Vị bác sĩ này cho biết, bệnh viện của ông hoàn toàn không có sự chuẩn bị trước cho đến khi bệnh nhân ồ ạt kéo đến cách đây khoảng 2 tuần. Điều này đã vắt kiệt mọi nguồn lực của bệnh viện, nhiều bệnh nhân với bệnh tình nghiêm trọng cũng không có máy thở để sử dụng.
Bác sĩ này nói: “Chúng tôi không có máy móc cũng chẳng có giường bệnh. Chúng tôi đang ở giữa thành phố New York vậy mà điều tồi tệ này lại xảy ra. Nó giống như kịch bản cho một đất nước ở thế giới thứ 3. Thật đáng kinh ngạc”.
Ban đầu, bệnh nhân nhiễm COVID-19 phần lớn là người trên 70 tuổi, nhưng trong tuần vừa qua, bệnh viện đã ghi nhận một số ca dưới 50 tuổi. “Tôi nghĩ họ không hiểu được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này. Hai tuần trước, cuộc sống vẫn hoàn toàn khác”, vị bác sĩ nói.
Những quyết định rất khó khăn
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Mỹ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới. Trong khi đó, các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo Mỹ có thể “trở thành Italy thứ 2”, nơi bệnh viện đông nghẹt bệnh nhân nhiễm COVID-19, các bác sĩ phải đưa ra quyết định nghiệt ngã là chọn chữa cho ai và ai được dùng máy thở.
Mỹ có thể đã nhìn thấy sự khởi đầu của điều này trên một số mặt.
Tiến sĩ Craig Spencer, giám đốc điều hành cơ quan y tế khẩn cấp tại Trung tâm y tế Đại học NewYork-Presbyterian ở thành phố New York, nói: “Những gì chúng ta đang nhìn thấy trong các phòng cấp cứu lúc này thực sự rất thảm khốc. Tuần trước khi tôi đi làm, chúng tôi đã nói với nhau về việc có 1 hoặc 2 bệnh nhân trong số hàng chục bệnh nhân nhập viện có thể nhiễm COVID-19.
Trong ca làm việc ngày hôm nay, bệnh nhân mà tôi chăm sóc hầu hết đều nhiễm virus corona và tình trạng của nhiều người trong số đó rất nghiêm trọng. Nhiều người phải dùng máy thở, tình trạng của họ xấu đi rất nhanh. Không khí trong tuần này rất khác biệt so với tuần trước”.
Các quan chức ở bang New York đang thúc giục các bệnh viện trên toàn bang nỗ lực hơn nữa trong công tác cứu chữa. Cho đến nay, số ca nhiễm COVID-19 tại tiểu bang này chiếm 6% tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới và chiếm 1/2 ca nhiễm tại Mỹ.
Tại thành phố New York, việc xây dựng bệnh viện dã chiến với 1.000 giường bệnh trong Trung tâm Javits đang được tiến hành, Thống đốc Andrew Cuomo của bang New York, cho hay. Ngoài ra, hàng nghìn y bác sĩ nghỉ hưu hoặc không còn làm việc nữa đã đăng ký làm lực lượng dự phòng.
Bang cũng đang nỗ lực để mua máy thở cho những bệnh nhân nặng. Theo ông Cuomo, bang New York đã mua 7.000 máy thở cùng với 4.000 máy có sẵn đang sở dụng. Vào ngày 24/3 vừa qua, Nhà Trắng cho biết bang sẽ nhận được 2 lô hàng gồm 2.000 máy thở trong tuần này từ kho dự trữ quốc gia, nhưng bang cần tới 30.000 máy.
Kho dự trữ chiến lược quốc gia ngày 25/3 cho hay, họ có khoảng 16.600 máy thở trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra và chúng đã được triển khai dần tới những nơi cần trong vài ngày qua.
“Một đại dịch như thế này có thể áp đảo bất kỳ hệ thống nào trên thế giới”, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ cảnh báo. Không có đủ máy thở, “đó là khi bạn sẽ phải đưa ra một số quyết định khó khăn”.
Ông Cuomo cũng mô tả các biện pháp cực đoan mà các bệnh viện đang lên kế hoạch thực hiện khi số lượng bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt tiếp tục tăng lên. “Chúng tôi đang thử nghiệm về quy trình chia máy thở. Chúng tôi sử dụng một máy thở cho 2 bệnh nhân. Thật khó để thực hiện, đó là thử nghiệm nhưng tại thời điểm này, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác“, ông Cuomo nói.
Mọi người đều kinh hãi
Không chỉ New York bị quá tải mà các bệnh viện trên khắp nước Mỹ cũng đang phải oằn mình chống đỡ trước sự gia tăng bệnh nhân nhanh chóng và thiếu đồ bảo hộ như khẩu trang, áo choàng. Các nhân viên y tế thấy rằng gia đình và bệnh nhân của họ đang gặp nguy hiểm.
