Hiện tượng kỳ lạ trên được chụp lại từ trên cao tại một vùng biển ở Indonesia. Bức ảnh cho thấy làn nước trong xanh như pha lê thông thường của một hòn đảo nhiệt đới đang bị nhuộm màu đỏ như máu.
Trên trang Youtube, các chuyên gia mô tả đây là một hiện tượng “rất đáng sợ”. Nhà động vật học Tiến sĩ Eleanor Spicer Rice nói: “Có vẻ như máu đã nhuộm đỏ nguồn nước“.
Cảnh tượng này khiến nhà sinh vật học Hayley Chamberlain nhắc nhở cô về một “sự kiện đáng lo ngại”, điều mà cô đã từng chứng kiến trên quần đảo Faroe của Đan Mạch. Lúc đó, quần đảo Faroe đã bị nhuộm đỏ bởi máu từ một cuộc tàn sát cá voi hoa tiêu diễn ra hàng năm.
Từ đó, các chuyên gia suy đoán rằng bãi biển ở Indonesia bị nhuộm đỏ có thể là bằng chứng của một cuộc tàn sát hàng loạt. Tuy nhiên, khi điều tra sâu hơn, họ phát hiện hòn đảo này được gọi là đảo Giáng sinh, là một phần của lãnh thổ Úc và bị cấm săn bắt cá voi. Do đó, không có khả năng nơi đây sẽ xảy ra cuộc tàn sát động vật hàng loạt nào.
Sau đó, các nhà khoa học phát hiện thấy các vệt màu đỏ đang di chuyển từ mặt nước lên đất liền chứ không phải theo hướng ngược lại. Nhà sinh vật học Stephanie Schuttler nói: “Dù khối màu đỏ này là gì thì nó đang di chuyển và vẫn còn sống. Có lẽ những gì chúng ta nhìn thấy là một cuộc đại di cư“.
Thì ra, hòn đảo bị nhuộm đỏ vì hàng triệu con cua nhỏ màu đỏ đang di chuyển lên đất liền. Theo ước tính, trên hòn đảo này có khoảng 40 - 50 triệu con cua và mùa giao phối của chúng phụ thuộc vào cả chu kỳ mặt trăng và chu kỳ mưa.
Thông thường, sau khi giao phối, những con cua đực sẽ ở lại trong hang tại đất liền. Khi trăng tròn, con cái sẽ tiến ra bờ biển để thả trứng xuống nước. Những quả trứng sẽ nở ra thành ấu trùng và lớn dần trong những tháng tiếp theo. Sau khi thành cua con, chúng rời khỏi mặt nước và bò vào trong đất liền.