Số lượng người dân cao tuổi của thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) được dự đoán sẽ chạm mốc 6 triệu vào năm 2025. Để phần nào đảm bảo người già thành phố được chăm sóc toàn diện từ sức khỏe cho đến tinh thần, các nhà lập pháp đã ban hành “đạo luật hiếu thảo”.
Đạo luật này yêu cầu các công dân phải thường xuyên về nhà thăm nom, chăm sóc bố mẹ của mình. Ngoài ra, trong mỗi lần về thăm, con cái phải đảm bảo rằng họ đã cung cấp đầy đủ vật chất và tinh thần cho các đấng sinh thành. Tuy nhiên, luật không quy định rõ bao nhiêu lần để gọi là “thường xuyên”.
“Đạo luật hiếu thảo” nhấn mạnh dù cho cha mẹ được gửi ở viện dưỡng lão thì con cái vẫn phải đến thăm nuôi và thậm chí còn phải thường xuyên hơn so với các bậc phụ huynh sống tại nhà. Quy định này cũng được áp dụng cho ban quản lý các viện dưỡng lão, họ có trách nhiệm phải nhắc nhở gia đình thường xuyên đến thăm nuôi người cao tuổi.
Những ai không thực hiện sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị xếp hạng tín dụng xấu. Điều này đồng nghĩa với việc họ khó có thể vay tiền, mua nhà, mua xe… và cả làm thẻ thư viện.
“Đạo luật hiếu thảo” hiện đang gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội Weibo. Một cư dân mạng than thở: “Con xin mẹ, đừng bắt con về nhà!” Trong khi một người khác cho biết: “Tôi đang sống cách nhà mình hơn 3.200 km. Tôi cũng nhớ bố mẹ lắm chứ nhưng nhà xa, thu nhập và ngày phép ít ỏi thì chuyện về nhà chỉ là một ước mơ xa xỉ”.
“Đạo luật hiếu thảo” sẽ chính thức có hiệu lực tại Thượng Hải từ ngày 1/5. Tuy nhiên, đây không phải là thành phố đầu tiên áp dụng quy định này. Trước đó, Quảng Đông và Giang Tô đã áp dụng đạo luật tương tự.