Căn biệt thự Villa La Grange xây dựng từ thế kỷ 18 không còn xa lạ với nhiều sự kiện lịch sử và những nhân vật nổi tiếng.
Năm 1864, đây là nơi diễn ra buổi dạ tiệc bế mạc Công ước Geneva đầu tiên về việc hỗ trợ binh lính bị thương trên chiến trường, đánh dấu sự ra đời của luật nhân đạo. Sự kiện này có hiện diện của Henry Dunant, người sáng lập Hội Chữ thập đỏ quốc tế.
Hơn một thế kỷ sau, vào tháng 6/1969, chính Giáo hoàng Paul VI đã cử hành thánh lễ trước đám đông 70.000 người. Đây là không gian duy nhất đủ lớn ở Geneva lúc bấy giờ để chứa một đám đông lớn như vậy.
Công viên La Grange, công viên lớn nhất trong thành phố, là một khung cảnh hoàn hảo cho căn biệt thự và nơi đây được bao quanh bởi nhiều cây lớn ở phía nam và tạo ra tầm nhìn hoàn toàn không bị cản trở.
Trong tuần qua, Villa La Grange chứng kiến rất nhiều hoạt động để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ vào 16/6 tới.
Bên trong, những người thợ thủ công tu sửa, mạ vàng lại các vật dụng. Những chân đèn nặng trĩu đã được lau chùi sạch sẽ, sẵn sàng đón tiếp hai nguyên thủ quốc gia cùng phái đoàn.
Bên ngoài, các biện pháp an ninh cũng được triển khai. Hàng rào kim loại được dựng bao quanh biệt thự.
Ở lối vào, hai con sư tử đá, những "người bảo vệ" biểu tượng của đỉnh núi này, được rửa sạch bằng máy phun rửa áp lực cao.
Vào những năm 1960, thương gia Jacques Franconis là người đầu tiên tạo hình nên khu đất khai nguyên của căn biệt thự Villa La Grange. Sau đó, nơi này được chủ ngân hàng Marc Lullin mua lại vào năm 1706. Chính gia đình Lullin đã xây dựng biệt thự đầu tiên trên khu đất từ năm 1768 đến năm 1773 và xây dựng một khu vườn kiểu Pháp. Bị tàn phá bởi cuộc Cách mạng Pháp, Jean Lullin bán toàn bộ nơi này cho một chủ tàu trong thành phố, François Favre, người kiếm được nhiều tiền từ việc buôn bán với phương Đông.
Gia đình Favre đã cải tạo ngôi nhà và công viên, xây dựng thư viện lớn vào năm 1821, nơi lưu giữ bộ sưu tập danh giá của Guillaume Favre, với khoảng 15.000 tác phẩm.
Ở thư viện rộng lớn này, có hai chiếc ghế màu đỏ đặt ở hai bên của một quả địa cầu, như thể sẵn sàng chào đón hai vị tổng thống.
Vào mùa xuân, chính quyền thành phố Geneva tổ chức các chuyến tham quan có hướng dẫn viên đến biệt thự, cho phép công chúng khám phá các phòng tiếp khách, phòng ngủ và thư viện.
Chính cháu trai của Guillaume Favre trước đó đã tặng biệt thự và công viên cho thành phố Geneva vào năm 1917. Một năm sau khi ông qua đời, ông đã để lại di sản thư viện cho thành phố. Năm 1918, công viên được mở cửa đón tiếp công chúng.