Bộ ảnh dưới đây được chụp tại các ngôi làng Sidoharjo, Karangpatihan và Krebet thuộc miền Đông tỉnh Java, Indonesia. Nhân vật chính trong đó là những người mắc bệnh tâm thần hay hội chứng Down.
Cuộc sống của những mảnh đời này không khác gì địa ngục khi họ phải ở trong những ngôi nhà hôi hám, bẩn thỉu với đầy ruồi nhặng. Hầu hết những người ở đây đều bị suy dinh dưỡng, suy giảm thị giác, khiếm thính hoặc phát triển lệch lạc cơ thể do điều kiện sống quá thiếu thốn. Họ bị xã hội, thậm chí đôi khi là chính cả gia đình mình kỳ thị, xa lánh, ruồng bỏ.
Hàng nghìn người mắc bệnh tâm thần và Down tại Đông Java đang phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn khi mà thu nhập trung bình của gia đình họ chỉ từ 30 đến 50 đô la Mỹ (tương đương 600 nghìn đến 1 triệu đồng) mỗi tháng.
Ít nhất 14 triệu người ở Indonesia trên 15 tuổi được cho là đang mắc một dạng của bệnh tâm thần, theo số liệu của Bộ Y tế nước này. Ngoài ra, theo thống kê của tổ chức xã hội ở Indonesia, ước tính nước này có 57.000 bệnh nhân tâm thần đang sống trong cảnh bị lồng xích, dù lệnh cấm phân biệt đối xử với người tâm thần đã được ban hành từ năm 1977.
Báo cáo của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) công bố hôm thứ 2 ghi nhận 175 trường hợp vừa được cứu khỏi tình trạng xiềng xích cùng 200 trường hợp tương tự trong vài năm trở lại đây. Báo cáo cũng đề cập đến phương pháp điều trị đáng sợ tại các cơ sở y tế ở Indonesia, ở đó họ cho rằng bệnh tâm thần là do lời nguyền hay bị ma ám.
Mặc dù những hình ảnh đáng thương về cuộc sống không khác gì địa ngục của những người mắc bệnh tâm thần vẫn được thường xuyên đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng Indonesia nhưng vẫn chưa có phương án hữu hiệu nào để chữa trị hay hỗ trợ cho cuộc sống của họ tốt hơn.
Một điều đáng nói nữa là trên đất nước có dân số lên tới 250 triệu người này (đứng thứ 4 thế giới về dân số) lại chỉ có 48 bệnh viện tâm thần, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Với những bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa thì việc chữa bệnh dường như là vô vọng.