Theo Daily Mail đưa tin ngày 21/9, xác của siêu mẫu Nadia Menaz đã được cảnh sát tìm thấy tại nhà riêng ở Oldham, Greater Manchester vào tháng 5 vừa qua. 5 tháng sau phiên toà kiện cha mẹ vì đã ép cô lấy chồng.
Siêu mẫu 24 tuổi này vốn là một bà mẹ một con có chồng là anh Umar Rasool. Nhưng cuộc hôn nhân này không được phía cha mẹ Nadia chấp thuận và cũng không được luật pháp Anh công nhận.
Theo lời kể của Nadia tại toà, mối quan hệ giữa cô và cha mẹ luôn trong tình trạng căng thẳng. Cô liên tục bị mắc chứng trầm cảm và thường có ý nghĩ tự hại bản thân.
Được biết, Nadia vốn là một cựu sinh viên trong trường sĩ quan quân đội và có ước mơ trở thành cảnh sát nhưng đã lại chọn nghề người mẫu sau khi bỏ nhà ra đi lúc 16 tuổi. Menaz gặp chồng mình Rasool, 25 tuổi, vào năm 2010.
Cả hai bắt đầu hẹn hò nhưng quyết định giữ kín mối quan hệ. Đến tháng 4/2011, họ cử hành hôn lễ theo nghi thức Hồi giáo dù không được luật pháp Anh chính thức công nhận. Tháng 3/2012, cặp đôi này có với nhau một đứa con gái.
Mọi việc lên cao trào vào tháng 12 năm ngoái, khi cô Menaz quyết định kiện cha mình - ông Sabir Hussain, 60 tuổi, và mẹ cô - Ruksana Kousar, 55 tuổi cùng 3 trong số 8 anh chị em vì đã cưỡng ép cô chuyện lấy chồng, tại toà án quận ở thành phố Manchester. Trong luật pháp Anh có ghi rõ, bất kỳ người phụ nữ nào bị cưỡng ép hôn nhân hoặc đang trong một cuộc hôn nhân bị cưỡng ép đều sẽ được pháp luật bảo vệ.
Tại buổi thẩm tra chính thức ở toà án, cả ông Hussain và bà Kousar đều một mực từ chối việc cưỡng ép con gái mình kết hôn. Họ còn khẳng định không biết gì về luật bảo vệ hôn nhân cưỡng ép. Tuy nhiên, sau khi bị tra hỏi thêm, cả hai mới chịu thừa nhận rằng họ có nghe nói về luật đó cũng như việc gia đình có thái độ tiêu cực với chồng của Nadia. Song cả hai đều khẳng định rằng con gái mình đã bị sát hại bởi “bên thứ 3”.
“Một khi nó đã làm đám cưới, thì việc chúng tôi có phản đối cũng chẳng đem lại kết quả gì. Hắn ta từng hành hung con gái tôi cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Chúng nó cũng thường xuyên cãi nhau” - ông Hussain phát biểu tại phiên điều trần.
“Khi phát hiện ra luật bảo vệ hôn nhân cưỡng ép, tôi vẫn giữ liên lạc với con gái và hoàn toàn bị sốc. Tôi không nghĩ rằng con gái tôi tự tử. Cả đời tôi chưa bao giờ cảm nhận được điều gì có thể khiến nó chết theo cách này. Tôi nghĩ Nadia đã bị sát hại” - ông Hussain nói thêm.
Mẹ của Nadia - bà Ruksana Kousar thì nói rằng, tại thời điểm sau cái chết của con gái, bà đã nhận được rất nhiều tin nhắn đe dọa từ chiếc điện thoại của Nadia nói rằng: “Nadia đã chết. Bây giờ là đến lượt chúng mày.”
Mohammad Nakash Ali, anh trai của nữ nạn nhân cho hay em gái mình thường xuyên cãi vã với chồng, và bị stress nặng: “Nadia luôn trong tình trạng căng thẳng, một với người chồng suốt ngày chỉ biết đánh đập nó, một bên là phía gia đình chúng tôi. Nadia đã rất cố gắng trong việc hàn gắn, sửa sai lầm trong quá khứ nhưng nó không có hiệu quả. Nó lo về quá khứ lẫn tương lai của mình. Và thường có hành động tự hại bản thân”.
Khoảng vài tuần trước khi chết, Menaz từng được điều trị tâm thần tại Bệnh viện Hoàng gia Olham nhưng nhanh chóng được xuất viện.
Vào cái ngày Nadia tự vẫn, cô đã có trận cãi nhau với chồng. Thậm chí trước khi chết, cô còn nhắn tin cho Rasool nói rằng cô sẽ tự vẫn. Và khi người chồng trở về nhà vào lúc 6h30 (giờ địa phương), anh đã tìm thấy xác của vợ mình và lập tức gọi điện báo cảnh sát.
Phía cảnh sát đã loại bỏ khả năng có sự can thiệp của ‘bên thứ 3’ bởi kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nguyên nhân cái chết là do tự vẫn.
Phát biểu trước báo chí, chồng của Nadia nói rằng: “Tôi không giết vợ mình. Đúng là vợ chồng chúng tôi không phải lúc nào cũng hoà thuận, nhưng cặp vợ chồng nào chẳng vậy. Lý do tôi cho Nadia chữa trị tại bệnh viện tâm thần là để giúp cô ấy loại bỏ chứng trầm cảm, nhưng có vẻ nó đã không thành công”.