Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

15 góc nhìn toàn cảnh nhất về nghiên cứu chỉnh sửa gen người ở Trung Quốc

Theo Trí Thức Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

"Những đứa trẻ đã bất đắc dĩ trở thành đối tượng thử nghiệm cho các biến thể gen chưa được xem xét trên động vật".

Trước ngày này tuần trước, có thể rất ít người biết đến cái tên He Jiankui. Nhưng chỉ trong một tuần ngắn ngủi sau đó, nhà nghiên cứu trẻ người Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của một cơn bão lửa toàn cầu, sau khi tuyên bố ông đã tạo ra những đứa trẻ chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới.

Cặp song sinh là hai bé gái có tên là Lulu và Nana, có cha dương tính với HIV và mẹ âm tính. He Jiankui nói ông đã chỉnh sửa gen CCR5 trong phôi thai để giúp 2 cô bé được sinh ra với khả năng miễn nhiễm với HIV.

Vẫn chưa rõ liệu He Jiankui có thực sự làm được điều mà ông nói hay không. Tuy nhiên, tin tức đã nhanh chóng nhận được những phản hồi và chỉ trích tiêu cực.

Nhà nghiên cứu công cụ chỉnh sửa gen CRISPR tiên phong Jennifer Doudna nói rằng cô “kinh hoàng” trước sự kiện này. Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ Francis Collins nói rằng thí nghiệm của He Jiankui “vô cùng đáng lo ngại”. Julian Savulescu, một nhà đạo đức học thậm chí còn gọi nghiên cứu ở Trung Quốc là “tàn ác”.

Những phản ứng mạnh mẽ như vậy là dễ hiểu trong cộng đồng học thuật, nhưng đối với những người bình thường như chúng ta, chúng vẫn sẽ gợi lên những thắc mắc lăn tăn nào đó. Vậy hãy cùng nhìn lại 15 góc nhìn toàn cảnh được Ed Yong, một nhà báo khoa học trên trang The Atlantic, tổng hợp lại để nắm được bản chất của sự kiện chấn động này:

He Jiankui, nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố đã tạo ra 2 đứa trẻ chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới.

1. Miễn nhiễm với HIV: thoạt nghe thì hợp lý nhưng phân tích kỹ thì không hợp lý chút nào

Như bạn đã biết, nghiên cứu của He Jiankui tập trung vào một gen tên là CCR5, mà virus HIV sử dụng như một cánh cửa để xâm nhập vào tế bào người.

Để khóa virus chết người này ở ngoài, một số nhà khoa học đã cố gắng thử trích xuất các tế bào miễn dịch của bệnh nhân HIV, sau đó họ ngừng hoạt động của CCR5 bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen, trước khi tiêm các tế bào trở lại cơ thể người bệnh.

Thế nhưng, trong trường hợp 2 bé gái Lulu và Nana, chỉ có người cha của 2 bé dương tính với virus HIV còn người mẹ thì không. Nguy cơ nhiễm HIV của 2 bé là không có. Bởi vậy, việc chỉnh sửa gen CCR5 trong phôi thai thực chất là chỉnh sửa gen trên người hoàn toàn khỏe mạnh chứ không phải người bệnh nhiễm HIV.

Đó là hành động không cấp bách và cũng không cần thiết về mặt y tế. Chỉnh sửa gen lúc này giống như dùng súng đại bác để giết một con muỗi. Về việc phòng HIV lây nhiễm từ người cha sang con trong suốt cuộc đời, hoàn toàn có thể cho người cha uống thuốc kháng virus ARV để giảm tải lượng virus xuống, và thực hiện các biện pháp giáo dục cho cả cha và con.

Thậm chí, ngay cả khi bạn muốn chặn gen CCR5 đi chăng nữa, cũng đã có những loại thuốc có khả năng thực hiện công việc này mà không cần đến chỉnh sửa gen. Nhiều loại trong số đó đã được thử nghiệm lâm sàng nhiều lần.

Bởi vậy, xét đi xét lại hành động sử dụng chỉnh sửa gen, một phương pháp cực đoan và chưa được kiểm chứng, của He Jiankui là hoàn toàn không chấp nhận được.

