngày 29/3, New Zealand xác nhận ca tử vong đầu tiên, và cũng là trường hợp duy nhất cho đến thời điểm hiện tại.

“Tôi nghĩ chúng tôi đã có thêm chút thời gian để suy nghĩ về dịch bệnh, và chúng tôi có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Trung Quốc”, Giáo sư Michael Baker từ Khoa Y tế Cộng đồng Đại học Otago và là người cố vấn cho chính phủ New Zealand về ứng phó với dịch, cho biết.

Theo nhà vi trùng học Siouxsie Wiles tại Đại học Auckland, New Zealand cũng có lợi thế là một quốc đảo ở cách xa phần lớn các quốc gia khác. New Zealand cũng có ít chuyến bay hơn so với các nước khác.

Thủ tướng New Zealand đồng tình với quan điểm trên. Bà Ardern hôm qua nói rằng việc New Zealand là một hòn đảo là “lợi thế khác biệt trong nỗ lực xóa sổ virus”.

Tuy nhiên, giáo sư Baker cho rằng bài học thực sự mà các nước khác có thể học hỏi từ New Zealand là sự kết hợp giữa khoa học phát triển và vai trò lãnh đạo. Điều này thể hiện qua việc xét nghiệm trên quy mô lớn. Tính đến nay, New Zealand đã tiến hành 51.165 xét nghiệm.

Giáo sư Baker cho biết ông “thực sự thất vọng” khi những nước có nguồn lực khoa học hàng đầu thế giới như Mỹ và Anh lại không làm tốt hơn những nước có nguồn lực tương đối hạn chế như New Zealand trong việc ứng phó với dịch bệnh.

Theo chuyên gia Wiles, trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo người dân nước này nên chuẩn bị tinh thần cho kịch bản mất đi người thân do dịch bệnh, Thủ tướng New Zealand tuyên bố rằng, bà coi trọng người dân chứ không phải nền kinh tế và đã ứng phó rất nhanh với mối đe dọa dịch bệnh.

Ngày 14/3, khi Thủ tướng Ardern tuyên bố bất kỳ ai nhập cảnh vào New Zealand cũng đều phải tự cách ly trong 2 tuần, đây là một trong những lệnh kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Vào thời điểm đó, New Zealand mới chỉ có 6 ca nhiễm.

Ngày 19/3, khi Thủ tướng Ardern ra lệnh cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh, New Zealand mới chỉ ghi nhận 28 ca nhiễm. Tới ngày 28/3, khi tuyên bố phong tỏa toàn quốc, New Zealand có 102 ca nhiễm và không có ca tử vong nào.

Theo Washington Post, lệnh “đóng cửa” với du khách nước ngoài là một quyết định cứng rắn của Thủ tướng Ardern để kiểm soát dịch bệnh vì nền kinh tế New Zealand phụ thuộc chủ yếu vào du lịch. Mỗi năm New Zealand đón khoảng 4 triệu khách quốc tế, gần bằng dân số nước này.

“Ở đây, tại New Zealand, chúng tôi không có nhiều giường chăm sóc tích cực như một số nước khác. Đó là lý do Thủ tướng Ardern phản ứng nhanh như vậy”, chuyên gia Wiles nói thêm.

Biện pháp quyết liệt

Y tá lấy mẫu xét nghiệm một tài xế tại trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở Auckland, New Zealand hôm 2/4. (Ảnh: Getty)

Từ tối 25/3, theo chỉ đạo của chính phủ, người dân New Zealand phải ở trong nhà 4 tuần và chỉ ra ngoài khi thực hiện những công việc cần thiết như khám bệnh, đi siêu thị hoặc tập thể dục gần nhà.

Những người ở New Zealand thậm chí đã nhận được tin nhắn cảnh báo qua điện thoại: “Hãy hành động như thể bạn đã mắc Covid-19. Điều này sẽ cứu sống nhiều sinh mạng. Hãy thực hiện nghĩa vụ để đoàn kết chống lại dịch bệnh”.

Theo Washington Post, từ những ngày đầu bùng phát dịch, Thủ tướng Ardern và đội ngũ của bà đã phát đi thông điệp đơn giản: Hãy ở nhà. Đừng tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài người nhà của bạn. Hãy thực hiện tốt. Tất cả chúng ta cùng nhau chống lại dịch bệnh.

Thủ tướng Ardern thường lặp lại thông điệp này tại các cuộc họp báo, nơi bà thảo luận mọi vấn đề từ giá cả súp lơ cho tới trợ cấp lương. Thủ tướng New Zealand cũng thường xuyên cập nhật các thông tin và trả lời câu hỏi trên Facebook.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp không tuân thủ chỉ đạo. Cảnh sát đã yêu cầu những người lướt sóng rời đi để tránh lây lan virus. Bộ trưởng Y tế New Zealand đã nộp đơn xin từ chức sau khi đạp xe leo núi và đưa gia đình tới bãi biển trong lúc New Zealand áp lệnh phong tỏa toàn quốc.

Phần lớn người dân New Zealand đều hợp tác với chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh. Đường dây nóng của cảnh sát thường bị quá tải khi nhiều người gọi điện đến để báo cáo về các trường hợp vi phạm quy định phong tỏa.

Cuộc chiến chống dịch tại New Zealand nhận được sự đồng thuận của cả các đảng phái chính trị. Đảng Quốc gia New Zealand không những không chỉ trích phản ứng của chính phủ mà còn tham gia hỗ trợ.

Vì sao chỉ có 1 ca tử vong?

Một trong những lợi thế mà New Zealand có được là những người mắc Covid-19 tại nước này có độ tuổi tương đối trẻ. Các nước trên thế giới đều chứng kiến tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở những người lớn tuổi nhiều hơn so với người trẻ.

Những người trong độ tuổi từ 20-29 chiếm khoảng 25% trong tổng số ca nhiễm và nghi nhiễm tại New Zealand, trong khi những người trong độ tuổi từ 30-39 chiếm khoảng 15%.

Việc người trẻ chiếm tỷ lệ cao trong số ca nhiễm tại New Zealand là do yếu tố đi lại. Hơn 40% số ca nhiễm tại New Zealand có liên quan tới những người từ nước ngoài trở về. Nhiều người trẻ đã vội vã trở về New Zealand sau khi Thủ tướng Ardern công bố lệnh kiểm soát biên giới.

“Những người di chuyển thường có sức khỏe tốt hơn so với hầu hết những người khác. Chúng ta cũng biết rằng nguy cơ tử vong sẽ cao hơn nhiều trong nhóm dân số già, những người có bệnh nền và có xu hướng đi lại ít hơn. Kết quả (chống dịch) rất khả quan tại New Zealand cho đến nay là do số ca nhiễm rơi vào nhóm người trẻ và họ tương đối khỏe”, giáo sư Baker nhận định.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Dân Trí

Được quan tâm

Tin mới nhất