Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán cô bé 8 tuổi ở Ấn Độ mắc u nang não và được điều trị bằng một liều cao steroid. Thay vì làm dịu đi các triệu chứng, thuốc khiến cơ thể bé từ 40 kg tăng lên 60 kg trong thời gian ngắn gây ra chứng khó thở và không thể đi lại được.
6 tháng sau, cha mẹ cô bé đã đưa con gái đến bệnh viện Fortis tại thành phố Gurgaon. Kết quả sau nhiều lần chụp chiếu cho thấy bé đang có dấu hiệu của bệnh động kinh. Não bộ tràn ngập trứng sán dây từ dạ dày đẩy lên theo đường máu. Theo phỏng đoán của bác sĩ, trứng sán được cho là thâm nhập cơ thể do cô bé ăn rau quả chưa được rửa hoặc thịt lợn chưa nấu chín.
Sau khi trải qua điều trị diệt trứng, cô bé dần hồi phục sức khỏe và có thể đi lại được. Việc điều trị bắt đầu từ thuốc giảm sưng, tiếp theo là diệt sán dây. Trọng lượng cơ thể tăng lên đột biến do tác dụng của thuốc đã trở lại bình thường. Hiện tại, em đã có thể sinh hoạt và trở lại trường học.
“Chẳng ai trong chúng tôi nghĩ cô con gái hoạt bát, khỏe mạnh của mình lại bị nhiễm căn bệnh khủng khiếp đến vậy. Thật may mắn khi chúng tôi đã phát hiện và điều trị cho con bé kịp thời trước khi trứng nở và gây tổn thương nhiều hơn”, cha cô bé nghẹn ngào cho biết.
“Việc quét não bộ của cô bé cho thấy có hơn 100 chấm trắng hình thành do trứng sán dây. Khi trứng đến não thông qua hệ thần kinh, chúng gây ra chứng loạn thần kinh được biểu hiện qua các triệu chứng như đau đầu dữ dội, co giật… Việc ký sinh trùng nhiễm vào cơ thể là do vô tình ăn phải rau quả và thịt chưa được nấu chín hoặc làm sạch”, Praveen Gupta, giám đốc thần kinh bệnh viện Fortis, cho biết.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) thừa nhận chính sự phá hoại của sán dây trong não là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh động kinh. Bên cạnh đó, neurocysticercosis là yếu tố dẫn đến chứng động kinh nhiều nhất thế giới, chiếm đến 30% trong tất cả các trường hợp.