Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

2017 và những thành tựu khiến con người như được tiếp thêm hy vọng

Năm 2017 chứng kiến nhiều bước chuyển của toàn thế giới, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Đồng thuận về chống biến đổi khí hậu

Ảnh: Getty

Syria và Nicaragua ký Hiệp định Paris về chống biển đổi khí hậu. Điều này đồng nghĩa mọi quốc gia trên thế giới đã là thành viên của thỏa thuận toàn cầu này.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris nhưng quá trình này sẽ kéo dài trong nhiều năm. Theo quy định của Liên Hợp Quốc, Mỹ sẽ không thể rút khỏi thỏa thuận cho tới ngày 4/11/2020 (trong khi cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tới ở Mỹ diễn ra vào ngày 3/11/2020).

Một liên minh lưỡng đảng của các bang ở Mỹ được thành lập hồi tháng 6 để đáp lại tuyên bố của ông Trump, trong đó “cam kết thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris”.

Các quốc gia đều đang nỗ lực trong việc giảm lượng khí thải carbon. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo sẽ ngừng cấp các khoản vay liên quan tới hoạt động khai thác dầu và khí đốt.

Ảnh: CNN

2 ngôi sao va chạm tạo ra lượng lớn vàng trong vũ trụ

Hai ngôi sao neutron va chạm nhau tạo ra lượng vàng lớn trong vũ trụ. Sóng xung kích và ánh sáng phát ra từ vụ nổ cách Trái đất 130 triệu năm ánh sáng đã được các kính viễn vọng không gian và trên mặt đất cùng các máy dò ghi lại vào ngày 17/8. Phát hiện này được xem là khám phá “chưa từng có”, mở ra kỷ nguyên mới của thiên văn học.

Sự kiện cũng chứng minh rằng tất cả các kim loại quý khác và vàng trong vũ trụ - tất cả các nguyên tố nặng hơn sắt, trên thực tế đều được tạo thành trong các vụ va chạm như thế này. Nếu bạn đang đeo một chiếc nhẫn cưới bằng vàng, nó đã được hình thành trong một vụ va chạm của hai ngôi sao chết cách đây hàng tỷ năm trước.

Ảnh: VOA

Gần như 'thanh toán' bệnh giun tóc guinea

Theo số liệu mới nhất, hiện chỉ còn 26 trường hợp mắc bệnh giun tóc guinea được ghi nhận trên toàn thế giới. Cách đây 30 năm, số người mắc giun guinea là 3,5 triệu ca. Như vậy, thế giới đã tới rất gần đích xóa sổ bệnh này.

Giun Guinea là một bệnh ký sinh, hoành hành nghiêm trọng ở phần lớn khu vực các nước châu Âu. Chúng xâm nhập cơ thể vật chủ (người và động vật) chủ yếu qua nước uống có chứa ấu trùng giun. Khoảng hơn một năm sau, ấu trùng sẽ phát triển, tạo ra một nốt sần trên da vật chủ, thường là ở chân hoặc bàn chân. Nốt sần này gây cảm giác vô cùng đau đớn khi giun chui ra.

Nhờ vào nỗ lực y tế cộng đồng trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan suốt ba thập niên qua, thế giới đã gần như xóa sổ được căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Ảnh: Getty

Đột phá lớn trong cuộc chiến chống bệnh sởi

Năm 2000, hơn 550.000 người chết trên toàn thế giới do nhiễm virus sởi. Tuy nhiên, thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 11 cho thấy, nhờ nỗ lực tiêm chủng toàn thế giới với hơn hơn 5,5 tỷ liều vaccine, số người chết do virus sởi đã giảm xuống còn 90.000 ca vào năm 2016.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể khiến người bệnh tàn tật, tổn thương não, điếc và tử vong. Căn bệnh từng cướp đi sinh mạng của 1,3 triệu người trên thế giới mỗi năm.

“Bảo vệ trung bình 1,3 triệu người mỗi năm nhờ vào vaccine sởi là một thành tựu đáng kinh ngạc và việc thanh toán bệnh sởi là điều trong tầm tay, thậm chí có thể xảy ra trong thế hệ chúng ta”, Tiến sĩ Robert Linkins, chuyên gia về Sởi và Sáng kiến Rubella, viết trên trang blog của WHO.

Ảnh: AFP

Chỉ còn 101 trường hợp bại liệt trên toàn thế giới

Bại liệt là một căn bệnh khủng khiếp, thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhiều ca mắc bệnh phải chịu cảnh tàn tật suốt đời, thậm chí tử vong.

Bại liệt từng khiến cả thế giới chao đảo. Năm 1988, nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ căn bệnh này được thực hiện. Vào thời điểm đó, thế giới ghi nhận khoảng 350.000 trường hợp mắc bại liệt mỗi năm. Các chương trình tiêm chủng giúp con số này giảm đáng kể, chỉ còn 101 ca tính tới ngày 13/12 năm nay.

Ảnh: Huffington Post

Nạn đói toàn cầu giảm 27% kể từ năm 2000

Năm 1991, cứ 5 người thì một người không đủ ăn, tỷ lệ là 18,6%. Năm 2000, tỷ lệ này giảm còn 15%. Năm 2015, con số này là 10,8%. Mặc dù thế giới chúng ta có đủ thức ăn để nuôi sống mọi người trên hành tinh nhưng 815 triệu người vẫn đang phải nhịn đói mỗi ngày. 3/4 số người trong diện nghèo đói cùng cực trên thế giới đang sống dựa vào nông nghiệp. Do vậy, các tổ chức và chính phủ nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực tạo điều kiện để những người dân ở các vùng nông thôn, đặc biệt là thanh niên, có được sinh kế bền vững hơn.

Ảnh: NASA

Tàu vũ trụ Cassini kết thúc sứ mệnh vĩ đại

Hồi tháng 9, tàu vũ trụ Cassini của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) kết thúc hành trình tự sát trên sao Thổ, chấm dứt hoàn toàn mọi liên lạc với Trái Đất sau sứ mệnh kéo dài 20 năm. Các nhà khoa học không ngăn được nước mắt trước giờ tàu Cassini tự sát, nhưng xen lẫn với cảm xúc ấy là niềm tự hào. Bởi suốt 2 thập kỷ làm nhiệm vụ, Cassini đã đưa về Trái đất nhiều điều thú vị và chụp được nhiều bức ảnh đẹp từ sao Thổ.

Con tàu đã theo dõi những cơn bão quái vật càn quét hành tinh, chứng kiến những hạt băng bay xen kẽ xuyên qua hệ thống vành đai và khám phá khả năng tồn tại sự sống của các mặt trăng sao Thổ. Nó cũng phát hiện ra các đại dương trên hai mặt trăng, nơi không ai nghĩ sẽ tìm được bất kỳ điều gì, mở ra cánh cửa mới trong quá trình con người kiếm tìm sự sống trong hệ Mặt trời.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Trọng Hiếu

Được quan tâm

Tin mới nhất
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố