Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Bi kịch của những đứa trẻ bị bỏ lại ở Trung Quốc

Năm 2015, sau nhiều lần tìm cách liên lạc với bố nhưng không được, 4 anh em ruột bị bỏ rơi ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc quyết định uống thuốc trừ sâu để tự vẫn.

Tang Yuwen sống ở huyện Sixian, tỉnh Tứ Xuyên cùng bà, em trai và hai em họ. Gia đình của Tang nghèo. Em và các thành viên tắm trong bồn kim loại được đặt ở căn phòng duy nhất trong nhà. Họ phải dùng chung nhà vệ sinh với hàng xóm.

Hoàn cảnh của các em giống như bao đứa trẻ khác cùng quê. Trong trường tiểu học của huyện Sixian, 80% học sinh không sống cùng mẹ hoặc cha. Việc hàng triệu người lao động rời vùng nông thôn Tứ Xuyên để tới thành phố tìm việc làm đã diễn ra hàng chục năm nay.

1/5 số trẻ em Trung Quốc (khoảng 61 triệu em) có hoàn cảnh giống Yuwen và phần lớn chúng chỉ gặp cha mẹ một lần mỗi năm. Người ta gọi chúng là “những đứa trẻ bị bỏ lại”.

Bi kịch

Tình trạng người lao động nông thôn di cư tới các thành phố lớn để làm việc với mong muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo đã vô tình gây tổn hại lớn tới đời sống tinh thần của những đứa trẻ vô tội. “Cháu biết, cha mẹ đã phải kiếm tiền vất vả. Nhưng cháu nhớ họ rất nhiều. Điều đó thật đau đớn”, Yuwen nói.

Khi bị cha mẹ bỏ lại ở quê, các em nhỏ phải tự chăm sóc bản thân. Ảnh: WSJ

Khi bị cha mẹ bỏ lại ở quê, các em nhỏ phải tự chăm sóc bản thân. Ảnh: WSJ

Tại tỉnh Quý Châu, căn nhà nhỏ mỏng manh tới mức gió vẫn có thể luồn qua khoảng trống giữa các tấm gỗ là nơi hai chị em Tao Lan, 14 tuổi và Tao Jinkun, 11 tuổi, sinh sống. Hàng ngày, Lan giúp em trai làm bài tập về nhà, trồng rau và nấu cơm. Hai chị em thay phiên nhau rửa bát. Cha mẹ của hai em sống và làm việc cách nhà hơn 1.600 km. Họ chỉ về thăm hai em một lần trong năm.

“Chắc hẳn cháu khó có thể tâm sự với cha mẹ nếu gặp chuyện buồn ở trường?”, phóng viên BBC bắt chuyện với Lan. “Cháu không thể kể với họ. Bố mẹ cháu sống rất vất vả, nên cháu không muốn họ lo lắng”, Lan nói và lau nước mắt.

Hoàn cảnh của Lan và Jinkun không phải là hiếm ở Trung Quốc. Hơn 2 triệu trẻ em Trung Quốc bị bỏ rơi hiện sống một mình mà không có sự hỗ trợ của người thân.

Tháng 6/2015, dư luận Trung Quốc bàng hoàng trước sự việc 4 anh em ruột từ 5 tới 13 tuổi tự tử bằng cách uống thuốc sâu tại tỉnh Quý Châu vì bị cha mẹ bỏ rơi. Người dân làng đã tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh gần thi thể của cậu con cả. “Cảm ơn bố mẹ đã đối xử tốt với chúng con. Con đã lên kế hoạch này từ lâu và bây giờ là lúc chúng con phải ra đi”, bức thư có đoạn.

Theo ông Xiao Wenying, người họ hàng xa của 4 em nhỏ, một tháng trước khi tự vẫn, các em đã bỏ học. Những đứa trẻ tội nghiệp nhiều lần gọi vào số điện thoại của bố nhưng không thể liên lạc.

“Các cháu không thiếu thực phẩm và quần áo, nhưng thiếu tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ”, ông Xiao nhấn mạnh.

Theo CNN, “những đứa trẻ bị bỏ lại” thường đánh nhau ở trường, gặp vấn đề về tâm lý và hành vi nhiều hơn những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi.

Hệ quả từ cuộc cách mạng công nghiệp

Nhà máy dệt ở thành phố Thành Đô, nơi cha mẹ của bé Tang Yuwen làm việc, cách quê vài giờ lái xe. Tuy nhiên, cha mẹ Yuwen chỉ về nhà hai hoặc 3 lần mỗi năm để tiết kiệm chi phí.

Phóng viên BBC đã trò chuyện với cha mẹ của Yuwen là ông Tang Yujun và bà Liu Ting tại một nhà hàng gần nhà máy dệt. Họ đã không gặp con trai trong 5 tháng. Khi xem video về cuộc trò chuyện giữa phóng viên và Yuwen, ông Yujun mỉm cười khi thấy cậu bé 12 tuổi ăn mặc chỉnh tề. “Đó là chiếc cà vạt của tôi”, ông thốt lên.

Bà Liu Ting và ông Tang Yujun. Ảnh: BBC

Bà Liu Ting và ông Tang Yujun. Ảnh: BBC

Xen lẫn niềm hạnh phúc khi được nhìn thấy con qua video là nỗi lo của hai người lao động nhập cư. “Vì không ở cùng cháu nên tôi lo cho sự an toàn của thằng bé. Nếu không có những rào cản pháp lý, chúng tôi sẽ đưa cháu tới đây sống cùng”, bà Liu nói.

Theo hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc, dù làm việc ở bất cứ nơi nào, người lao động và con cái họ chỉ có thể hưởng quyền phúc lợi, gồm chăm sóc y tế và giáo dục, tại quê nhà.

Hệ thống này cho phép chính quyền Trung Quốc quản lý chặt chẽ dòng chảy dân số và ngăn hậu quả từ cuộc cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, các khu ổ chuột mọc lên ngày càng nhiều khi các gia đình đổ xô tới thành phố lớn để thoát khỏi khó khăn kinh tế và tìm cuộc sống tốt hơn.

Người dân Trung Quốc từ lâu đã bàn về cải cách hệ thống đăng ký hộ khẩu, nhưng chính quyền nói họ không thể thực hiện điều này “một sớm một chiều”, thậm chí sẽ không thay đổi các quy định đối với một số thành phố lớn, như Bắc Kinh, Thượng Hải và cả Thành Đô, nơi cha mẹ bé Yuwen làm việc.

Khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu tại Anh, số dân của nước này là khoảng 10 triệu người. Giờ đây, khi Trung Quốc chuyển mình trong cuộc cách mạng ấy, số dân của họ cao gấp 100 lần quốc gia châu Âu.

Trong giai đoạn 2009-2013, số lượng xi măng được dùng trong ngành công nghiệp xây dựng hay lượng tiền cho vay của các ngân hàng Trung Quốc tương đương con số thống kê ở Mỹ trong cả thế kỷ 20.

Giữa những biến động của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp, giới quan sát không ngạc nhiên trước các hậu quả trong xã hội nước này, trong đó có tình trạng trẻ em bị cha mẹ bỏ lại ở nông thôn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Tin mới nhất