Theo The Paper, Haidong nằm trong số 59 người bị bắt cóc được cảnh sát tỉnh Tứ Xuyên giúp đoàn tụ theo chương trình đoàn tụ mang tên “Tái hợp”, được triển khai thực hiện từ tháng 1 năm nay.
Trước đó vào ngày 30/3, Haidong đã gửi đơn nhờ hỗ trợ sau khi biết đến chương trình “Tái hợp” của cảnh sát Tứ Xuyên. Trong đơn, Haidong chỉ nhớ mình bị bắt cóc vào khoảng năm 1986-1987 gì đó. Lúc nhỏ, mọi người thường gọi anh là Dong Dong.
Ngày 7/4, sau khi phân tích mẫu máu Haidong gửi, qua các mô tả và bằng các biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát phát hiện anh Haidong có nhiều điểm tương đồng với người con trai bị bắt cóc năm 1988 của gia đình ông Pan.
Ngày 17/4, kết quả xét nghiệp ADN đã khẳng định anh Haidong chính là con của ông Pan, hiện đang làm việc ở Hàng Châu. Trong khi đó, bà Zhang, mẹ của Haidong hiện ở Thường Châu chăm sóc các cháu.
Sau khi nhận được tin, ông Pan và bà Zhang chết lặng vì hạnh phúc. Hai vợ chồng ông bà không thể tin được có một ngày được gặp lại cậu con trai bị bắt cóc 33 năm trước.
Cuộc đoàn tụ đầy nước mắt được diễn ra tại Thành Đô, nơi anh Haidong bị bắt cóc năm xưa. Sau 33 năm, anh Haidong bây giờ đã kết hôn và có một cô con gái. Ông Pan, bà Zhang ôm chầm lấy con trai, bật khóc nghẹn ngào.
Bắt cóc trẻ em là vấn đề tồn tại nhiều năm qua tại Trung Quốc, với khoảng 70.000 trẻ em bị bắt có mỗi năm. Phần lớn những đứa trẻ này được bán cho các gia đình hiếm muộn làm con nuôi.
Một số vụ bắt cóc khác nhằm vào con cái của những gia đình khá giả nhằm đòi tiền chuộc.