Đối với các cặp đôi đang hẹn hò, sống chung nhưng “cưa đôi” chi phí là chuyện quá đỗi bình thường. Tuy nhiên, khi hai nhân vật chính là một đôi vợ chồng kết hôn hơn 3 thập kỷ thì mọi chuyện không còn là hiển nhiên nữa. Suốt hơn 30 năm dưới một mái nhà, hai vợ chồng ông Trần ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc chẳng hề có khái niệm “đồ dùng chung”. Từ tiền bạc đến… quả trứng trong tủ lạnh cũng được phân chia rạch ròi, của ai người nấy dùng, không xâm phạm đến vật sở hữu của người kia.
Lối sống “thân ai nấy lo” này còn bén rễ sâu đến mức hai vợ chồng nhất quyết không ngủ chung một giường. Thay vào đó, ông Trần trải chăn đệm ra hành lang chật hẹp để ngả lưng. Mọi công việc nhà đều được ông bà phân công cho nhau đều tăm tắp, vật dụng sinh hoạt như xô chậu, nồi niêu cũng dùng riêng. Nếu đèn trong nhà bị hỏng, bà Trần phải gọi người đến sửa vì chồng bà sẽ không bao giờ mó tay vào, trừ phi đó là bóng đèn thuộc sở hữu của ông. Trứng trong tủ lạnh cũng được sắp xếp vào khay riêng và đánh dấu để phân biệt.
“Chúng tôi thay phiên nhau nấu ăn, người này xong thì người kia mới được vào và không thể chạm vào đồ của nhau”, ông Trần nói. “Ấy thế mà bà ấy vẫn trách tôi lấy trộm trứng”. Qua lời kể của bà Trần, nguồn cơn khơi mào lối sống kỳ dị của hai người chính là tính ích kỷ của đức ông chồng. Từ khi cưới nhau, ông chẳng hề đoái hoài đến vợ mà chỉ bo bo giữ mọi thứ cho riêng mình. Quá uất ức, bà quyết tâm phân chia rạch ròi với ông. Bất ngờ thay, nhờ bước ngoặt này mà mối quan hệ của họ không còn xảy ra xung đột suốt bấy nhiêu năm.
Thế nhưng, quan điểm “độc lập tài chính” này lại gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội Trung Quốc. “Đồng ý là lúc hẹn hò cần tách bạch tiền nong, nhưng sao kết hôn rồi mà vẫn phải khổ sở như vậy? Nếu không thể chia sẻ cho nhau mọi thứ, vậy họ nào có phải thuộc về nhau?” một người nói. “Nếu bạn trai đòi tính toán chi ly đến thế sau khi kết hôn, tôi sẽ cảm thấy anh ta không đáng tin và bắt đầu nghĩ lại về việc dành cả đời chung sống bên một người như vậy”, một người phụ nữ bình luận.