Vỏ bọc hoàn hảo mà Donald Heathfield, Tracey Foley xây dựng kỳ công sau nhiều năm sống trên đất Mỹ đã bị phá hủy hoàn toàn sau khi cục điều tra liên bang Mỹ FBI bắt giữ họ với cáo buộc làm gián điệp cho cơ quan tình báo Nga. Đối với Tim và Alex, hai người con trai của họ, cho đến này vẫn thật khó để có thể làm quen với sự thật này.
Đó là buổi tối vào ngày 27/6/2010 khi cậu con trai út mới 16 tuổi Alex trở về từ Singapore sau chuyến du học dài ngày. Khi cả nhà đang quây quần sau những ngày dài xa cách, một nhóm người gõ cửa và đột nhiên xông vào nhà trước sự ngỡ ngàng của các thành viên trong gia đình. Họ hét lên “FBI đây” và yêu cầu mọi người đặt tay ra sau đầu.
Khi Tom và Alex còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, bố mẹ của các cậu đã bị những người mặc áo đen còng tay và nhét vào một chiếc xe riêng biệt. Mọi chuyện sau đó còn choáng váng một người trong số đó nói với Tim và Alex rằng, bố mẹ của họ không phải là người Mỹ, họ là người Nga và quan trọng hơn họ là điệp viên KGB nằm vùng. Họ cũng không phải là Donald Heathfield, Tracey Foley thật sự như các cậu vẫn tưởng tượng.
Tuy nhiên, đối với Tim và Alex vào thời điểm đó, việc cha mẹ mình là điệp viên Nga thật sự một câu chuyện viễn tưởng và là một sự nhầm lẫn tai hại. Họ không thể tin được rằng người bố làm việc trong một công ty tư vấn ở Boston và người mẹ đang kinh doanh bất động sản của mình lại là gián điệp.
Nhưng FBI đã không sai, Donald Heathfield và Tracey Foley của hiện tại không phải là Donald Heathfield và Tracey Foley thật sự. Tên thật của họ là Andrei Bezrukov và Elena Vavilova. Cả hai đều được sinh ra ở Liên Xô và được đào tạo như các điệp viên KGB chuyên nghiệp. Cùng với 8 điệp viên khác, họ được gửi sang Mỹ và sống một cuộc sống bình thường dưới một vỏ bọc mới.
Gần 6 năm sau khi sự thật được phơi bày, phóng viên của The Guardian đã có buổi gặp mặt với Alex và Tim sau rất nhiều năm họ im hơi lặng tiếng. Bây giờ, Alex đã là Alexander Vavilov, còn anh trai của cậu, Tim cũng đã có một cái tên mới, Timofei Vavilov.
Kể từ năm 2010, Tim và Alex đã tìm cách tránh xa các phương tiện truyền thông. Mãi cho đến gần đây họ mới chấp nhận tiếp xúc với báo chí và chia sẻ về quãng thời gian tuy không dài nhưng cũng chẳng hề ngắn đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của hai người.
Cuộc sống xáo trộn
Quay trở lại buổi tối định mệnh năm 2010, ngay sau khi được trở về nhà, hai anh em phát hiện ra tất cả đồ đạc trong gia đình họ, kể cả là chiếc máy chơi game cũng bị thu giữ. Tất cả số tài khoản trong ngân hàng của gia đình đã bị đóng băng, chính vì vậy họ chỉ có thể sử dụng ít ỏi còn sót lại trong túi của họ hoặc vay mượn từ bạn bè.
Không lâu sau đó, theo lời của mẹ, Tim và Alex quyết định tới Nga để né giới truyền thông và tránh những rắc rối không đáng có. Đối với họ, đó là “khoảnh khắc đáng sợ” bởi cả hai đều không biết mình sẽ phải đối mặt với những gì sau chuyến bay dài đằng đẵng này.
