Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Bí ẩn người thợ máy đánh cắp máy bay vì nhớ nhà

Nhật Minh (VietnamNet) Theo dõi Saostar trên google news

Năm 1969, một người thợ máy thuộc không quân Mỹ đã đánh cắp một chiếc máy bay và thực hiện hành trình từ căn cứ quân sự tại East Anglia (Anh) trở về Mỹ. Chưa đầy 2 tiếng đồng hồ sau khi cất cánh, anh ta đột nhiên mất tích.

Tối ngày 22 tháng 5 năm 1969, thợ máy 23 tuổi Paul Mayer - đang hoạt động tại RAF Mildenhall, Sulffolk, vì nhớ vợ con quê nhà, đã xin nghỉ phép sớm vài ngày để trở về căn cứ USAF, Langley, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đề nghị này của anh ta đã bị từ chối.

Thất vọng vì điều đó, Mayer đã uống rượu đến mức mất kiểm soát và bị áp giải về doanh trại khi cảnh sát Sulffolk phát hiện anh ta đang lởn vởn ở cung đường A11. Mayer sau đó nảy ra ý định bỏ trốn. Anh ta đột nhập vào phòng của đại tá Upton và trộm chìa khóa xe tải của ông này. Sau đó, dưới cái tên “đại tá Epstein”, Mayer đã ra lệnh cho người điều phối máy bay chuẩn bị cho anh ta chiếc phi cơ 37789 được đổ đầy nhiên liệu để chuẩn bị cho hành trình trở về Mỹ.

Paul Mayer đã trộm máy bay trở về Mỹ vì nhớ nhà.

Ngay lập tức, đội ngũ mặt đất đã nghe lời chỉ huy của vị đại tá giả mạo này và Mayer vội vã cho máy bay cất cánh trên đường băng số 29. Hoàn toàn cô độc trong buồng lái của chiếc máy bay vận tải quân sự 4 động cơ, nặng 60 tấn mình vừa đánh cắp, anh ta đã cố gắng hết sức để điều khiển nó trong khi bản thân chưa đủ trình độ để lái chiếc máy bay này. Khoảng 5h hơn rạng sáng ngày 23 tháng 5, máy bay đã ổn định trên không.

Khi đó, ở Virginia, Mỹ chỉ mới là nửa đêm. Mayer đã điện về cho người vợ Mary Ann “Jane” Mayer của mình và thông báo rằng anh ta đang trở về nhà trên một chiếc phi cơ bằng một giọng đầy phấn khích. Trong cuộc nói chuyện điện thoại kéo dài hơn 1 tiếng với chồng mình, người vợ của Mayer, nay là bà Mary Ann Jane Goodson, nói rằng bà đã biết Mayer không được nghỉ phép cũng như việc anh đánh cắp chiếc máy bay. Bà cũng cầu xin Mayer quay trở lại doanh trại và cảnh báo anh về việc sẽ bị quân đội trừng phạt nghiêm khắc.

Tuy nhiên, đường dây liên lạc đã bị ngắt sau khi Mayer thông báo anh đang gặp một vài rắc rối. Một tiếng bốn mươi lăm phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay lao xuống kênh đào Anh. Một vài ngày sau đó, những mảnh vỡ của máy bay cùng phao cứu sinh trôi giạt vào ven bờ đảo kênh đào gần Alderny, nhưng không bao giờ người ta tìm thấy thi thể của người thợ máy xấu số.

Bà Goodson cho biết, không quân Mỹ chưa bao giờ tiết lộ nguyên nhân xảy ra tai nạn của Mayer: “Không ai nói với tôi tại sao chiếc máy bay gặp nạn. Tôi chỉ nhận được vẻn vẹn bức điện tín nói rằng chiếc máy bay đã mất tích. Khi Mayer nói anh ấy đang gặp sự cố, tôi đã ngờ ngợ những rắc rối ấy có thể do quân đội cử máy bay phản lực để bắn hạ anh ấy. Tôi chắc chắn rằng tôi không hề được biết sự thật”.

Theo báo cáo của không quân Mỹ, ngay sau khi Mayer cất cánh, một chiếc máy bay phản lực chiến đấu F-100 và một chiếc C-130 nữa đã được cử đi với nỗ lực kiểm soát Mayer. Dẫu vậy, cả hai chiếc máy bay này đều không thể liên lạc với anh. Tuy nhiên, bà Goodson cho biết trong cuộc điện thoại giữa bà và người chồng quá cố xuất hiện một giọng người đàn ông. Người này liên tục bảo bà nói chuyện với Mayer để giúp họ xác định vị trí của chiếc máy bay.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Nhật Minh (VietnamNet)

Được quan tâm

Tin mới nhất