Việc hủy kích hoạt CCR5 không mang lại khả năng miễn dịch hoàn toàn cho HIV như tuyên bố của ông, vì HIV có nhiều chủng, và một số chủng có thể xâm nhập vào tế bào thông qua kênh khác ngoài kênh protein mà CCR5 tạo ra.

Một thực tế nữa: mặc dù những người bị thiếu hụt CCR5 tự nhiên có vẻ khỏe mạnh, nhưng nghiên cứu cho thấy họ có tỷ lệ cao hơn sẽ nhiễm virus West Nile và cũng dễ tử vong khi mắc các bệnh cúm.

Vậy bản chất việc làm của He Jiankui ở đây là: ông này đã ấn định cho Lulu và Nana khả năng kháng một loại virus mà 2 cô bé không cần đến. Có vô vàn cách an toàn khác để con người phòng tránh HIV, nhưng chỉnh sửa gen dường như không nằm trong số an toàn đó. Nó có thể gây ra những rủi ro mà chúng ta chưa hề biết, nhưng đã dự đoán trước được.

Bản chất việc làm của He Jiankui ở đây là: ông này đã ấn định cho Lulu và Nana khả năng kháng một loại virus mà 2 cô bé không cần đến

2. Kỹ thuật và trình độ chỉnh sửa gen của He Jiankui có vấn đề

Nghiên cứu của He Jiankui chưa được xuất bản và cũng chưa được bình duyệt, vì vậy, nhiều chi tiết về thử nghiệm của ông ấy không rõ ràng. Nhưng dựa trên các slide mà ông trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 về chỉnh sửa gen người tại Hồng Kông tuần trước, các nhà khoa học khác đã tố cáo He Jiankui đang sử dụng CRISPR một cách rất “nghiệp dư”.

Một ví dụ điển hình là việc He Jiankui dường như chỉ chỉnh sửa được một nửa số gen CCR5 của Lulu; nửa gen còn lại của bé vẫn bình thường. Nó sẽ dẫn đến 2 trường hợp: Một là mỗi tế bào trong cơ thể Lulu đều có một bản sao CCR5 bình thường và một bản sao chỉnh sửa (dị hợp tử). Hai là một nửa số tế bào của cô bé sẽ mang cả 2 gen đã chỉnh sửa và một nửa còn lại mang 2 gen bình thường (chimera).

Nếu rơi vào trường hợp thứ nhất, Lulu sẽ không thể miễn nhiễm được với HIV. Nếu rơi vào trường hợp thứ hai, khả năng kháng lại HIV phụ thuộc vào việc liệu các tế bào miễn dịch của cô có tuân theo gen chỉnh sửa hay không.

Kết quả tương tự cũng có thể đúng với Nana, khi mà các slide mà He Jiankui trình bày cho thấy dường như cô bé cũng có những bản sao bình thường của CCR5 ở đâu đó trong cơ thể.

Ngoài ra, các tế bào đã chỉnh sửa gen dường như cũng không được He Jiankui chỉnh sửa đúng cách. Ông dự định xóa một phần nhỏ của gen CCR5, bắt chước một đột biến xuất hiện tự nhiên được gọi là delta 32 tìm thấy trong khoảng 10% người châu Âu.

Nhưng theo Sean Ryder, một nhà hóa sinh tại trường Đại học Y khoa Massachusetts, các slide của He Jiankui không hiện thị bất kỳ dấu hiệu nào của delta 32 ở cả 2 cô bé. Thay vào đó, Lulu có một đột biến CCR5 hoàn toàn khác, và Nana có hai đột biến.

Những đột biến này nằm trên cùng vùng gen như delta 32, nhưng không có gì đảm bảo chúng sẽ đem lại lợi ích, Ryder nói. “Ông ấy đã tạo ra những đột biến mới, và không có lý do gì để nghĩ rằng 2 bé gái sẽ được bảo vệ [khỏi HIV] - hoặc thậm chí là chúng còn giữ được an toàn”.

