Ramses II là vị vua thứ ba thuộc Vương triều thứ Mười Chín của Ai Cập. Ông được xem là vị hoàng đế anh minh thần võ, danh tiếng lẫy lừng của thời đại Tân Vương quốc, người dẫn dắt dân Ai Cập tiến quân sang các quốc gia láng giềng để nâng cao quyền uy và vị thế của đất nước. Đến ngày băng hà, ông được chôn cất tại Thung lũng các vị vua, gần bờ tây sông Nile.
Nhà thám hiểm người Anh Tony Robinson nói: “Ramses ngồi vững trên ngai vàng suốt hơn 60 năm, uy danh của ngài ghi khắc sâu trong lòng chúng ta hơn bất cứ vị pharaoh nào khác. Ông chính là người hoàn thiện đền Karnak với kiến trúc hết sức ấn tượng: 134 trụ cột cao hơn 24 m. Công trình kỳ vĩ này còn có mái nhà bằng sa thạch để tránh ánh nắng gay gắt. Số đá này đến từ các mỏ khai thác vùng Gebel el-Silsila”.
Năm 1821, người ta phát hiện Ramses II được chôn cất tại Thung lũng các vị vua. Tuy nhiên, thi thể của ông lại không được bảo quản trong hầm mộ cũ. Robinson cho hay: “Tôi không cất công đến đây để nghiên cứu đền thờ, mục tiêu của tôi là các lăng mộ to lớn. Nhìn từ phía Luxor, bên kia sông chính là Thung lũng các vị vua, nơi Ramses yên nghỉ. Tuy nhiên, năm 1881, người ta lại phát hiện xác ướp của ông bên ngoài hầm mộ ban đầu. Đó là một trong những xác ướp pharaoh được bảo quản tốt nhất”.
Nhiều người tin rằng thi thể của Ramses II đã được chuyển đến lăng mộ hoàng gia số hiệu TT3BO, nằm cạnh Deir el-Bahri thuộc khu nghĩa địa Theban, đối diện với thành phố Luxor hiện đại. Đây cũng là nơi Đại tư tế Amun Pinedjem II cùng thân quyến an giấc nghìn thu. Ngoài xác ướp, khu lăng mộ này còn gìn giữ cả vật bồi táng của hơn 50 vị vua, hoàng hậu cùng hoàng thân quốc thích của Tân Vương quốc.
Kiến trúc của hầm hộ cũng khiến các nhà khảo cổ phải đau đầu. Robinson chia sẻ: “Antonio Morales là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu khai quật lăng mộ của Ipi. Khoảng 700 năm trước khi Ramses trị vì, Ipi giữ chức Tể tướng phụ tá cho pharaoh. Nhìn lăng mộ này cũng đủ thấy vị thế của ông lúc đó rất lớn. Lần cuối cùng các nhà khảo cổ ghé qua đây là gần 100 năm trước. Họ chỉ vòng quanh hầm mộ trong vài ngày, sau đó rời đi. Có rất nhiều thứ mà họ đã bỏ lỡ”.
Ông bổ sung: “Kiến trúc lăng mộ quả thực khiến chúng tôi bất ngờ. Nó trải rộng trên 40 m về phía ngọn núi và tiếp tục xuống sâu phía dưới tầm 20 m nữa. Sau tang lễ của Ipi, không ai biết đến căn phòng bí mật chứa xác Tể tướng, cũng tức là nơi đoàn khảo cổ đang đứng đây. Thi thể của Ipi từng được đặt trong chiếc quan tài đá khổng lồ này. Nhưng chúng tôi không tìm được nhiều tư liệu nghiên cứu, bởi xác ướp của ông đã mất tích từ 4000 năm trước”.