Nằm sâu trong rừng nhiệt đới Amazon, một bộ lạc nguyên thủy đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trước sự đe doạ của các công ty khai thác khoáng sản quốc tế. Họ quyết đấu tranh đến cùng với các vị khách không mời để bảo vệ vùng đất của mình.
Waiapi là bộ tộc nguyên thủy sống trong rừng nhiệt đới Amazon, thuộc khu bảo tồn Waiaoi, Brazil. Đây là một khu rừng nhiệt đới nguyên sơ nằm ở phía đông ,cuối dòng sông Amazon, một phần của khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn Renca.
Bộ lạc được bao quanh bởi những dòng sông rộng lớn, những cây cổ thụ cao chót vót. Sống giữa rừng rậm, người Waiapi có những bộ luật của riêng mình.
Chỉ cách thế giới hiện đại khoảng 21 giờ chạy xe, nhưng bộ lạc này vẫn giữ lối sống gần giống với thời kì đồ đá, khác xa so với cuộc sống của thế kỉ 21.
Bộ lạc được phát hiện từ thế kỷ 18. Hiện nay, có khoảng 1.200 cư dân Waiapi sống rải rác bên các dòng sông, tách biệt với thế giới hiện đại.
Gần đây, chính phủ Brazil có những kế hoạch cho phép các công ty nước ngoài đến đây khai thác vàng, kim loại quý ẩn dấu dưới cánh rừng nguyên sinh nghìn năm tuổi.
Trước mối đe doạ đó, những cư dân bé nhỏ sống dưới những mái nhà lợp lá trên thân cây đã thề quyết phải bảo vệ lãnh thổ của mình. Họ mài sắc và tẩm độc các mũi tên, mài sẵn rìu chiến, sẵn sàng chiến đấu với các vị khách không mời mà tới.
Anh Tapayona Waiapi, 36 tuổi, một cư dân bộ lạc, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu. Chúng tôi không cho phép các công ty đặt chân đến đây. Nếu chính phủ gửi quân đội đến đây để giết hại chúng tôi, chúng tôi quyết chiến cho đến hơi thở cuối cùng.”
Vào tháng 8 vừa qua, Tổng thống Michel Temer dỡ bỏ lệnh cấm khai thác mỏ trong khu vực Renca. Quyết định của ông đã vấp phải những phản ứng dữ dội từ người dân cũng như các nhà bảo vệ môi trường. Bởi việc khai thác mỏ ở khu vực này có thể kéo theo những nguy cơ về môi trường, ảnh hưởng tới đời sống của nhiều bộ lạc người da đỏ trong rừng Amazon.
Năm 1970, chính phủ đã từng xây dựng một con đường vắt qua cánh rừng nhưng con đường chưa bao giờ được hoàn thành.
Calibi Waiapi, một thành viên khác của bộ lạc nghi ngờ rằng một ngày nào đó chính phủ sẽ lại xây dựng một con đường xuyên qua vùng đất hoang dã. 'Sẽ có ôtô,sẽ có xe tải, bạo lực, ma túy, trộm cướp.Văn hóa nơi đây sẽ bị thay đổi. Người trẻ sẽ sử dụng điện thoại di động, có máy tính, mặc quần áo đẹp. Đó sẽ là dấu chấm hết”..