Sau khi đặt chân tới vùng đất hoàn toàn xa lạ, người đầu tiên mà họ gặp là một nhóm người tự giới thiệu là đồng nghiệp của cha mẹ họ và chăm sóc hai anh em những ngày sau đó trước khi cha mẹ của mẹ được trả tự do và trở về nước. Đó cũng là lúc hai anh em bắt đầu tin rằng câu chuyện về danh tính thực sự của cha mẹ mình mà họ từng cho là do FBI thêu dệt nên là có thật.
Họ bắt đầu góp nhặt những câu chuyện tuổi thơ để tìm ra sự khác biệt nhưng rồi tất cả đều rất mung lung bởi theo mô tả của Tim, tuổi thơ của họ hoàn toàn bình thường như bao gia đình khác. Bố mẹ của cậu cũng chưa bao giờ đề cập đến Nga hay Liên Xô. Họ cũng chưa bao giờ ăn đồ Nga và hiếm khi đề cập đến tuổi thơ. Vì vậy, suốt những năm tháng trước khi phát hiện ra sự thật, cả hai đều không mảy mảy nghi ngờ bố mẹ mình.
Và hai cậu khi đó cũng chẳng ngờ được rằng, ngay từ khi bố mẹ mình đặt chân đến Mỹ, họ đã bị đặt dưới sự giám sát của FBI. Nhà của họ cũng bị nghe trộm trong nhiều năm, nhưng FBI không vội lật mặt họ vì muốn “thả con săn sắt, bắt con cá rô” để tóm gọn mẻ lưới lớn.
Năm 2012, tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, thông qua thông tin thu được từ máy nghe trộm đặt tại gia đình, FBI cho rằng bố mẹ của Tim đã tiết lộ danh tính thức sự cho cậu khá lâu trước vụ bắt giữ và thậm chí họ còn muốn người con trưởng tiếp nối nghiệp và trở thành thế hệ điệp viên thứ hai của gia đình.
Tim tất nhiên phủ định câu chuyện đó và cho rằng đó là một sự bịa đặt vì thật khó để tin vào chuyện “một đứa trẻ quyết định mạo hiểm cuộc sống của minh vì một đất nước mà nó chưa bao giờ đặt chân đến”.
Một đất nước xa lạ
Năm 2010, sau khi bị phát hiện và bắt giữ, các điệp viên của Nga, trong đó có bố mẹ của Tim và Alex đã được trở về Nga sau một cuộc trao đổi gián điệp giữa Nga và Mỹ. Ở quê nhà, họ được chào đón như những người hùng.
Tháng 12/2010, Tim và Alex bất ngờ được cấp hộ chiếu Nga và đột nhiên trở thành Timofei và Alexander Vavilov. Nhưng với họ, đó là sự khủng hoảng thật sự khi họ thậm chí còn không phát âm đúng nổi tên mình.
Vì lí lịch trích chéo mới, Tim không thể hoàn thành năm học cuối cùng tại trường đại học George Washington ở Mỹ. Cậu buộc phải chuyển tới chuyển tới học ở một trường của Nga để hoàn thành chương trình học của mình.
Nhưng Alex lại kém máy mắn hơn. Cậu không muốn ở lại Matxcơva và quyết định tới học ở Canada nhưng tất cả đã đổ bể do lý lịch của bố mẹ cậu.
Chính vì điều đó, cả Tim và Alex đều từng đặt ra câu hỏi liệu họ có nên tức giận với những gì mà bố mẹ mình từng làm. Nhưng rồi họ nhận ra rằng nếu tức giận với bố mẹ của họ, mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu.
Và dù nhiều lúc phải vật lộn với cảm giác bị phản bội và bị cả thế giới ghét bỏ, họ cũng không thể phủ nhận một điều rằng bố mẹ vẫn là những người đã nuôi lớn họ bằng tất cả tình yêu thương dù cho nó được bao bọc cẩn thận bên trong tầng tầng, lớp lớp bí mật.