Giải Trí

Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng: 'Chồng cũ mê cờ bạc, đánh tôi đến bán sống bán chết'

Nhật Hưng
Chia sẻ

Cô cho biết chồng mình có máu đỏ đen “cứ mỗi lần kêu ổng ngừng đánh bài để trông con thì chị lại bị đánh tới tấp”. 

Sau cuộc đời của nam ca sĩ Lý Hải, chương trình Sau ánh hào quang tiếp tục hé lộ cuộc sống sau tấm màn nhung của nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng. Trải qua 15 năm viễn xứ, cô sẽ lần đầu tiên kể lại những đớn đau, tủi nhục của đời mình “Tôi không kể khổ hay tố giác ai cả. Chỉ mong khán giả xem đời tôi như một biển báo để tránh ngã vào hố sâu”.

Nghệ sĩ Thanh Hằng khóc nấc khi nhớ về quá khứ bị bạo hành.

Nghệ sĩ Thanh Hằng (áo trắng) bên cạnh em gái Ngân Quỳnh.

Từ năm 6 tuổi, Thanh Hằng đã phải chịu cảnh rày đây mai đó do cha mẹ chia tay. Cũng từ đó, cuộc đời cô truân chuyên suốt nhiều năm cùng bà ngoại, cô em cùng mẹ khác cha Ngân Quỳnh và niềm đam mê cải lương đã ăn sâu từ thưở nhỏ.

Cứ thế, thuở thiếu thời, Thanh Hằng chia xa người em thân thiết Ngân Quỳnh để gia nhập đoàn Thanh Nga với vai trò là một vũ công. Đợi mãi chẳng được hát, Thanh Hằng đã trốn đoàn “cô Ba Thanh Nga” để tìm cơ hội khác cho chính mình. Tại đoàn mới, Thanh Hằng sống tập thể cùng rất nhiều anh chị em khác. “Sợ người ta dụ dỗ khiến mình chửa hoang”, Thanh Hằng chấp nhận lấy người đàn ông làm nghề sắp ghế khán giả khi mới 16 tuổi. Cô nói: “Lúc đó thấy người ta thương mình thì lấy đại”. Năm 17 tuổi, Thanh Hằng mang thai đứa con đầu lòng.

Nghệ sĩ Thanh Hằng ngậm ngùi nhớ lại khoảng thời gian đau đớn nhất cuộc đời mình.

Tuy nhiên, chính cuộc hôn nhân đầu tiên đã hằn lên đời cô những vết bầm đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Khi ấy, Thanh Hằng và Ngân Quỳnh theo 2 đoàn hát khác nhau. Một lần gặp lại chị mình, Ngân Quỳnh tá hỏa khi tận mắt chứng kiến Thanh Hằng bị chồng đánh “mắt bầm tím, sưng to bằng cái chén”.

Đau đớn là thế nhưng vì quá mê hát, nghệ sĩ Thanh Hằng vẫn bất chấp lao lên sân khấu hát, bất chấp bộ dạng thảm thương của mình. Cô cho biết chồng mình có máu đỏ đen “cứ mỗi lần kêu ổng ngừng đánh bài để trông con thì chị lại bị đánh tới tấp”.

Trấn Thành cũng không kiềm được nước mắt khi nhìn thấy phận đời của đàn chị.

Thanh Hằng chịu đựng cảnh bạo hành đến “bán sống bán chết” từ năm này đến tháng nọ. Tuy nhiên, cô cam chịu vì bị ám ảnh bởi sự chia tay của cha mẹ mình. Cô sợ nếu mình dứt áo ra đi thì con mình sẽ chẳng còn nơi nương tựa, rày đây mai đó. Không những thế, Thanh Hằng chỉ ước được sống “một vợ một chồng” để xã hội không dị nghị mình là “thứ nghệ sĩ lắm chồng”. Cứ thế, cô nuốt mọi tủi nhục và đòn roi. Thanh Hằng kể: “Cứ đến dịp Tết, mọi người thường cờ bạc, ăn nhậu là chị lại sợ vì mình sẽ bị chồng đánh nhiều hơn”.

Nữ nghệ sĩ thú nhận: “Sân khấu là nơi an toàn nhất đối với chị. Nhiều lần hát xong, chị chỉ muốn đứng mãi trên đó vì vào cánh gà là thể nào cũng bị đánh”. Nỗi đau thể xác ấy kéo dài suốt 5 năm trời trước khi chị quyết định từ bỏ, chạy trốn lần thứ 3 trong cuộc đời mình…

Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng sinh năm 1959 trong một gia đình có truyền thống cải lương. Mẹ chị là nghệ sĩ Kim Hoa và bà ngoại là nghệ sĩ Tư Hélène. Các chị em Thanh Hằng là Ngân Quỳnh, Thanh Ngọc, Thanh Ngân cũng là nghệ sĩ cải lương.

Thanh Hằng nổi tiếng cùng thời với NSƯT Vũ Linh cùng các vở Người đẹp Bạch Hoa Thôn, Giọt lệ cố nhân, Tứ Tử Đăng Khoa, Một kiếp đọa đày, Xử án Trần Thế Mỹ, Cho trọn tình đầu, Hàn Mạc Tử, Thần đồng Lưu Minh Châu, Bọt biển, Lòng người đen bạc, Nổi oan Hoàng Hậu, Tóc mai sợi vắn…

Chị đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 1991 với vai nữ vương trong Truyền thuyết về tình yêu. Năm 1997, chị tiếp tục đoạt giải Mai Vàng với vở Duyên kiếp của soạn giả Hoàng Song Việt. Không chỉ vậy, Thanh Hằng còn tham gia đóng phim và ghi hình các băng đĩa hài rất ăn khách ở thời điểm bấy giờ.

Chia sẻ

Bài viết

Nhật Hưng

Tin mới nhất