Bình nóng lạnh là vật dụng quen thuộc và có mặt ở hầu hết gia đình khu vực đô thị. Thiết bị này giúp cung cấp nguồn nước ấm, nóng trong công việc sinh hoạt thường ngày của con người. Vật dụng đặc biệt cần thiết vào mỗi mùa lạnh.
Chỉ cần bật công tắc bình khoảng 15-20 phút, nước sẽ được tự động đun nóng theo nhiệt độ đã được cài sẵn. Khi đạt được đến độ nóng nhất định, rơ le sẽ tự động ngắt mạch điện.
Hoặc khi nước lưu trữ trong bình giảm đến mức nhất định cũng làm cho rơ le nhiệt đóng mạch để sợi đốt tiếp tục đun nước. Hoạt động này sẽ tiếp diễn và lặp đi lặp lại để có thể duy trì độ nóng của nước ở trong bình phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dùng.
Chính vì hoạt động lặp đi lặp lại này khiến bình nóng lạnh ngốn nhiều điện năng. Đây cũng là sản phẩm được đánh giá là tiêu thụ điện nhiều nhất trong số các sản phẩm điện lạnh.
Theo Tập Đoàn điện lực Việt Nam (EVN), một chiếc bình nóng lạnh có dung tích 20 lít khi bật 1 giờ/ngày, có thể tiêu tốn từ 70 - 80 KWh/tháng. Con số này nhiều hơn cả 1 chiếc tủ lạnh hoạt động 24/24, hay một chiếc máy tính để bàn hoạt động 12 giờ/ngày.
Để tiết kiệm điện khi sử dụng bình nóng lạnh, các chuyên gia chỉ ra một tuýp lưu ý nhỏ mà mọi người nên chú ý. Đó chính là nút điều chỉnh nhiệt độ bình nóng lạnh.
Các chuyên trang về bình nóng lạnh thông tin, bình nóng lạnh trực tiếp có mức nhiệt tối đa là 55 độ C; bình gián tiếp là 80 độ C, bình hồng ngoại là 51 độ C và bình năng lượng mặt trời là 70 độ C. Tuy nhiên, khi sử dụng, người dùng có thể điều chỉnh mức nhiệt độ của nước nóng tùy theo nhu cầu của bản thân. Thao tác này được dễ dàng thực hiện bởi thao tác với nút vặn nhỏ trên thiết bị.
Việc điều chỉnh nhiệt độ bình nóng lạnh này không chỉ giúp tiết kiệm điện mà còn an toàn hơn cho người dùng.
Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ (CPSC) khuyến nghị người dùng điều chỉnh bình nóng lạnh ở nhiệt độ không quá 120 độ F (tương đương 49 độ C) để tránh bị bỏng. Ngoài ra, nước ở nhiệt độ 60 độ C vẫn có thể sử dụng nhưng không nên sử dụng quá thường xuyên mà chỉ nên dùng trong các trường hợp đặc biệt.