BioNTech, công ty công nghệ sinh học của Đức, đã sản xuất loại vaccine Covid-19 đầu tiên được cấp phép tại Mỹ vào tháng 12, cũng là chủng vaccine đầu tiên sử dụng công nghệ mRNA. Trả lời phỏng vấn của truyền thông, 2 nhà đồng sáng lập Ugur Sahin và Ozlem Tureci đã chia sẻ về mối quan hệ hợp tác với công ty dược phẩm Pfizer để thử nghiệm và sản xuất vaccine.
Khi Sahin đọc được một bài báo về tình hình dịch Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 1/2020, ông thầm nghĩ: "Rất có thể virus đã lây lan trên toàn thế giới", và nhân loại không thể chờ thêm giây phút nào nữa. Nhưng vào lúc đó, BioNTech chủ yếu sản xuất vaccine chống ung thư. Lúc Covid-19 lan rộng, họ chỉ mới nghiên cứu cách chế tạo vaccine chống lại các bệnh truyền nhiễm như cúm dựa trên công nghệ mRNA.
"Ugurđã thuyết phục tất cả chúng tôi rằng đây là sứ mệnh của mọi người", Tureci nói. Tại một cuộc họp khẩn cấp, Sahin đã kêu gọi lập nhóm nghiên cứu vaccine Covid-19 với 40 thành viên. Số người tham gia dự án mang tên Project Lightspeed ấy nhanh chóng tăng lên hơn 200.
Sau thời gian làm việc liên tục, họ tạo ra 20 "ứng cử viên" tiềm năng, trong đó có 4 loại vaccine có hy vọng vô hiệu hóa virus. Với những thông tin ít ỏi về loại virus mới này, nhóm nghiên cứu quyết định tìm giải pháp dựa trên 2 chủng virus corona tương đồng là SARS và MERS, từ đó đưa ra quy trình 50.000 bước để chế tạo vaccine mRNA chống lại SARS-CoV-2.
Họ sử dụng bể thép không gỉ 50-L để làm lò phản ứng sinh học, bên trong chứa các đoạn mRNA mã hóa cho protein. Toàn bộ quy trình sản xuất diễn ra khép kín, các sản phẩm được vận chuyển qua công đoạn khác nhờ ống nhựa trong suốt. Mặc dù vậy, các kỹ thuật viên vẫn thường xuyên kiểm tra không khí trong cơ sở sản xuất để đề phòng vi khuẩn hoặc mầm bệnh.
Vì tính chất không ổn định của mRNA, nhóm nghiên cứu phải bảo quản nó bằng "bong bóng" ethanol được điều áp, vốn rất dễ gây cháy. Chỉ một vài người được phép ra vào những căn phòng này, nhưng phải mang giày không tĩnh điện để tránh tạo ra tia lửa do ma sát, dẫn đến cháy nổ. Có 5 trong số 6 bể chứa 50-L được đặt tên theo các thành viên trong nhóm. Bể thứ 6 mang tên Margaret, bà cụ người Anh đầu tiên được tiêm vaccine.
Sau quá trình lọc và tinh chế trong bể chứa, chất này được nhỏ vào các lọ vô trùng, mỗi lọ chứa tối đa 6 liều vaccine, rồi vận chuyển đến các cơ sở khám chữa bệnh khắp thế giới. BioNTech hiện đang sản xuất 8 triệu liều vaccine trong khoảng thời gian từ 3 - 7 ngày tại cơ sở ở Marburg, nơi công ty mua lại từ Novartis vào mùa thu năm 2020.
Mỗi năm, BioNTech có khả năng sản xuất 1 tỷ liều vaccine. Nhưng với mối quan hệ hợp tác cùng Pfizer, công ty sẽ tăng cường sản xuất để đạt được mục tiêu 2,5 tỷ liều mà họ đã cam kết. BioNTech cũng đang theo dõi các biến thể mới của virus. Họ đã phát triển loại vaccine mới chống lại chúng và có kế hoạch thử nghiệm sớm.
Với sự thành công của vaccine mRNA Covid-19, Sahin và Tureci đã nhận ra triển vọng của công nghệ này. Vì vậy, họ sẽ tiếp tục kế hoạch nghiên cứu vaccine cúm và ung thư bị gián đoạn trước đó. Alexander Muik, giám đốc bộ phận điều chỉnh miễn dịch của BioNTech, chia sẻ: "Ai có thể tuyên bố họ đã góp phần tìm ra giải pháp chống lại đại dịch? Rất ít người có thể khẳng định điều đó".