1. Khi tiến vào rừng rậm Amazon, quân đội Brazil vô tình phát hiện một chú báo đốm con đang hấp hối. Những người lính quyết định mang con vật tội nghiệp theo bên mình để chăm sóc, tránh nó rơi vào tay thợ săn. Sau khi báo con khỏe lại, họ sẽ thả nó về rừng.
Nào ngờ, sau một thời gian được chữa trị, chú báo đốm nhỏ vẫn quá yếu ớt nên không thể sinh tồn trong môi trường hoang dã. Do vậy, chính quyền địa phương quyết định để quân đội Brazil chăm sóc chú báo, đồng thời đặt tên cho nó là Jiquitaia. Đến nay, Jiquitaia đã trưởng thành khỏe mạnh và an toàn trong vòng tay của những người quan tâm nó.
2. Ngày 1/5/2016, một đám cháy dữ dội bùng phát ở cánh rừng gần khu đô thị Fort McMurray, thành phố Alberta (Canada). Giữa lúc nguy cấp, chính phủ lập tức cho sơ tán người dân với quy mô lớn. Hàng chục nghìn cư dân đổ về phía sân bay để rời khỏi khu vực nguy hiểm, trong đó có nhiều người ôm theo thú cưng của họ.
Thế nhưng, vì tình thế cấp bách, họ không có đủ thời gian để làm thủ tục cho vật nuôi lên máy bay, mà quy định của chính phủ về vấn đề này vốn rất nghiêm ngặt. Vào lúc này, ban quản lý hãng hàng không đã khiến nhiều người vô cùng cảm kích khi cho phép họ mang theo thú cưng lên cabin hành khách. Và thế là trong hơn 50 tiếng hoạt động, các chuyến bay của hãng đã tiếp nhận khoảng 10.000 người và 100 động vật, bao gồm mèo, thỏ, ếch, nhím, chó, thậm chí những giống chó to như Great Dane cũng được chào đón!
3. Nicholas Winton là một nhà môi giới chứng khoán người Anh. Năm 1938, được sự nhờ cậy của một người bạn, ông lên đường đến Prague - nơi đang bị phát xít Đức chiếm đóng. Tại đây, ông chua xót phát hiện nhiều đứa trẻ Do Thái rơi vào cảnh bơ vơ vì cha mẹ bị giết hại. Người đàn ông nhân hậu quyết định liên hệ với các gia đình đồng ý nhận nuôi những đứa bé tị nạn, thậm chí móc tiền túi chi trả vé tàu để đưa các bé từ Prague đến London (Anh). Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của Winton, 669 trẻ em gốc Do Thái đã được giải cứu.
Năm 1988, Winton nhận lời tham gia một chương trình của đài BBC. Khi MC hỏi: "Có ai trong số những người có mặt ở đây đêm nay nợ Winton một cuộc đời hay không?" Xúc động thay, có rất nhiều người đứng dậy từ hàng ghế khán giả. Hóa ra nhà đài đã lặng lẽ mời những đứa trẻ được Winton cứu giúp năm xưa để cho ông một bất ngờ. Năm 2003, ông được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ vì những cống hiến của mình.
4. Tại một ngôi làng nhỏ ở bang Orissa (Ấn Độ), trẻ em phải đi bộ suốt 3 tiếng đồng hồ, băng qua rừng cây rậm rạp, trèo đèo vượt núi để có thể đến trường. Vì e ngại quãng đường hơn 10 km đó, nhiều gia đình không cho con em đi học.
Thế nhưng, một người đàn ông tên Jalander Nayak vẫn tin rằng tất cả trẻ em trên đời, kể cả con ông hay những đứa bé trong làng, đều xứng đáng được đi học. Ông quyết định phải làm gì đó để giúp chúng. Vậy là từ đó, Jalander đã hì hục tạo nên một con đường nối liền thôn xóm và trường học. Chỉ với chiếc cuốc và xà beng trong tay, ông miệt mài dọn dẹp đất đá, để lại con đường bằng phẳng. Trong suốt 2 năm, ông đều đặn dành 8 tiếng mỗi ngày để xây đắp lối đi cho các em được đến lớp.
Câu chuyện của Jalander trở nên nổi tiếng khi một đài truyền hình địa phương đưa tin về hành động ý nghĩa này. Nhận được tin tức, chính phủ đã giúp ông hoàn thành nốt phần việc còn dang dở. Jalander cũng đề nghị nhà chức trách mang điện nước về với thôn làng của mình.
5. Năm 2017, cơn bão Harvey càn quét thành phố Houston, bang Texas (Mỹ). Trong hoạn nạn mới biết tình đồng loại, lúc bão giông ập đến, mọi người vẫn ôm chặt lấy nhau, tạo thành một "dây xích" vững chắc để vươn tay cứu lấy những người chơi vơi giữa dòng nước lũ. Thay vì đóng cửa, nhiều cửa hàng cũng sẵn sàng đảm nhiệm vai trò trung tâm sơ tán đón người dân tránh bão. Đây chính là nơi trú ẩn của những người mất đi căn nhà vì bão lụt.
Nhận thấy nhu cầu dùng nước uống sạch của người dân là vô cùng cấp thiết, công ty Anheuser-Busch đã lập tức sản xuất nước lọc và gửi đến các trung tâm sơ tán để mọi người dùng.