Các nhà khoa học khác đã tố cáo He Jiankui đang sử dụng CRISPR một cách rất “nghiệp dư.

3. Không rõ những đột biến mới mà ông ấy tạo ra có thể dẫn đến hậu quả gì

Ít nhất 2 trong 3 đột biến mà He Jiankui đưa vào bộ gen của Nana và Lulu là những thay đổi đáng kể, có thể ảnh hưởng tới hoạt động của CCR5.

Trong quy trình thông thường, các nhà khoa học sẽ thử tạo trước các đột biến này trên chuột hoặc động vật thí nghiệm để xem điều gì sẽ xảy ra. Nếu họ cảm thấy đủ yên tâm để làm điều đó trên người, mà cụ thể ở đây là những bệnh nhân đã nhiễm HIV, họ sẽ tuyển mộ tình nguyện viên, trích xuất các tế bào miễn dịch của họ, chỉnh sửa gen CCR5 với cùng đột biến gen rồi tiêm trở lại cơ thể họ để theo dõi xem bệnh nhân có an toàn và khỏe mạnh hay không.

“Quá trình đó có thể mất nhiều tháng thậm chí nhiều năm, những nhà khoa học vội vàng lắm cũng chỉ dám nhảy cóc một chút và trong khuôn khổ”, Ryder nói.

Nhưng với nghiên cứu của mình, He Jiankui dường như đã nhảy vọt qua tất cả các bước kiểm tra cơ bản đó, để cấy ghép phôi đã được chỉnh sửa gen thẳng vào một người phụ nữ. “Những đứa trẻ đã bất đắc dĩ trở thành đối tượng thử nghiệm cho các biến thể chưa được xem xét trên động vật”, Ryder nói.

Điều gây sốc nhất là ông ấy đã trắng trợn gạt bỏ tất cả các quy tắc và quy ước mà cộng đồng khoa học đã xây dựng lên, nhằm đảm bảo can thiệp gen một cách an toàn, Leonid Kruglyak, nhà di truyền học tại Đại học California Los Angeles, viết trên Twitter của mình.

4. Liệu các tình nguyện viên có nhận thức được nghiên cứu và có thực sự tự nguyện?

Bởi truyền thông không tiếp cận được tất cả các cặp vợ chồng tham gia vào nghiên cứu của He Jiankui, chúng ta hiện không rõ họ có thực sự nhận thức được thí nghiệm mà mình đã đăng ký hay không.

Nhưng chúng ta biết nhà khoa học Trung Quốc đã tuyển mộ tình nguyện viên thông qua một hiệp hội viện trợ. Ông mô tả sai nghiên cứu của mình, có thể cố tình, là một dự án phát triển vắc-xin AIDS

Trình bày trước các đại biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Hồng Kông tuần trước, He Jiankui nói rằng ông đích thân tham gia vào thủ tục thông báo- ưng thuận với tình nguyện viên, cùng với một giáo sư khác. Nhưng chỉ thủ tục này đã là một kỹ năng riêng đòi hỏi nhà khoa học phải được đào tạo. Mà He Jiankui thì chưa được đào tạo để làm điều đó.

Tài liệu ưng thuận mà ông đưa cho các tình nguyện viên xem đã mô tả việc chỉnh sửa gen, nhưng nó chứa đầy ngôn ngữ khoa học mà người bình thường khó có thể hiểu. He Jiankui nói rằng bệnh nhân của ông đã “được học hành rất tốt” và đã có kiến thức về công nghệ chỉnh sửa gen.

Nhưng theo một bản tin từ tạp chí Sanlian Life Week của Trung Quốc (bản tin đã bị gỡ, nhưng bản sao của nó đã kịp được lưu và dịch), một trong những tình nguyện viên đã rời bỏ thử nghiệm chỉ có trình độ học vấn trung học, và chỉ nghe thấy thuật ngữ “chỉnh sửa gen” khi thí nghiệm của He Jiankui rùm beng trên báo chí những ngày qua.

