Mấy hôm nghỉ lễ, gặp mấy người bạn đồng hương, trong câu chuyện của chúng tôi dành một thời lượng lớn để bàn luận về em - Phương Anh - niềm tự hào của người dân quê mình, và tôi vẫn tự nhủ rằng sẽ viết một “cái gì đó” về em, bởi tôi biết khá nhiều về gia thế của giọng ca Thần tượng Bolero này!
Phương Anh và niềm đam mê âm nhạc
Những ngày cơ cực…
Tôi biết về bố mẹ em từ những ngày đầu tiên lưu lạc trên đất Tây nguyên trong những năm 80 của thế kỷ trước. Ấy là những ngày đầy cơ cực của chàng trai, cô gái Huế đặt chân về vùng đất Hà Lan để làm thuê cuốc mướn cho người dân nơi đây. Thế rồi, anh chị đã nên duyên vợ chồng và mượn tạm căn chòi ngoài rẫy để sinh sống. Tin nổi không, nơi đây, Phương Anh và các anh chị em mình đã lần lượt chào đời?
Ngày lại ngày tằn tiện, dè sẻn, ba mẹ em đã mua được một thẻo đất ngoài rìa làng để an cư. Lúc này, mẹ em chuyển sang buôn bán rau ở chợ. Hàng ngày, tôi vẫn thấy ba mẹ em cùng nhau vận chuyển những chuyến hàng đầy để tăng thêm thu nhập. Sau này, khi ba em bị tai nạn, nhiệm vụ đó lại tiếp tục được đặt lên đôi vai mẹ em. Thế đấy, từ hành trình đó, các con cái lần lượt được sinh ra, lớn lên và học hành đến nơi đến chốn. Thế đấy, từ “ngoại vi”, giọng ca Phương Anh đã đến với thế giới này. Hiểu về gia cảnh của em nên lần đầu thấy em xuất hiện trên VTV3, tôi rưng rưng một niềm xúc động vì biết rằng: những sự hy sinh của đấng sinh thành của em đã trổ sinh hoa trái, đã được đền đáp. Hơn một lần trong câu chuyện “huấn từ” của ba tôi đã nhắc về ba mẹ em như một mẫu gương của sự vượt khó, của nghị lực.
Sài Gòn và những gánh nặng
Những năm mới vào đất Sài Gòn. Em vừa theo học trường Sư phạm mẫu giáo Trung Ương, vừa cần mẫn đi làm thêm phục vụ tại các nhà hàng, quán nước. Và cứ thế, cuộc sống của em ngày càng cơ cực khi đứa em trai 18 tuổi bước vào Sài Gòn. 6 năm cậu em trai ngồi trên giảng đường Đại học Kiến Trúc là khoảng thời gian em gác lại việc học để đi làm, chỉ với mong muốn được thay ba mẹ lo cho đứa em được học hành đến nơi đến chốn.
6 năm trôi qua, em bắt đầu định hướng cho tương lai của mình, bằng cách tự thưởng cho bản thân những buổi học luyện thanh, những bộ hồ sơ với hy vọng bước vào cánh cửa Nhạc viện. Thời điểm đó, Phương Ý cũng vào Sài Gòn, trải qua hàng loạt khó khăn cũng như những rào cản, hai chị em em cũng hoàn thành được ước nguyện của mình. Đến thời điểm hiện tại, công việc của em hiện giờ vẫn là vừa đi học, vừa tham gia hát phòng trà để kiếm thêm thu nhập.
Sẽ không quá khi nói rằng: em sinh ra để hát Bolero!
Không phải là người xa lạ, nên tôi đã hơn một lần được nghe em hát. Nhưng đó là những bài ca bốc lửa với những giai điệu vui nhộn. Biết về ngày qua nên tôi mừng vì qua sân chơi Thần tượng Bolero, em đã tìm gặp được chính mình. Bởi hơn đâu hết, bolero hợp với chất giọng của em, nhất là chất Huế trong em: nhẹ nhàng và sâu lắng. Bởi bolero ít nhiều tương cận nếp sống của người dân quê mình: chân chất và trữ tình. Sẽ không quá khi nói rằng: em sinh ra để hát Bolero!
Theo dõi hành trình của em, tôi thật sự mừng vì em ngày càng trưởng thành, bản lĩnh và chuyên nghiệp. Tuy thế, tôi vẫn đặc biệt ấn tượng với hôm em hát bài Tình người ngoại đạo. Thực ra, đêm đó, em không chỉ hát mà là đang tự kể câu chuyện tình của đời mình. Ấy thế nên, hình ảnh em quỳ gối mới lắng và xúc động làm sao! Với tôi, Tình người ngoại đạo, em đã hát bằng 100% khả năng và 200% tâm tình.
Trong cuộc sống này thì có lẽ mẹ là tấm gương mẫu mực để em sống và noi theo. Vào Buôn Mê Thuột với hai bàn tay trắng, mẹ em không biết chữ, ba em bị tai nạn từ năm 98, vậy mà một tay mẹ em vẫn cố gắng lo cho cả 6 anh chị em ăn học đến nơi đến chốn. Thời gian mà mẹ bệnh tiểu đường và gai cột sống, em quyết tâm làm việc nhiều hơn để đỡ đần. Và cứ thế, tuổi thơ và những hy sinh khổ cực của mẹ cứ ám ảnh trong em, cho đến bây giờ dù có khó khăn đến mấy thì em cũng sẽ vượt qua. Chỉ mong rằng, những nổ lực của em sẽ giúp cho ba mẹ luôn khỏe mạnh và bình an bên cạnh mình.