Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Biến chủng Omicron đe dọa mùa Giáng sinh đoàn tụ

Sự bùng phát của biến chủng Omicron (B.1.1.529) khiến nhiều quốc gia phải tái áp đặt các biện pháp thắt chặt biên giới, đặc biệt với người về từ khu vực phía Nam châu Phi.

Hy vọng về một mùa Giáng sinh ấm áp, đoàn tụ của nhiều quốc gia vừa bị dội thêm một gáo nước lạnh.

Tròn một tháng trước Giáng sinh, giới chức y tế Nam Phi ghi nhận biến chủng virus mới có tên Omicron, còn được gọi là B.1.1.529. Với số lượng đột biến cao, chủng virus này đang gây nên mối đe dọa ở cấp độ toàn cầu.

Chỉ sau vài ngày, biến chủng Omicron đã lan ra ít nhất ba châu lục. Nam Phi, Botswana (châu Phi), Hong Kong, Israel (châu Á) và Bỉ (châu Âu) đã ghi nhận các trường hợp dương tính với biến chủng mới.

Bất chấp lời kêu gọi về một cách tiếp cận “khoa học, không vội vã và dựa trên nguy cơ” trong áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng loạt quốc gia tuyên bố đóng cửa biên giới với các chuyến bay và người về từ khu vực phía Nam châu Phi - nơi được coi là nguồn gốc của biến chủng mới.

Đua nhau hạn chế nhập cảnh

Anh là quốc gia đầu tiên áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm đề phòng biến chủng B.1.1.529. Từ trưa 26/11, nước này áp đặt lệnh cấm bay đối với Nam Phi và 5 quốc gia láng giềng (Namibia, Lesotho, Botswana, Eswatini và Zimbabwe). Những người từ khu vực trên đến Anh trong những ngày qua sẽ được truy vết và đề nghị xét nghiệm.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen, cơ quan này đang đề xuất khởi động cơ chế “phanh khẩn cấp” để dừng toàn bộ giao thông đường hàng không giữa Liên minh châu Âu (EU) và khu vực phía Nam châu Phi trước mối lo ngại biến chủng B.1.1.529. Đề xuất này được các nước thành viên ủng hộ.

Biến chủng Omicron đe dọa mùa Giáng sinh đoàn tụ Ảnh 1
Nhiều nước châu Âu áp đặt các biện pháp nhập cảnh với người về từ Nam Phi và các quốc gia láng giềng. Ảnh: AFP.

Bên trong EU, nhiều nước đã tự áp đặt các biện pháp hạn chế của riêng mình. Italy cấm người đi qua các nước phía Nam châu Phi trong 14 ngày nhập cảnh. Đức dự định đưa Nam Phi vào danh sách “khu vực nhiễm biến chủng virus”, trong khi Pháp dừng toàn bộ chuyến bay từ khu vực trong 48 giờ.

Tại châu Á, Israel là quốc gia đầu tiên ban hành lệnh cấm công dân đến 7 quốc gia miền Nam châu Phi. Những người nước ngoài đến từ khu vực này bị cấm nhập cảnh, trong khi công dân Israel trở về từ khu vực này có thể phải cách ly đến 14 ngày.

Lo ngại này của Israel hoàn toàn có cơ sở. Chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Tel Aviv ban hành lệnh cấm, Bộ Y tế nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với biến chủng B.1.1.529. Bệnh nhân là người về từ Malawi, một quốc gia cũng ở phía Nam châu Phi nhưng không nằm trong “danh sách đỏ”. Người này đã được tiêm vaccine.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett cảnh báo nước này đang trải qua “giai đoạn đầu của tình trạng khẩn cấp” và mở rộng các biện pháp hạn chế đi lại ra toàn bộ châu Phi, trừ các nước Bắc Phi.

“Nguyên tắc cơ bản của chúng ta trong thời điểm này là hành động nhanh chóng và mạnh mẽ, đặc biệt đối với việc nhập cảnh và xuất cảnh, cho đến khi tình hình tốt lên”, ông Bennett nói trong cuộc họp với giới chức và chuyên gia y tế hôm 27/11.

Nối tiếp Israel, một số quốc gia châu Á cũng ban hành lệnh hạn chế nhập cảnh đối với các quốc gia châu Phi.