Người đàn ông này tuyên bố rằng mình không được thông báo gì về những rủi ro nếu chỉnh sửa gen đi chệch mục tiêu, hoặc về thực tế rằng chỉnh sửa gen là một công nghệ bị cấm và gây tranh cãi về mặt đạo đức.

Ngoài ra, biểu mẫu đồng ý mà He Jiankui đã trình ra cho các tình nguyện viên “không phải là một biểu mẫu ưng thuận thực thụ”, Kelly Hills, một nhà đạo đức sinh học tại Rogue Bioethics, nói.

Hills lấy ví dụ, trong phần viết về rủi ro không mô tả bất kỳ hậu quả tiêu cực nào của việc hủy kích hoạt CCR5. Thay vào đó, He Jiankui chỉ tập trung vào việc giải quyết trách nhiệm pháp lý mà nhóm nghiên cứu có thể gặp phải cho các vấn đề phát sinh từ thủ tục chỉnh sửa.

Biểu mẫu này cũng mặc định cho He Jiankui quyền sử dụng ảnh của các em bé trên các tạp chí, lịch, biển quảng cáo, tuyên truyền, bao bì sản phẩm và áp phích trên ô tô và thang máy. Một cam kết khá hài hước trong nghiên cứu khoa học.

“Những đứa trẻ đã bất đắc dĩ trở thành đối tượng thử nghiệm cho các biến thể gen chưa được xem xét trên động vật”.

5. Những gì mà He Jiankui thực hiện từ trước đến nay đều trong vòng bí mật

Trong bản thảo đầu tiên mà nhà khoa học Trung Quốc tiết lộ về nghiên cứu, He Jiankui nói rằng mình thực hiện việc chỉnh sửa gen với tư cách là phó giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam. Tuy nhiên, trường đại học ngay sau đó đã có đính chính phủ nhận điều này .

Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam tuyên bố rằng He Jiankui đã nghỉ phép không lương từ tháng 2, đúng khoảng 9 tháng trước khi 2 bé gái Lunu và Nana ra đời. Nhà trường cũng có kế hoạch khởi động một cuộc điều tra dự án, mà họ gọi là “vi phạm nghiêm trọng đạo đức và các quy định học thuật”.

Trong tuyên bố chính thức tại hội nghị thượng đỉnh ở Hồng Kông tuần trước, He Jiankui cũng thừa nhận rằng trường đại học không biết gì về nghiên cứu của ông và cũng không tài trợ nó.

Ngoài ra, He Jiankui cũng nói nghiên cứu của mình được chấp thuận bởi một ủy ban đạo đức tại Bệnh viện Harmonicare Thâm Quyến. Nhưng trong một tuyên bố, bệnh viện nói rằng Ủy ban Đạo đức Y tế của họ chưa bao giờ gặp He Jiankui và cũng chưa bao giờ thảo luận về một dự án như vậy.

Chữ ký trên tài liệu mà He Jiankui đệ trình “bị nghi ngờ là giả mạo”. Cùng thời gian, trang web phòng thí nghiệm của He Jiankui biến mất, những thông tin về các nghiên cứu khác của He Jiankui trên các trang web chính phủ cũng không cánh mà bay.

6. Ông ấy dường như đang tổ chức được một chiến dịch PR khéo léo

Có thông tin cho thấy rằng He Jiankui đã nhờ đến sự trợ giúp của Ryan Ferrell, một nhà cung cấp dịch vụ tư vấn PR của Mỹ. Nếu thực sự nhắm đến một chiến dịch truyền thông, He Jiankui có lẽ đang thắng lớn.

Cho tới tận thời điểm này, khi ông càng giữ nhiều điều bí mật của nghiên cứu trong bóng tối, thì chiến dịch PR lại càng hiệu quả.

Trên Youtube hiện có tất cả 5 video mô tả thí nghiệm của He Jiankui và mục đích của ông ấy là gì. Nhưng ngược lại, tất cả các chi tiết kỹ thuật về nghiên cứu này bị giấu nhẹm, và He Jiankui chưa hề công bố nó trong bất kỳ một ấn phẩm khoa học chính thức nào.

He Jiankui tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 về chỉnh sửa gen người tại Hồng Kông tuần trước.

