Vào ngày 7/11/2019, một bức ảnh chụp cô bé Divya 5 tuổi đang đứng ngoài cửa lớp học nhìn lén vào trong, tay cầm chiếc bát trống, đã trở nên “viral” trên mạng xã hội và được đăng trên một tờ báo tiếng Nhật tới tiêu đề “Ánh nhìn khao khát”. Sau khi công bố bức ảnh rộng rãi, sự phản đối đã dậy lên từ phía dư luận.
Khi dư luận bất bình lên tiếng
Bức ảnh nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người, và một nhà hoạt động vì quyền trẻ em đã chia sẻ nó trên Facebook cá nhân kèm theo những lời than thở rằng cô bé trong ảnh không được hưởng quyền được ăn uống và quyền được giáo dục. Tác động của sự chú ý này lớn đến mức ngay hôm sau, Divya đã được ngôi trường đó nhận vào học.
Nhưng cha của cô bé, ông M Lakshman, chia sẻ rằng bức ảnh kia và sự phẫn nộ mà nó gây ra cho dư luận thực tế là không công bằng đối với ông và người vợ của ông, bà Yashoda. Được biết, ông Lakshman làm làm nghề nhặt rác, còn bà Yoshoda mưu sinh bằng công việc quét rác.
“Tôi cảm thấy buồn khi nhìn thấy bức ảnh. Divya có cha mẹ và chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để con bé có một tương lai tốt đẹp. Vậy mà con bé được khắc họa như là một đứa trẻ mồ côi đói khát” - cha của Divya chia sẻ với BBC.
Ông Lakshman cho biết, ông chờ Divya tròn 6 tuổi để ông có thể đăng ký gửi cô bé vào ký túc xá của chính phủ - nơi mà hai cô con gái khác của ông đang theo học. Cặp vợ chồng cũng có một cậu con trai, vừa học xong và hiện đang nộp đơn vào đại học cũng như phụ giúp bố mẹ.
Ước muốn con cái thoát khỏi vòng lặp luẩn quẩn của gia đình
Divya và cha mẹ cô bé sống trong căn nhà một phòng cũ kỹ tại một khu ổ chuột ở trung tâm thành phố Hyderabad. Khu này cách trường công lập khoảng 100 mét, nơi Divya được chụp ảnh. Hầu hết 300 hộ gia đình sống ở đây đều là những người làm công ăn lương theo ngày và gửi con cái theo học tại trường gần nhà.
Ngôi nhà của Divya sinh sống trống vắng, nhựa và thủy tinh thì chất đống bên ngoài, sẵn sàng để bán cho các nơi tái chế. Bố Divya cho biết, ông và vợ kiếm được khoảng 10.000 rupee (khoảng 3,2 triệu đồng) mỗi tháng. Số tiền này được dùng để mua thức ăn và quần áo. Tuy nhiên, việc cho con đi học thì được miễn phí vì là trường công lập.
Ông Lakshman biết mình cần phải đấu tranh cho điều gì. Bản thân ông lớn lên mà không có cha mẹ và phải luôn vật lộn để kiếm sống lương thiện. “Tôi không bao giờ muốn các con có cuộc sống như tôi. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng sẽ cho chúng nó đến trường”.
Ông nói thêm rằng bức ảnh làm ông đặc biệt đau đớn vì bản thân ông cũng đang chăm sóc cho 5 đứa con của anh trai mình: “Anh trai và chị dâu tôi đã qua đời cách đây không lâu. Tôi không muốn 5 đứa con của họ lớn lên thành trẻ mồ côi. Vì vậy, tôi đã đăng ký tất cả chúng vào ở chung ký túc xá để chăm sóc”.
Khi được hỏi tại sao Divya đến trường mà lại cầm theo một cái bát trong tay như ảnh chụp, ông Lakshman giải thích rằng rất nhiều trẻ em từ khu ổ chuột đến đó vào bữa trưa để được ăn cơm miễn phí. Đây là một chương trình của chính phủ cung cấp bữa ăn nấu sẵn cho trẻ em ở hơn một triệu trường học. Chúng nó biết điều này vì có các anh chị lớn hơn học ở đó.
“Divya không làm vậy hằng ngày nhưng bữa đó nó có đến và vô tình được một người nào đó chụp lại” - ông Lakshman giải thích.
Vụ cơm trưa miễn phí này được các giáo viên tại trường xác nhận. Trao đổi với BBC, họ cho biết có một số học sinh mang cơm từ nhà theo ăn. Vì vậy, thức ăn còn lại từ chương trình bữa trưa miễn phí sẽ được trao cho những trẻ nhỏ không đi học.
“Trẻ em là trẻ em. Và ở đây không có trung tâm giữ trẻ. Vì vậy, rất nhiều bé vẫn quanh quẩn ở trường tiểu học” - một giáo viên cho biết.
Sau tất cả, bức ảnh vẫn mang lại những điều tốt đẹp
Ông Lakshman và hàng xóm thừa nhận thị trấn họ sinh sống không có trung tâm giữ trẻ do chính phủ tài trợ. Vì vậy, các phụ huynh rất đau đầu vì không có nơi nào để gửi con trong lúc họ đi làm.
Ông SU Shivram Prasad, thanh tra trường địa phương, nói rằng ông hy vọng sự chú ý của dư luận xuất phát từ bức ảnh chụp bé Divya sẽ đẩy nhanh quá trình thiết lập một trung tâm giữ trẻ công lập. “Nó sẽ giúp cha mẹ và con cái có được một bữa ăn bổ dưỡng” - thanh tra phát biểu.
Giáo viên tại trường cũng hy vọng rằng sự chú ý của truyền thông sẽ cải thiện cơ sở vật chất nơi đây. Họ cho biết trường thiếu hụt nhân lực và tài liệu giảng dạy trầm trọng, thậm chí trường còn không có tường ngăn kiến các giáo viên phải theo dõi học sinh trong suốt giờ ra chơi.
Tuy vậy, Divya rất vui mừng vì được đến trường. Cô bé cứ mang túi đi học theo khắp mọi nơi, thậm chí mang cả ra ngoài sân chơi. Nhưng ngoài việc nói tên của mình, Divya không trả lời bất kỳ câu hỏi nào.
Nắm tay và hôn con gái, ông Lakshman cho biết: “Con bé là một đứa trẻ rất đằm tính”. Bên cạnh đó, ông thừa nhận rằng dù thế nào thì bức ảnh kia cũng đã mang lại một số điều tốt đẹp. “Bây giờ những đứa trẻ khác bằng tuổi Divya cũng đang được ghi danh vào trường. Điều đó làm tôi hạnh phúc” - ông Lakshman chia sẻ.