Kể từ 23 giờ 59 phút ngày 27/11, tất cả hành khách từng đến 7 quốc gia phía Nam châu Phi trong 14 ngày sẽ không được nhập cảnh hoặc quá cảnh Singapore. Công dân Singapore và những người có thẻ thường trú nhập cảnh phải cách ly 10 ngày.

Biến chủng Omicron đe dọa mùa Giáng sinh đoàn tụ Ảnh 2
Hành khách đến các quốc gia phía Nam châu Phi trong 14 ngày sẽ không được nhập cảnh Singapore. Ảnh: Reuters.

Lực lượng liên ngành chống Covid-19 của Philippines cũng chấp thuận kế hoạch dừng các chuyến bay từ miền Nam châu Phi đến ngày 15/12. Những người đến Philippines trong 7 ngày qua sẽ không được phép di chuyển trong nội địa.

Chính phủ Ấn Độ khuyến cáo các bang xét nghiệm và sàng lọc những người đến từ Nam Phi và các quốc gia “có nguy cơ cao” khác. Các bang sẽ phải gửi mẫu bệnh phẩm dương tính với Covid-19 đến phòng thí nghiệm của Bộ Y tế để theo dõi sự tiến triển của các biến chủng.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản yêu cầu những người nhập cảnh từ các quốc gia trên - kể cả công dân lẫn người nước ngoài - phải cách ly 10 ngày tại địa điểm chỉ định. Đây là quãng thời gian cách ly dài nhất mà Nhật Bản đang áp dụng,

“Nhật Bản đang cảnh giác ở mức độ cao nhất”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu tuyên bố với báo giới.

"Biến chủng đáng quan ngại"

Trong cuộc họp hôm 26/11, WHO chính thức đặt tên cho biến chủng Omicron, cũng như xếp chủng virus này vào nhóm “đáng quan ngại” cùng với các biến chủng Alpha, Beta, Gamma và Delta.

Điều này có nghĩa biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn hoặc nguy hiểm hơn với sức khỏe con người, làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch.

Theo báo cáo của WHO, mẫu bệnh phẩm đầu tiên được xác nhận dương tính với chủng Omicron được thu thập vào ngày 9/11/2021. Sự xuất hiện của biến chủng này diễn ra đồng thời với làn sóng dịch mới mà Nam Phi đang gánh chịu.

Biến chủng Omicron đe dọa mùa Giáng sinh đoàn tụ Ảnh 3
Biến chủng Omicron đã xuất hiện ở hầu hết các tỉnh của Nam Phi. Ảnh: AFP.

Khoảng thời gian kể từ khi xuất hiện đến khi được đưa vào danh sách “đáng quan ngại” của chủng Omicron chỉ là hơn hai tuần. Nếu xét đến thời điểm Omicron được các nhà khoa học Nam Phi phát hiện, độ trễ chỉ là hơn hai ngày. Đây là quãng thời gian ngắn kỷ lục.

Các chủng virus khác thường chỉ được đưa vào danh sách sau một vài tháng.

WHO ca ngợi giới chức y tế Nam Phi vì nhanh chóng thông báo về biến chủng mới tới cộng đồng quốc tế. “WHO bày tỏ sự biết ơn tới những nhà khoa học Nam Phi vì sự công khai và minh bạch của họ”, ông Christian Lindmeier, người phát ngôn của WHO, nói.

Cơ quan phụ trách y tế toàn cầu này khuyến nghị người dân trên toàn thế giới tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm giảm nguy cơ lây lan Covid-19, bao gồm đeo khẩu trang đúng cách, vệ sinh tay, giữ khoảng cách, thông gió cho phòng kín, tránh những nơi đông người và tiêm vaccine Covid-19.

Trước quan ngại biến chủng mới có thể tác động đến hiệu quả của vaccine, BioNTech đã khởi động quá trình thử nghiệm vaccine của Pfizer đối với chủng Omicron. Công ty công nghệ dược phẩm này tuyên bố họ sẽ có kết quả trong vòng hai tuần.

“Chúng tôi hiểu rõ mối lo ngại của các chuyên gia và ngay lập tức triển khai điều tra về biến chủng B.1.1.529 (tức chủng Omicron)”, đại diện BioNTech nói với Business Insider. “Chúng tôi đang chờ thêm dữ liệu từ phòng thí nghiệm. Dữ liệu sẽ có trong chậm nhất hai tuần tới”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết zing

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất
HLV Kim Sang Sik chưa an tâm