7. Đã có một vài người biết trước ý định của He Jiankui, nhưng không ai ngăn được ông ấy

Trước đây, tại một số cuộc hội thảo về nghiên cứu chỉnh sửa gen, He Jiankui đã nói chuyện nhiều về các nghiên cứu của ông trên động vật. Nhưng ông chỉ thổ lộ tham vọng về chỉnh sửa gen phôi người của mình với một số ít nhà khoa học khác.

Một trong số đó là Michael Deem, cựu cố vấn tại Đại học Rice. Ông này đóng một vai trò tích cực trong dự án của He Jiankui và được xác nhận có mặt tại Trung Quốc khi nghiên cứu tuyển mộ tình nguyện viên. (Deem cũng nắm giữ một lượng cổ phần nhỏ trong 2 công ty của He Jiankui, và đang bị điều tra vì sự tham gia của ông vào sự việc).

Thế còn các nhà khoa học khác không ủng hộ? Theo báo cáo trên tờ STAT, He Jiankui cũng từng tham khảo ý kiến nhà sinh lý học Mark DeWitt của Đại học California Berkeley. DeWitt đã khuyên ngăn ông ấy dừng ý định chỉnh sửa phôi người.

Ngoài ra, Associated Press cũng báo cáo rằng He Jiankui đã nói chuyện với thầy của ông, tiến sĩ Stephen Quake tại Đại học Stanford. Quake đã ngay lập tức cảnh báo ông về khía cạnh đạo đức của nghiên cứu chỉnh sửa gen người.

Hồi tháng Hai đầu năm, He Jiankui được biết là đã thảo luận với giáo sư Matthew Porteus cũng đến từ Stanford, ông ấy kể cho Porteus rằng mình đã được bệnh viện chấp thuận để tiến hành thí nghiệm.

Phản ứng với điều này, giáo sư Porteus đã ngăn cản nhà nghiên cứu Trung Quốc một cách kịch liệt. Trả lời phỏng vấn của AP, Portueus nói ông cảm thấy rất tức giận vì sự ngây thơ và liều lĩnh của He Jiankui, sau khi ông không nghe lời khuyên can của mình.

Tại Hội nghị thượng đỉnh tại Hồng Kông tuần trước, chủ tọa David Baltimore đã gọi các nỗ lực ngăn cản He Jiankui là sự “thất bại trong việc tự điều chỉnh của cộng đồng khoa học”. Baltimore kêu gọi các nhà khoa học khác trong lĩnh vực chỉnh sửa gen tìm hiểu xem có còn công trình nào tương tự hay không, và khuyến cáo họ cảnh báo nhà chức trách.

Nhưng cách tiếp cận này chưa chắc sẽ hiệu quả, theo lời của nhà đạo đức sinh học Kelly Hills. “Các nhà khoa học có thực sự nhận ra và lên tiếng một hành động xấu của một người nếu họ là đồng nghiệp hay không?”, cô hỏi. “Câu trả lời là không. Chúng ta chỉ đơn giản giả định rằng nếu họ là đồng nghiệp của nhau, họ có những lợi ích chung cùng chia sẻ”.

Ngay cả khi họ muốn lên tiếng, công việc này cũng gặp phải khó khăn, Hills nói. “Chúng ta không có một nhóm quốc tế nào giám sát việc chỉnh sửa gen”. Trung Quốc là một đất nước không có cơ quan đạo đức y tế quốc gia để giám sát tất cả các nghiên cứu y khoa của họ, nếu họ có và nó làm việc hiệu quả thì những nhà khoa học như Porteus đã có thể liên lạc và cảnh báo về nghiên cứu của He Jiankui.

Tại Hoa Kỳ thì khác, luật pháp không nghiêm cấm hoàn toàn nghiên cứu chỉnh sửa gen, mà chỉ giới hạn không cho phép chúng được thực hiện bằng quỹ tài trợ liên bang. Nhưng Hank Greely, một giáo sư về đạo đức và luật học tại Stanford, lưu ý He Jiankui có thể chỉnh sửa gen phôi người tại Mỹ, nhưng đến bước cấy nó vào người một phụ nữ được tính là phân phối một loại thuốc mới chưa được thử nghiệm.

