Vụ phun trào núi lửa Agung ngày 25/11 tại đảo du lịch nổi tiếng Bali, Indonesia, nhả khói cao hơn 4 km và khiến 100.000 người phải sơ tán, sau khi cảnh báo thảm hoạ được nâng lên mức cao nhất. Nhiều vụ núi lửa khủng khiếp khác đã xảy ra trên thế giới, để lại hệ quả vô cùng khủng khiếp.
Tambora: Núi lửa chết chóc nhất thế giới
Vụ phun trào đầu tiên của núi lửa Tambora, trên đảo Sumbawa ở Indonesia, vào tháng 4/1815 khiến khoảng 10.000 người thiệt mạng. Thảm họa này còn kéo theo sóng thần, nạn đói và những hiện tượng thời tiết cực đoan như tuyết rơi vào tháng 6, khiến tổng cộng hơn 100.000 người chết.
Ngọn núi lửa này đã thổi bay đỉnh của nó theo đúng nghĩa đen và tiếng nổ có thể nghe thấy được từ khoảng cách 2.000 km. Các đám mây khí và mảnh vụn đã nhuộm hồng bầu khí quyển lên tới độ cao 40 km và hình thành một lớp dài trên diện tích hơn 1 triệu km2. Khoảng 140 tỷ tấn đá và tro bụi phun lên trên không khiến khu vực xung quanh chìm trong bóng tối.
Thảm kịch Krakatoa
Núi lửa trên đảo Krakatoa, Indonesia, “thức giấc” năm 1883. Vụ phun trào cósức mạnh gấp 13.000 lần một quả bom nguyên tử. Nó cũng tạo ra một đợt sóng thần cao hơn 30m, cuốn trôi 165 ngôi làng và khiến khoảng 36.000 người thiệt mạng.
Các đám mây và mảnh vụn nhuộm hồng bầu khí quyển tới độ cao 24km. Nhiệt độ toàn cầu giảm và phải sau 5 năm mới trở về mức bình thường. Vụ phun trào núi lửa còn khiến đảo Krakatoa chìm sâu xuống đáy đại dương. Vào năm 1927, các nhà thám hiểm phát hiện một hòn đảo mới mọc lên tại vị trí của Krakatoa và đặ tên là Anak Krakatoa (con của Krakatoa).
Núi Pelée: Thảm họa tồi tệ nhất thế kỷ 20
Núi Pelée nằm trên đảo Martinique thuộc vùng biển Caribbe và có độ cao 1.463m. Tháng 5/1902, Pelée phun trào dữ dội và cướp đi khoảng 30.000 sinh mạng của thành phố cảng St. Pierre trên đảo.
Chỉ chưa đầy 1 phút phun trào, một đám mây khí nóng tới 1.649 độ C đã ụp xuống cảng St. Pierre. Lượng khí này đã đun nóng một hồ nước gần đó tới nhiệt độ sôi và không có ai thoát khỏi thảm họa đó. Vụ phun trào núi lửa Pelée được coi là thảm họa tồi tệ nhất trong thế kỷ 20.
Núi Ruiz: Thảm họa núi lửa lớn thứ 4 thế giới
Cách đây 32 năm, vào ngày 13/11/1985, thị trấn yên bình Amero, Colombia, bị nhấn chìm trong 15 phút bởi dòng siêu mắc ma phun trào từ núi lửa Nevado del Ruiz. Theo đó, vụ phun trào kéo theo khoảng 35 triệu tấn đất đá và dung nham siêu nóng di chuyển với tốc độ 480 km/giờ từ đỉnh núi xuống thung lũng hai bên sườn núi, phá huỷ bất kỳ công trình, cây cối nào mà nó đi qua và nhanh chóng tiến đến thị trấn Amero cách đó khoảng 30 km.
Vụ thảm họa khiến 23.000 thiệt mạng và khoảng 5.000 người bị thương, trở thành thảm họa tồi tệ nhất nước này đồng thời là vụ thảm họa núi lửa lớn thứ 4 trong lịch sử thế giới.
Núi Huaynaputina: Hơn 2 triệu người chết
Núi Huaynaputina ở phía nam Peru ngủ yên cho tới tháng 2/1600 thì phun trào. Chỉ trong vòng 24 giờ, tro bụi đã chôn lấp 10 thành phố lân cận trong bán kinh 500km. Tuy nhiên, sự chết chóc khủng khiếp nhất lại diễn ra ở nước Nga, cách nơi xảy ra thảm họa 14.000 km.
Nguyên nhân là do vụ phun trào khiến khí hậu bị ảnh hưởng nặng nề. Năm đó, nước Nga phải trải qua nạn đói kém khủng khiếp nhất trong lịch sử với mùa đông lạnh nhất trong vòng 600 năm. Ước tính, khoảng 1/3 dân số Nga (khoảng 2 triệu người) đã thiệt mạng trong năm đó.