Bức ảnh một người đàn ông đứng khoanh tay với vẻ mặt cương nghị, trong khi hàng trăm người xung quanh đồng loạt thực hiện động tác giơ tay chào đón Hitler đã nhận được rất nhiều sự chú ý.
Được Đức quốc xã đưa vào nghi thức trong những năm 1930, động tác chào “sieg heil” (có nghĩa “hoan nghênh chiến thắng”) đã trở thành bắt buộc với mọi người Đức, như một cách thể hiện sự trung thành với Hilter, Đức quốc xã, và nước Đức thời bấy giờ.
Động tác này được thực hiện bằng cách duỗi thẳng tay phải và giơ lên cao ít nhất ngang tầm mắt. Thông thường, người chào sẽ hô “hoan nghênh Hitler!”, “hoan nghênh!” hoặc “hoan nghênh chiến thắng!”.
Năm 1942, Hitler từng lí giải về nguồn gốc của động tác chào này với các quan chức thân cận, rằng y lần đầu nhìn thấy cử chỉ kiểu này vào khoảng năm 1921, tại thành phố Bremen.
“Đây là một dạng nghi thức cổ còn sót lại, để cho thấy “nhìn này, tôi không hề mang theo vũ khí trong tay!”. Tôi đưa nó trở thành động tác chào của đảng trong cuộc họp đầu tiên tại Weimar”, trùm phát xít nói.
Theo một chỉ thị được Bộ nội vụ Đức, ban bố ngày 13/7/1933 (một ngày sau khi mọi đảng không phải Đức quốc xã bị cấm hoạt động), toàn thể công chức phải thực hiện động tác chào “sieg heil”. Chỉ thị cũng yêu cầu phải giơ tay chào khi hát quốc ca Đức. “Bất kỳ ai không muốn bị nghi là cư xử tiêu cực một cách có chủ ý phải thực hiện động tác chào”, chỉ thị viết.
August Landmesser là người duy nhất đã từ chối giơ tay chào khi Hitler tới tham dự một cuộc tụ họp năm 1936, dù Landmesser đã là một thành viên trung thành của Đức quốc xã.
Landmesser và Eckler quyết định nộp đơn xin kết hôn tại thành phố Hamburg, nhưng bị từ chối theo quy định của đạo luật Nuremberg, luật chống lại người Do Thái, vừa có hiệu lực khi đó. Tháng 10/1935, hai người chào đón con gái đầu lòng có tên Ingrid.
Và rồi, ngày 13/6/1936, Landmesser đã đứng khoanh tay và không giơ tay chào cho dù Hitler tới làm lễ khánh thành một con tàu mới của hải quân Đức. Hành động thách thức này khiến Landmesser nổi bật trong đám đông.
Năm 1937, quá chán nản, Landmesser tìm cách cùng gia đình trốn khỏi Đức để sang Đan Mạch, nhưng bị bắt tại biên giới và kết tội “làm ô danh chủng tộc”, theo luật Nuremberg.
Một năm sau, Landmesser được tuyên vô tội do thiếu bằng chứng và được yêu cầu không tiếp tục mối quan hệ với bà Eckler. Landmesser phớt lờ yêu cầu của Đức quốc xã và lại bị bắt năm 1938. Ông phải nhận bản án gần ba năm lao động trong trại tập trung và không bao giờ được gặp lại vợ con.
Cảnh sát mật cũng bắt Eckler, người lúc đó đang mang thai người con gái thứ hai của họ. Bà sinh con, tên là Irene, trong tù và bị đưa tới trại tập trung dành cho nữ không lâu sau khi sinh.
Sau khi hoàn tất thời gian thụ án, Landmesser làm nhiều công việc khác nhau trước khi bị cuốn vào chiến tranh năm 1944. Vài tháng sau, ông được xác định mất tích khi tham chiến tại Croatia.