FDA không bao giờ chấp thuận điều này, bởi vậy nếu He Jiankui cố tình, ông ấy sẽ trở thành một tội phạm liên bang, Greely lưu ý.

Ở Mỹ , chỉnh sửa phôi người được cho phép nhưng việc tạo ra đứa trẻ là phạm pháp.

8. Hành động của He Jiankui phá vỡ sự đồng thuận toàn cầu, về những nguyên tắc trong chỉnh sửa gen người

Có một sự đồng thuận toàn cầu về việc sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen trên phôi người đã được đưa ra, đó là: Đừng vội vàng làm điều đó.

Đồng thuận đã được đưa ra năm 2015, sau khi Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh quốc tế nhiều thành phần, bao gồm các nhà khoa học, nhà đạo đức để thảo luận về chủ đề này.

Một bài báo mang tính bước ngoặt cũng được nhóm các nhà khoa học quốc tế xuất bản năm 2017, nói rằng việc việc chỉnh sửa gen tế bào dòng mầm - tức là, thay đổi DNA của tinh trùng, trứng hoặc phôi những tế bào tồn tại xuyên qua các thế hệ - không nên bị cấm hoàn toàn nhưng những ai có ý định thực hiện điều đó “cần thận trọng”.

Các nghiên cứu thế này chỉ nên được thực hiện trong các thử nghiệm lâm sàng đáp ứng đủ 5 điều kiện: 1. Được giám sát chặt chẽ; 2. Có tính minh bạch tối đa; 3. Chỉ trong trường hợp không có lựa chọn thay thế hợp lý; 4. Nghiên cứu đủ sâu đã chỉ ra được rủi ro/lợi ích và 5. Tham khảo ý kiến rộng rãi của cả cộng đồng.

Công việc của He Jiankui vừa vội vã, vừa bí mật. Và như những phân tích kể trên, nó hoàn toàn không đáp ứng bất kỳ điều kiện nào trong số 5 điều kiện này.

9. He Jiankui hành động trái với quan điểm đạo đức của chính mình

Vào tháng 7 năm 2017, ông ấy đã từng phát biểu trong một hội nghị tại Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor. Lần đó, He Jiankui không đề cập đến kế hoạch chỉnh sửa phôi thai người của chính mình, nhưng ông đã lấy ví dụ về trường hợp của Jesse Gelsinger, một thiếu niên người Mỹ thiệt mạng trong một thử nghiệm liệu pháp gen vào năm 1999.

Để tránh những tai nạn chết người như vậy và hiệu ứng quay lưng mà nó có thể gây ra với nghiên cứu gen, He Jiankui kêu gọi các nhà khoa học phải hết sức thận trọng trước khi chỉnh sửa gen của phôi thai.

Ông cũng đã xuất bản một bài báo trên tạp chí The Crispr Journal đưa ra các nguyên tắc đạo đức để làm điều này, trong đó có tính minh bạch mà bản thân ông đã vi phạm. Đặc biệt, đồng tác giả của bài báo này là Ryan Ferrell, chuyên gia tư vấn PR làm việc với He Jiankui.

10. He Jiankui từng tìm kiếm lời khuyên về đạo đức nhưng ông ta gạt bỏ nó

Tác giả Sharon Begley trên trang STAT báo cáo rằng, He Jiankui từng nói chuyện với các nhà đạo đức sinh học William Hurlbut tại Đại học Stanford, và con trai ông Benjamin Hurlbut tại Đại học bang Arizona, nhưng không ai trong số họ biết về kế hoạch của nhà khoa học Trung Quốc.

Hurlbut cha đã dành thời gian nói chuyện với He Jiankui về lập trường Công giáo bảo thủ của ông về đạo đức, trong đó cuộc sống con người bắt đầu từ lúc thụ thai. “Có vẻ như He Jiankui đã đi đến kết luận rằng đạo đức đồng nghĩa với Kitô giáo”, Hills nói.

