Bắt đầu từ tháng 12/2019, COVID-19 đã nhanh chóng lan rộng ra 182 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, khiến 471.035 người nhiễm bệnh và 21.283 người tử vong. Đáng sợ hơn, số liệu thu thập từ các cơ quan quốc gia và WHO có khả năng chỉ phản ánh một phần nhỏ số người nhiễm bệnh. Con số trong thực tế có thể còn cao hơn, bởi nhiều quốc gia chỉ xét nghiệm COVID-19 cho những người đã nhập viện với triệu chứng rõ ràng.
Trong vòng 24 giờ qua, số ca bệnh mới được ghi nhận đã tăng thêm 48.461 trường hợp, khiến 2.389 người tử vong. Ý là quốc gia có nhiều trường hợp tử vong vì COVID-19 nhất với 683 ca, tiếp theo là Tây Ban Nha với 656 ca và Pháp với 231 ca. Nước Ý, tâm dịch COVID-19 lớn nhất tại châu Âu, đã báo cáo trường hợp bệnh nhân thiệt mạng đầu tiên vào cuối tháng 2. Tính đến ngày 26/3, có tổng cộng 74.386 ca nhiễm bệnh và 7.503 ca tử vong tại nước này.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch còn có Tây Ban Nha (49.515 ca nhiễm, 3.647 ca tử vong), Trung Quốc (81.285 ca nhiễm, 3.287 ca tử vong), Iran (27.017 ca nhiễm, 2.077 ca tử vong) và Pháp (25.233 ca nhiễm, 1.331 ca tử vong). Trong khi số người chết vì COVID-19 ở Ý có dấu hiệu giảm so với thời gian trước thì Tây Ban Nha lại nhận một tin buồn: số ca tử vong ở nước này chính thức vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia có nhiều người chết vì COVID-19 đứng thứ hai toàn cầu. Tây Ban Nha ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào hôm 3/3, song chỉ trong vòng 3 tuần, số ca nhiễm bệnh lẫn người tử vong ở nước này đều tăng với tốc độ chóng mặt so với Ý và Trung Quốc, bất chấp chính phủ đã ban hành lệnh cách ly nghiêm ngặt.
Jamaica, Cameroon, Estonia và Nigeria đã báo cáo trường hợp bệnh nhân đầu tiên thiệt mạng vì COVID-19, trong khi Guinea-Bissau, Lào, Mali, Libya, Belize, Grenada và Dominica ghi nhận ca nhiễm virus đầu tiên.
Vì tốc độ lây lan đáng sợ của dịch COVID-19, chính phủ nhiều nước buộc phải ban bố quy định phong tỏa, hạn chế di chuyển để người dân ở trong nhà, giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm virus. Tình hình khẩn cấp trên đã khiến 3 tỷ người, tức hơn 1/3 dân số toàn thế giới, phải sống cuộc đời tự cô lập giữa 4 bức tường trong nhà.
Cơ quan y tế cảnh báo Mỹ và châu Âu hiện là những tâm dịch nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, trái với quyết định phong tỏa 1,3 tỷ dân của chính phủ Ấn Độ, Mỹ lại công bố chính sách cho doanh nghiệp hoạt động lại vào dịp Lễ Phục sinh. Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng quy định “bế quan tỏa cảng” ở tỉnh Hồ Bắc, mang đến hy vọng kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trong tương lai gần.
Tình hình ở châu Âu lại không được khả quan như thế. Số ca bệnh mới tăng vọt ở Tây Ban Nha khiến người dân nước này hoang mang tột độ. Những nhân viên điều dưỡng trong viện dưỡng lão thi nhau bỏ trốn, để lại các cụ già trong tình trạng hấp hối hoặc thậm chí thiệt mạng vì không ai chăm sóc, mãi cho đến khi cảnh sát phát hiện.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc, khiến phố xá nước này giờ đây không một bóng người. Anh cũng sẽ nối gót các quốc gia còn lại khi ban hành chính sách phong tỏa cả nước, giữa lúc diễn biến của dịch bệnh ở đây dần có xu hướng lặp lại con đường của Ý. Với 206 ca tử vong trong số 37.323 trường hợp nhiễm bệnh, tỷ lệ bệnh nhân thiệt mạng ở Đức đã thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, song nước này vẫn áp dụng lệnh tự cách ly chặt chẽ.
Giống như những nơi khác ở châu Âu, người dân Bỉ chỉ có thể rời khỏi nhà vì nhu cầu thiết yếu như mua thực phẩm hoặc thuốc men trong ít nhất 8 tuần tới. Prague đã đóng cửa hầu hết các nhà hàng và cơ sở kinh doanh trên cả nước để phòng dịch.
Tổng thống Donald Trump cho rằng, không nên áp dụng lệnh phong tỏa với tất cả các tiểu bang trên cả nước, song người dân ở một số thành phố lớn đã phải thực hiện quy định trên, chẳng hạn như New York và San Francisco. Colombia ban hành lệnh hạn chế di chuyển với tất cả người lao động, các cụ già từ 70 tuổi trở lên phải ở trong nhà cho đến hết tháng 5. El Salvador cấm tất cả hoạt động tụ họp đông người, đóng cửa biên giới và trường học, tất cả công dân về nước phải tự cách ly 30 ngày.
Chính phủ Ai Cập ban bố lệnh giới nghiêm trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 25/3, hạn chế hoạt động của giao thông công cộng để ngăn cản sự lây lan của virus. Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia đã tuyên bố khung giờ giới nghiêm trên toàn quốc kéo dài từ 19h đến 6h sáng hôm sau, có hiệu lực trong vòng 21 ngày kể từ 24/3. Riêng tại thủ đô Riyadh, giờ giới nghiêm bắt đầu từ 15h. Israel chuẩn bị tiến vào tình trạng phong tỏa hoàn toàn, người dân không được phép tập thể dục ngoài trời và chỉ có thể di chuyển trong phạm vi 100 m quanh nhà.
Tiếp bước các quốc gia khác, Kenya cũng đóng cửa các quán bar, nhà hàng, trường học và một số cơ quan công cộng, song vẫn phải cho phép các khu chợ hoạt động như bình thường.