Yi Fan, bác sĩ khoa tim mạch và Hu Weifeng, bác sĩ khoa tiết niệu (cả hai đều 42 tuổi) được chẩn đoán mắc COVID-19 vào ngày 18/1, sau khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona tại thành phố Vũ Hán - nơi khởi phát dịch bệnh. Cả hai bác sĩ được điều trị tại Bệnh viện phổi Vũ Hán và phải sử dụng máy tim phổi nhân tạo.
Họ được điều trị bằng phương pháp oxy hóa máu màng ngoài cơ thể (ECMO), một thiết bị đưa oxy vào máu. Bác sĩ Yi phải điều trị bằng phương pháp này trong vòng 39 ngày. Hiện ông đã được chuyển ra khỏi phòng điều trị đặc biệt sang một phòng bệnh bình thường trong Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản ở Vũ Hán.
Tuy nhiên, tình trạng của bác sĩ Hu lại nghiêm trọng hơn, ông phải gắn máy ECMO suốt 99 ngày. Cụ thể, bác sĩ Hu trải qua liệu pháp ECMO từ ngày 7/2 đến ngày 22/3 nhưng mãi tới ngày 11/4, ông mới có thể nói chuyện trở lại.
Dù đang hồi phục rất tốt nhưng cả hai bác sĩ đều bị đổi màu da sau khi chiến thắng COVID-19. Chia sẻ với CCTV tại giường bệnh, bác sĩ Li thú nhận việc chiến đấu với căn bệnh này quả thực rất khó khăn và nó khiến ông chịu không ít đau đớn.
“Khi tôi tỉnh táo trở lại, đặc biệt là khi biết được tình trạng của mình, tôi cảm thấy rất sợ hãi. Tôi thường xuyên gặp ác mộng“, bác sĩ Yi nói. Thế nhưng, bác sĩ Yi sau đó đã dần vượt qua rào cản tâm lý khi được các đồng nghiệp an ủi và tư vấn tâm lý.
Song Jianxin, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong, nói rằng các cơ quan trong cơ thể của 2 bác sĩ kia đã bị hư hỏng nặng trong “trận chiến sinh tồn” với COVID-19. Và sắt - khoáng chất đáng lẽ được lưu trữ trong gan - lại bị tràn vào các mạch máu vì cơ quan này hoạt động sai cách. Sự tăng lượng sắt trong mạch máu có thể làm thay đổi màu da cũng như sắc tố da mặt.
Tuy nhiên, bác sĩ Li Shusheng làm việc tại khoa tiết niệu lại tin rằng da của bác sĩ Yi và bác sĩ Hu trở nên tối màu hơn là do một loại thuốc họ nhận được khi bắt đầu điều trị. Ông nói thêm rằng một trong những tác dụng phụ của loại thuốc này là làm sạm màu da nhưng ông không nêu tên thuốc.