Điều đó cho phép anh ta lịch sự bỏ qua ý kiến của Hurlbut, và “phát triển những suy nghĩ cá nhân của riêng mình chẳng khác nào điều bạn mong đợi từ một sinh viên năm nhất trong tuần đầu tiên học bài về Đạo đức sinh học”.

He Jiankui từng kêu gọi các nhà khoa học khác thận trọng trong chỉnh sửa gen phôi người, nhưng chính ông lại nhảy cóc trong đó.

11. Không có cách nào để biết liệu He Jiankui có thành công hay không

Cả Nana và Lulu sẽ được theo dõi ít nhất cho đến khi họ 18 tuổi. Nhưng sẽ chẳng có cách nào để biết được hai cô bé có thực sự miễn nhiễm với HIV nhờ chỉnh sửa gen hay không.

Bởi mẹ cô bé âm tính với HIV, nhà sinh vật học Alta Charo đến từ Đại học Wisconsin ở Madison nói các cô bé được sinh ra hầu như không có nguy cơ nhiễm virus. “Không có cách nào để đánh giá liệu chỉnh sửa gen có thực sự mang lại bất kỳ lợi ích nào hay không. Nếu họ vẫn âm tính với HIV, chẳng có cách nào để cho thấy kết quả đó có liên quan đến việc chỉnh sửa”.

Tại hội nghị thượng đỉnh tuần trước ở Hồng Kông, He Jiankui được hỏi liệu hai đứa trẻ có bị phân biệt đối xử bởi cha mẹ của chúng hay không, khi họ biết rằng con mình đã được chỉnh sửa gen. Và ông ấy đã đáp lại rằng: “Tôi không biết trả lời câu hỏi này thế nào”.

12. Ông ấy còn vẫn tỏ ra thách thức

Cũng trong hội nghị thượng đỉnh, He Jiankui không bày tỏ thái độ muốn dừng lại.

Phát biểu tại Hồng Kông tuần trước, ông có nói lời xin lỗi, nhưng đó là lời xin lỗi cho việc để “rò rỉ tin tức một cách bất ngờ”, trước khi ông có thể trình bày nó tại một sự kiện khoa học. Còn về bản thân thí nghiệm, ông nói: “Tôi cảm thấy tự hào [về nó]”.

13. Các viện khoa học hàng đầu thế giới đã biết trước sự việc?

Theo sát tin tức dậy sóng từ tuần trước, một số nhà khoa học, trong đó có cả Feng Zhang, nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực chỉnh sửa gen người bằng CRISPR và nhà sinh vật học tế bào gốc Paul Knoepfler, đã kêu gọi tạm hoãn một số thử nghiệm tương tự.

Ngược lại, sau khi tin tức về thí nghiệm của He Jiankui bị rò rỉ, ủy ban tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hồng Kông, bao gồm các đại diện từ các viện hàn lâm khoa học ở Hồng Kông, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố nhạt nhẽo, dường như chỉ nhắc lại các quan điểm cũ kỹ trước đó.

Một tuyên bố thứ hai, được phát hành sau hội nghị thượng đỉnh có phần mạnh mẽ hơn, nói rằng những tuyên bố của He Jiankui đã “gây xáo trộn sâu sắc” và công việc của ông là rất “vô trách nhiệm”.

Nhưng ngay cả trong tuyên bố thứ hai này, đại diện các viện nghiên cứu vẫn có vẻ ủng hộ mục tiêu tạo ra những đứa trẻ sơ sinh được chỉnh sửa gen.

Những rủi ro là “quá lớn để cho phép thử nghiệm lâm sàng chỉnh sửa dòng mầm vào thời điểm này”, một mặt tuyên bố nói, nhưng mặt khác, họ viết “đã đến lúc xác định một con đường chuyển giao nghiêm ngặt, có trách nhiệm đối với những thử nghiệm như vậy”, ngụ ý mở đường cho các nghiên cứu như thế này trong tương lai.

George Daley, hiệu trưởng Trường Y Harvard là một trong những người đồng tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Hồng Kông, đã công khai thể thiện những quan điểm tương tự ngay trên diễn đàn. Ông chỉ gọi nghiên cứu của He Jiankui là một lối rẽ sai trên con đường đúng.

“Thực tế mà nói, trường hợp nghiên cứu chỉnh sửa tế bào dòng mầm đầu tiên này là một bước sẩy chân nhưng vẫn khiến chúng ta tiến lên phía trước, không đời nào vì thế mà chúng ta né tránh [tương lai ấy]”, George Daley nói.

Feng Zhang, nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực chỉnh sửa gen người bằng CRISPR, lên tiếng phản đối He Jiankui

14. Một nhà di truyền học hàng đầu thế giới lên tiếng bảo vệ He Jiankui

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Science, giáo sư George Church, một nhà khoa học đáng kính từ Harvard và là nhà tiên phong trong kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR, nói rằng ông cảm thấy mình có một nghĩa vụ phải cân bằng lại những chỉ trích đang hướng vào He Jiankui.

Giáo sư Church cho rằng nhà khoa học Trung Quốc đang bị bắt nạt và “điều nghiêm trọng nhất” trong thí nghiệm của ông ta là không làm đúng các thủ tục giấy tờ.

“Những nhận xét của [giáo sư Church] rất vô trách nhiệm”, Alexis Carere, chủ tịch Hiệp hội các nhà tư vấn di truyền Canada nói. “Nếu ai đó vi phạm các quy tắc mà chúng ta đã đặt ra, chúng ta hoàn toàn có thể lên tiếng phản đối nó”.

Carere cũng không chịu được khi đọc phần còn lại trong phỏng vấn của Science với giáo sư Church. Bà nói đó là nơi “mỗi câu đều là một châm ngôn đạo đức mới toanh mà tôi chưa bao giờ nghe đến”. Ví dụ, giáo sư Church nói rằng “miễn là những đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh thì nó sẽ tốt cho cả lĩnh vực nghiên cứu [chỉnh sửa gen người] và gia đình chúng”.

Nhưng những hành động phi đạo đức vẫn là phi đạo đức, ngay cả khi nó không để lại hậu quả gì nghiêm trọng. Phát biểu của giáo sư Church có thể khiến nhiều nhà khoa học khác bỏ qua các chuẩn mực đạo đức hiện tại để thực hiện các nghiên cứu nguy hiểm, chỉ cần họ thấy tò mò và thú vị với nó là được. Carere nói đó là những chủ nghĩa đạo đức ở một thế giới đảo ngược.

Giáo sư George Church, một nhà khoa học đáng kính từ Harvard và là nhà tiên phong trong kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR, lại bảo vệ He Jiankui.

15. Những thí nghiệm tương tự có thể xảy ra lần nữa

Năm ngoái, thế giới đã một lần dậy sóng khi một nhóm các nhà khoa học tuyên bố rằng họ đã hồi sinh một chủng virus được gọi là bệnh đậu mùa ngựa. Một số nhà nghiên cứu và nhà đạo đức đã chỉ trích công việc này, cho rằng nó sẽ giúp ai đó dễ dàng tái tạo virus gây bệnh đậu mùa để dùng cho mục đích khủng bố sinh học .

Bất kể những nghiên cứu như thế này có nguy hiểm hay không, nó đã chỉ ra một lỗ hổng ở trung tâm của khoa học hiện đại. Đó là:

Các nhóm nhỏ, chỉ bao gồm một vài nhà nghiên cứu, đã có thể đưa ra các quyết định gần như đơn phương liên quan đến các thí nghiệm tiềm ẩn một hậu quả lớn trên quy mô toàn cầu. Và nguy hiểm nữa là công việc được thực hiện trong âm thầm, mà khi chúng ta biết được mới tá hỏa lên khi nó hoàn thành mất rồi.

Thí nghiệm chỉnh sửa gen người của nhà khoa học Trung Quốc He Jiankui là ví dụ điển hình nhất cho thấy: Thế giới ngày nay dễ bị tổn thương như thế nào trước ánh sáng của khoa học.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Trí Thức Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất