Đối với các “thặng nữ”, tên gọi những phụ nữ chưa kết hôn ở độ tuổi 30, tình trạng độc thân kéo dài và áp lực lập gia đình khiến họ tìm cách né tránh gia đình trong dịp Tết Nguyên đán.
Một số người yêu cầu ông chủ cho làm thêm giờ trong dịp lễ lớn nhất năm của Trung Quốc. Số khác tự tạo ra bạn trai.
Tuy nhiên, áp lực với họ vẫn không giảm. Các bệnh viện đang tiếp nhận số lượng người trẻ đến điều trị trầm cảm tăng đột biến.
“Tôi quá sợ hãi nên không dám về nhà vào năm ngoái. Năm nay, tôi cũng không muốn về nhưng không có cách nào tránh được”, Emily Liu, 31 tuổi, nhân viên một doanh nghiệp nhà nước, nói với Washington Post. Cô dự định trở về quê nhà Đại Liên vào tháng tới.
“Bố mẹ tôi bảo 'Bạn cùng lớp của con đã có con cả rồi. Con thậm chí còn không có bạn trai'. Đó là chủ đề duy nhất được họ đem ra bàn luận khi tôi trở về nhà. Họ thậm chí còn huy động tất cả người thân. Áp lực thực sự quá lớn”, cô cho biết.
Quả bom hẹn giờ
Theo Washington Post, phụ nữ bị coi là “ế” tại nhiều khu vực ở châu Á nếu họ chưa kết hôn khi đã bước qua tuổi 25.
Tuy nhiên, những lợi ích kinh tế của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua và việc tạo ra một tầng lớp trung lưu khổng lồ đã khiến nhiều phụ nữ theo đuổi sự nghiệp thay vì kết hôn sớm hoặc thậm chí không kết hôn.
Điều này đang góp phần làm giảm nhanh tỷ lệ sinh ở Trung Quốc. Theo thống kê chính thức được công bố vào tuần trước, có 15,2 triệu trẻ em ra đời tại Trung Quốc vào năm ngoái, ít hơn 2 triệu so với năm trước.
Lo ngại điều này đang tạo ra một quả bom hẹn giờ khi dân số già đi, chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ chính sách một con vài năm trước để khuyến khích các gia đình sinh thêm con cái.
Dù thực tế nam giới Trung Quốc nhiều hơn 33 triệu người so với nữ giới do chính sách một con và tư tưởng trọng nam khinh nữ, phụ nữ thường bị coi là “ế” nhiều hơn so với đàn ông.
Khi chiến dịch tăng tỷ lệ sinh chưa cho thấy hiệu quả, cả chính phủ và các bậc phụ huynh đều gặp khó khăn trong việc khuyến khích phụ nữ trẻ kết hôn sớm. Số đám cưới ở Trung Quốc đã giảm trong 5 năm liên tiếp. Trung Quốc hiện có 200 triệu người trưởng thành độc thân.
Một số công ty đang khuyến khích nhân viên nữ hẹn hò và kết hôn, góp phần vào nỗ lực cải thiện tình trạng này.
Hai công ty điều hành Tống thành Thiên cổ tình, một điểm du lịch ở Hàng Châu, phía nam Thượng Hải, đã dành thêm 8 ngày nghỉ cho các nhân viên nữ độc thân trên 30 tuổi để họ có thể hẹn hò vào kỳ nghỉ năm mới, mùa cao điểm hẹn hò giấu mặt ở Trung Quốc. Điều này sẽ cho họ tổng cộng 15 ngày nghỉ.
Nếu bất kỳ phụ nữ nào trong số này kết hôn trước cuối năm 2019, họ sẽ nhận được gấp đôi số tiền thưởng thông thường hàng năm. Hai công ty cho biết chính sách này thể hiện sự quan tâm của họ đối với các nhân viên.
“Một số nhân viên của chúng tôi khá bận rộn với công việc, vì vậy chúng tôi nghĩ rằng đó là một ý tưởng hay để cho họ thêm thời gian hẹn hò“, Huang Lei, quản lý nhân sự của công ty, cho biết.
Tại một địa điểm khác ở Hàng Châu, một trường trung học cho giáo viên nghỉ hai buổi mỗi tháng để hẹn hò.
Hiệu trưởng của trường cho biết khoảng 40% giáo viên của trường chưa lập gia đình, vì vậy nhà trường đã đề xuất chế độ này để giúp đỡ họ. Cả giáo viên nam và giáo viên nữ đã lập gia đình nhưng chưa có con cũng có thể xin nghỉ để dành thời gian cho gia đình.
Một số phụ nữ độc thân thích thú với ý tưởng này. Một số người lại phàn nàn về sự phân biệt đối xử đối với đàn ông độc thân.
“Nó tốt cho những nhân viên quá bận rộn để hẹn hò. Hoặc họ có thể đơn giản tận dụng nó để đi nghỉ khi công ty không yêu cầu thông tin chi tiết về chuyện hẹn hò“, Peng Mei, nhân viên văn phòng 38 tuổi ở Thành Đô, cho biết.
Tuy nhiên, cô tự hỏi nếu chỉ có phụ nữ được nghỉ thì họ sẽ hẹn hò với ai khi nam giới vẫn phải làm việc như bình thường.
Hẹn hò giấu mặt và bạn trai “ảnh ghép”
Nhiều phụ nữ độc thân trên 25 tuổi sợ hãi ý tưởng trở về nhà vào kỳ nghỉ. Họ bị ám ảnh bởi tình trạng độc thân và không ngừng nỗ lực mai mối.
Theo cuộc khảo sát năm ngoái của Zhenai.com, một trang web hẹn hò, khoảng 85% những người độc thân từ 26 đến 30 tuổi nói rằng cha mẹ đã thúc giục họ nhanh chóng kết hôn.
Shen, phụ nữ 25 tuổi đến từ Ninh Ba, đã thoát khỏi sự bức bối này theo cách riêng. Cô đã dành một tháng để chỉnh sửa ảnh 10 bức ảnh ghép của cô với diễn viên nổi tiếng Lưu Hạo Nhiên.
Cô gửi chúng cho bố mẹ, giới thiệu chàng trai trẻ là bạn trai cô. Họ vui mừng khôn xiết.
Sau đó, cha cô đã nhờ một người bạn đăng tải thông tin lên mạng xã hội WeChat.
“Đêm qua, tôi mơ thấy con gái mình kết hôn. Tôi đã khóc rất nhiều và tỉnh dậy vài lần. Tôi bắt đầu luyện tập bài phát biểu cho lễ thành hôn của con gái”, ông viết.
Sau khi nhìn thấy bài đăng, Shen cảm thấy day dứt và đã thừa nhận trên mạng xã hội Weibo về những gì cô ấy đã làm. Lời thú nhận của cô nhận được sự đồng cảm của hàng triệu người độc thân ở cùng hoàn cảnh.
Trong video đăng tải trên mạng, Shen cho biết cha mẹ đã thông cảm cho cô sau khi biết về những bức ảnh cắt ghép. Họ bảo cô không cần lo lắng và hãy tiếp tục hẹn hò giấu mặt. Video được xem hơn 200 triệu lượt trong 24 giờ sau khi được đăng.
Dong, một phụ nữ 35 tuổi có bằng tiến sĩ, tìm cách trốn tránh cha mẹ vì sợ họ cằn nhằn. Cô không chỉ là một “thặng nữ”, cô còn được xếp vào nhóm “tam cao” - học vấn cao, thu nhập cao, tuổi cao.
Cô chán ngán vì bị người thân và những kẻ lắm lời “bao vây” trong kỳ nghỉ. Cô hy vọng có thể vùi đầu trong công việc để tránh họ nên đã yêu cầu sếp cho cô làm việc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Sếp của cô đã từ chối yêu cầu này. Ông nói rằng cô cần làm nhiều việc quan trọng hơn. Ông bằng tuổi bố mẹ cô nên thông cảm cho họ hơn là cho nhân viên của mình.
“Trốn tránh không thay đổi thực tế. Cô chỉ có thể giải quyết vấn đề của mình bằng cách đối mặt với chúng. Ngày lễ là dịp tốt để giao lưu, cô nên gặp gỡ nhiều người hơn, mở to mắt, chủ động tiếp cận và cô có thể tìm thấy một nửa của mình”, Dong thuật lại lời của cấp trên nói với cô.
Nhờ truyền hình giúp đỡ không phải lúc nào cũng là cách hay. Nhiều chương trình hẹn hò nổi lên gần đây có sự xuất của các bậc cha mẹ tới tìm bạn đời cho con cái.
Một chương trình mới ra mắt tại tỉnh Hồ Nam tuần này có tên là “Meeting Mr.Right” (Gặp gỡ Quý ông Hoàn hảo) cho các ông bố xem video con gái họ hẹn hò với đàn ông và bình luận về kỹ thuật hẹn hò của họ.
Một chương trình thực tế nổi tiếng khác cũng có cách làm tương tự khi cho các ông bố, bà mẹ bình luận về các cảnh quay của con gái họ. Theo số liệu của Beijing News, chỉ trong ba tập phát sóng, các vị phụ huynh đã hối thúc con gái họ kết hôn đến 23 lần. Theo một nhà phê bình, chương trình này chỉ “tạo ra thêm lo lắng”.