Với độ cao trên 8.000 m so với mực nước biển, Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới, địa điểm mà tất cả những người đam mê mạo hiểm đều mong muốn được đặt chân tới. Theo ước tính, có đến 4.800 người từng đặt chân lên Everest, trong đó có 300 người đã bỏ mạng và hai phần ba trong số đó hiện vẫn đang nằm lại đỉnh núi này, biến Everest trở thành một trong những “nghĩa trang” lớn nhất của thế giới tự nhiên.
Trong những năm gần đây, xác của những nạn nhân tử nạn khi leo núi tại đỉnh Everest được tìm thấy ngày càng nhiều. Cụ thể, trong chuyến thám hiểm đỉnh Everest vào năm 2007, đoàn leo núi chuyên nghiệp Sherpa phát hiện bàn tay một người đàn ông vùi trong đám tuyết. Cùng năm đó, thi thể một nạn nhân khác cũng nổi lên tại sông băng Khumbu, gần thác băng Khumbu, nơi được biết đến là vị trí tìm thấy nhiều xác các nạn nhân leo núi nhất, theo chia sẻ của những nhà leo núi.
Một quan chức chính phủ từng làm việc tại đỉnh Everest cho hay: “Tôi đã tìm được khoảng 10 xác chết tại các địa điểm khác nhau trong thời gian làm việc tại đỉnh Everest. Và rõ ràng ngày càng có nhiều xác chết được tìm thấy hơn”.
Ông Ang Tshering Sherpa, cựu chủ tịch Hiệp hội leo núi Nepal, chia sẻ: “Sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân chính dẫn đến sự tan chảy nhanh chóng của các tảng băng và sông băng. Những xác chết bị chôn vùi trong nhiều năm nay vì thế lộ ra ngày càng nhiều. Chúng tôi đã di dời xác chết của số ít những người thiệt mạng tại ngọn núi trong vài năm trở lại đây. Số còn lại không ngừng được tìm thấy mỗi ngày”.
Một nghiên cứu vào năm 2015 đã tiết lộ các hố băng trên sông băng Khumbu, nơi các nhà leo núi cần phải vượt qua để đến được đỉnh Everest, đang mở rộng và tan chảy với tốc độ nhanh chóng.
Năm 2018, một nhóm các nhà nghiên cứu khác, bao gồm các chuyên gia đến từ hai trường đại học Leeds và Aberystwyth ở Anh, đã tiến hành khoan sông băng Khumbu và phát hiện băng có nhiệt độ ấm hơn rất nhiều so với dự kiến. Nhiệt độ tối thiểu ghi nhận được chỉ đạt -3,3 độ C, ngay cả khối băng lạnh nhất cũng chỉ nhỉnh hơn 2 độ C so với nhiệt độ không khí trung bình hàng năm.
Ngoài ra, sự di chuyển của các dòng sông băng cũng được xem là một nguyên nhân khác khiến ngày càng nhiều thi thể dần lộ diện. Ông Tshering Pandey Bhote, phó Chủ tịch Hiệp hội chỉ dẫn leo núi Nepal cho hay: “Sự di chuyển của sông băng Khumbu khiến những người leo núi liên tục bắt gặp các xác chết. Nhưng hầu hết trong số họ đã chuẩn bị tinh thần để chứng kiến những cảnh tượng như vậy”.
Công việc khó khăn và tốn kém
Việc di chuyển các xác chết là công việc vừa tốn kém vừa khó khăn. Được biết, người ta cần khoảng 40.000 tới 80.000 USD để đưa các xác chết xuống mặt đất. Việc khó khăn nhất khi di chuyển xác chết xuống núi là độ cao. Các xác chết hoàn toàn bị đóng băng và nặng đến 150 kg nên rất khó để vận chuyển chúng xuống từ độ cao 8.700m so với mực nước biển.
Thêm vào đó, việc nên xử lý các xác chết trên núi như thế nào cũng là một vấn đề hết sức đau đầu, bởi “hầu hết những người leo núi muốn nằm lại trên núi khi họ chết, vì vậy sẽ thật thiếu tôn trọng khi di chuyển xác những người leo núi, trừ khi xác họ cản trở việc leo núi của những người khác, hoặc trừ khi gia đình họ muốn vậy”, Alan Arnette, một nhà leo núi nổi tiếng, người cũng từng viết sách về leo núi, cho biết.
Các quan chức thuộc Hiệp hội điều hành thám hiểm Nepal (EOAN) nhắm vào luật pháp Nepal và cho rằng việc xử lý các xác chết đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan chính phủ đồng thời chỉ ra đây là một thách thức lớn. “Việc xử lý các xác chết phải là ưu tiên hàng đầu của cả chính phủ và ngành công nghiệp leo núi. Nếu họ xử lý được các xác chết ở phía Tây Tạng của Everest, chúng ta cũng hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề tương tự”, Dambar Parajuli, chủ tịch EOAN, nói.