Cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ đang trở nên gay cấn với những diễn biến bất ngờ, khi tỷ phú Donald Trump có sự bứt phá ngoạn mục ở bang Indiana, buộc hai đối thủ cùng đảng phải rút lui, giúp ông này trở thành ứng viên duy nhất của đảng. Về phía đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton cũng đã đạt được 92% số phiếu cần thiết để có thể trở thành ứng viên đại diện cho đảng ra tranh cử, theo CBS News.
Theo giới quan sát, nhiều khả năng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 sẽ chứng kiến cuộc đua song mã giữa ông Trump và bà Clinton, với việc cả hai sẽ tung ra những vũ khí lợi hại nhất để hạ gục đối thủ.
Theo bình luận viên Nancy Cordes, bà Clinton và đội ngũ cố vấn của mình sẽ dày công lựa chọn một thông điệp hiệu quả để đánh vào những điểm yếu của tỷ phú Trump. “Bà ấy sẽ xoáy sâu vào những vấn đề mà Trump không có thế mạnh, và cả tính cách của ông ấy nữa, theo cách mà một số chính trị gia đảng Cộng hòa làm trong những lúc nguy cấp”.
Chuyên gia phân tích Anya Felix của tờ Inquisitr thì cho rằng tuyệt chiêu của ông Trump sẽ là những tuyên bố mang tính “xỉa xói”, công kích cá nhân, đặc biệt là nhắm vào giới tính và sức khỏe của bà Clinton, nhằm khiến đối thủ ngày càng bức xúc và bộc phát những lời nói hớ hênh.
Theo Felix, các đòn công kích cá nhân nhắm vào đối thủ là một “đặc sản” của ông Trump ngay từ ngày đầu tham gia tranh cử. Tỷ phú này sẵn sàng tấn công bất cứ ai bằng những lời nói khó nghe nhất, những cáo buộc mơ hồ nhất. Mới đây, trong cuộc vận động tranh cử ở bang Indiana, ông Trump đã tung một loạt đòn công kích nhắm vào đối thủ cùng đảng Ted Cruz, thậm chí còn cáo buộc bố ông này có dính líu đến vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Sau khi rút lui khỏi cuộc đua, Cruz đã bức xúc tuyên bố trước các phóng viên rằng Trump là một “kẻ dối trá bệnh hoạn”.
Bình luận viên Alex Seitz-Wald của MSNBC cho rằng sau khi giành chiến thắng sớm trong đảng Cộng hòa, ông Trump chắc chắn sẽ chĩa mũi dùi vào đối thủ tiềm năng nhất hiện nay của đảng Dân chủ là bà Clinton, và chiến lược đối phó với đòn “miệng lưỡi” này sẽ quyết định vận mệnh chính trị của cựu ngoại trưởng Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Công kích cá nhân
“Nếu Hillary Clinton là đàn ông, tôi không tin rằng bà ấy có được 5% phiếu bầu”, Trump tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm thứ ba. “Thứ duy nhất bà ấy có là chiêu bài nữ quyền, và điều hay ho là phụ nữ không hề thích bà ta”, Trump nói.
Đến hôm sau, Trump than phiền rằng ông vẫn “chưa hồi phục” vì những lời “gào thét” của bà Hillary vào đêm trước đó. “Tôi biết nhiều người nói rằng bạn không được nói như vậy về một người phụ nữ, vì dĩ nhiên là phụ nữ không gào thét”.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump tung những lời công kích nhắm vào gia đình Clinton. Trước đó, Trump từng cáo buộc ông Bill Clinton là một “kẻ hiếp dâm”, còn bà Hillary là yếu ớt và thiếu năng lượng, đồng thời nói rõ rằng những đòn công kích của ông chủ yếu là nhắm vào cá nhân bà.
Theo Seitz-Wald, chiêu bài “miệng lưỡi” này cùng thái độ hung hăng và khả năng thu hút sự chú ý người nghe của ông Trump chính là thử thách lớn nhất mà bà Clinton chưa từng đối mặt trước đây. Những lời nói đó khiến nạn nhân bị công kích cảm thấy rất khó chịu, và điều nguy hiểm là những phát ngôn của Trump rất khó dự đoán về mặt chính trị.
Không ai có thể biết Trump có thể tung ra những lời cáo buộc nào trong bài diễn thuyết tiếp theo, và nếu những đòn tấn công đó khiến nỗi bức xúc của bà Clinton tích tụ ngày một lớn, chúng có thể khiến bà phạm những sai lầm nguy hại.
Những lời cáo buộc, công kích của Trump dường như nhấn chìm tất cả mọi thứ trong chiến dịch tranh cử, kể cả những thông điệp mà bà Clinton cố gắng đưa ra. Không ai muốn giành cả chiến dịch vận động tranh cử của mình để phân bua, đáp trả những quả bom mà Trump vừa tung ra, và các đối thủ của ông trong đảng Cộng hòa là những người hiểu rõ nhất điều đó.
Kịch bản có thể xảy ra là thay vì đưa ra những thông điệp tranh cử đều đặn, các cố vấn của bà Clinton lại hàng ngày phải bù đầu để quyết định xem nên đối phó hay phớt lờ tuyên bố công kích nào của Trump. Đó không phải là điều kiện hoạt động tốt nhất cho bộ máy vận động tranh cử khổng lồ của bà Clinton, vốn không hề tinh gọn như cấu trúc gần như chỉ một người ra quyết định của Trump.
Trong khi Trump, người chưa hề có kinh nghiệm về chính trị, có thể thoải mái tung ra những đòn công kích khắp nơi để chờ xem ai gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, bà Clinton với tư cách là cựu ngoại trưởng Mỹ lại phải hành động thận trọng hơn, với những tiêu chuẩn khác hơn.
Chiến lược đối phó
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá rằng bà Clinton cùng các cố vấn, cộng sự vẫn có lý do để tin rằng các đòn công kích cá nhân của ông Trump rốt cuộc sẽ “gậy ông đập lưng ông”, nếu họ thực hiện một chiến lược đối phó hiệu quả.
Theo đó, cách phản ứng tốt nhất đối với Trump là không công kích lại ông ta, mà hãy để dư luận nhìn ra bản chất của ông trùm bất động sản này.
Chẳng hạn như khi công kích “chiêu bài nữ quyền” của bà Clinton, ông Trump cũng đang tấn công các cử tri nữ vốn rất đông đảo trong cuộc bầu cử. Phụ nữ Mỹ thường có xu hướng ủng hộ cho đảng Dân chủ, và những tuyên bố kiểu này của Trump chỉ càng khiến họ bỏ phiếu cho bà Clinton nhiều hơn.
Những lời công kích kiểu đó càng làm lộ rõ hơn điểm yếu lớn nhất về nhân khẩu học của Trump. Một cuộc khảo sát của NBC News và WSJ mới thực hiện cho thấy 69% phụ nữ Mỹ không thích Trump. Nếu phải lựa chọn trong cuộc bầu cử tổng thống, chỉ có 33% phụ nữ bỏ phiếu cho Trump, trong khi 56% khẳng định họ sẽ bầu cho bà Clinton.
Trong khi tránh bị kéo vào những lời công kích cá nhân của Trump, bà Clinton sẽ tung ra những đòn quyết liệt về các vấn đề khác, nhằm thể hiện cho cử tri thấy rằng bà không sợ hãi và sẵn sàng đánh bại ông ta.
Hôm thứ tư, phát biểu trước đám đông, bà Clinton đã hoàn toàn phớt lờ lời công kích “chiêu bài nữ quyền” của ông Trump, mà chỉ tập trung đánh mạnh vào bài phát biểu về chính sách đối ngoại mà tỷ phú này vừa đưa ra.
“Trump muốn nói về Hillary, nhưng Hillary lại muốn nói về tầng lớp trung lưu và người nghèo. Trump muốn tung ra những lời lăng mạ, Hillary muốn đưa ra ý tưởng”, Paul Begala, cựu cố vấn của Bill Clinton, nhận định.