Một y tá tại phòng cấp cứu ở bang Virginia mô tả bệnh viện của cô là “vô cùng hỗn loạn”. Tại khoa cấp cứu, những người có khả năng nhiễm COVID-19 ngồi gần bệnh nhân mắc các bệnh khác. “Một cặp vợ chồng già bị đau ngực ngồi ngay cạnh người bị ho và cúm. Tôi cho rằng đó là hành động vô cùng liều lĩnh“, nữ y tá chia sẻ.
Nữ y tá cũng cho biết rằng, cô đã không thể ôm con gái mình kể từ khi dịch bệnh bùng phát, vì cô sợ cô có thể lây cho con.
Một y tá khác ở bang Georgia cho biết, cô đã chăm sóc một số bệnh nhân chết vì COVID-19 và khi xuất hiện triệu chứng, cô nhiều lần yêu cầu được xét nghiệm nhưng đều bị từ chối, ngay cả khi bệnh tình của cô trở nặng trong suốt 1 tuần. Cuối cùng, cô đã được xét nghiệm vào ngày 24/3 vừa qua và được đưa tới bệnh viện cách ly vào cùng ngày.
“Mãi tới sáng nay tôi mới được xét nghiệm“, nữ y tá vừa nói vừa thở hổn hển, thỉnh thoảng ho đôi tiếng khù khụ. “Thật điên rồ. Điều này thật đáng giận. Tôi cảm thấy tôi phải hét lên thì họ mới chịu chú ý đến tôi vậy“.
Judy Sheridan-Gonzalez, một y tá phòng cấp cứu tại Trung tâm y tế Montefiore và Chủ tịch Hiệp hội Y tá bang New York, nói rằng “mọi người đều kinh hãi” về việc bị nhiễm bệnh vì nhiều người không có dụng cụ bảo vệ thích hợp và nhiều người được bảo là tái sử dụng khẩu trang. Judy cũng nói rằng, cô lo sợ không có đủ máy thở và nhân viên y tế để chăm sóc mọi người, nhưng bệnh viện cô vẫn chưa đến mức rơi vào tình trạng tồi tệ này.
Đối với Judy, nguy cơ nhiễm bệnh trong tình trạng thiếu khẩu trang và áo choàng là quá thực tế. “Chúng tôi cảm thấy bản thân phải có nghĩa vụ chăm sóc bệnh nhân. Mọi người đều làm như thế. Nhưng chúng tôi không muốn nhiễm bệnh và chúng tôi không muốn trở thành những người mang mầm bệnh. Trong bệnh viện của tôi, có một y tá đang phải thở máy và tôi nghĩ không chỉ nhân viên y tế trong bệnh viện tôi gặp phải tình trạng như vậy“, Judy chia sẻ.
Nếu virus “hạ gục” nhân viên y tế, trận chiến sẽ kết thúc. “Nếu nhiều nhân viên y tế tuyến đầu, bác sĩ cấp cứu và y tá bị nhiễm bệnh, khi đó chúng ta phải chứng kiến cảnh các đồng nghiệp phải chăm nom lẫn nhau bên trong phòng chăm sóc đặc biệt. Không có gì gây bất ổn hơn cho nước Mỹ hơn điều này“, Judy chia sẻ.
Làm phẳng đường cong
Năng lực của hệ thống y tế Mỹ là cốt lõi của nỗ lực “làm phẳng đường cong”, tức làm giảm số ca nhiễm mới thông qua các biện pháp như cách ly xã hội. Mục tiêu của việc này là ngăn chặn tình trạng bệnh nhân đổ xô đến bệnh viện cùng một lúc.
Vào ngày 24/3, Tổng thống Donald Trump cho biết ông muốn quốc gia “mở cửa kinh tế và sẵn sàng hoạt động trong Lễ Phục Sinh (ngày 12/4)”, tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng khoảng thời gian cách ly xã hội ngắn ngủi như vậy hoàn toàn không thể chặn đứng sự lây lan của virus corona.
Đầu tháng này, ông Fauci phát biểu rằng “có lẽ sẽ mất vài tuần hoặc lâu hơn trước khi chúng ta biết liệu việc chúng ta đang làm có tác dụng hay không” trong việc làm phẳng đường cong. Ông Fauci cũng nhấn mạnh rằng phải “linh hoạt” trong kế hoạch mà Tổng thống Trump đưa ra.
“Rõ ràng sẽ không ai muốn cắt giảm các biện pháp khi bạn thấy mọi thứ đang diễn ra như ở thành phố New York“, ông Fauci phát biểu.
Vào ngày 25/3, Thống đốc Cuomo nói rằng, dựa trên các số liệu hiện tại, ông dự đoán số bệnh nhân sẽ đạt đỉnh điểm trong 21 ngày tới.
“Mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được điều đó. Bạn có thể thấy được điều đó trên chiến tuyến tại khoa cấp cứu“, ông Spencer nói.
Trên trang Twitter cá nhân, ông Spencer cũng kêu gọi mọi người nên tự giác cách ly xã hội: “Đã quá muộn để chúng ta ngăn chặn virus này, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm chậm sự lây lan của nó. Các bệnh viện sắp hết chỗ, Chúng tôi sắp hết máy thở. Xe cứu thương hú còi suốt ngày“.