Sức sáng tạo trong từng sản phẩm luôn là thứ “cộp mác” thương hiệu của mỗi nhà thiết kế, bởi nó là chất xám mà họ đã bỏ ra, nghiên cứu từng đường may, phom dáng, chất liệu vải… Thứ tưởng chừng như độc nhất vô nhị của mỗi người ấy lại xảy ra khá thường xuyên trong làng mẫu. Việc hy hữu xuất hiện sự đụng ý tưởng từ các NTK không chỉ có trên thế giới mà cả Việt Nam, thậm chí là NTK nước ngoài có những sản phẩm “na ná” hàng Việt.
Khi thì là chất liệu, lúc lại là phom dáng, màu sắc… Các thiết kế của Đỗ Mạnh Cường thường xuyên bị khán giả đặt lên bàn cân so sánh với những thương hiệu nước ngoài. Nếu “chẳng may” nhà thiết kế tài năng này cho ra đời sáng tạo của mình trước hẳn một mùa thì không sao, chứ lỡ đâu mà ra sau là thành đạo nhái liền. Vì đâu hầu hết mọi người lại có lối suy nghĩ quy chụp như vậy?
Đầu tiên, cần phải làm rõ 2 khái niệm, 1 là sự trùng lặp trong thời trang, 2 là việc đạo nhái. Sự trùng lặp trong thời trang vốn không phải hiếm gặp. Lâu nay làng thời trang thế giới cũng từng có những trường hợp trùng lắp như vậy. Tuy nhiên, giữa ý tưởng trùng lắp và sự giống nhau gần như tuyệt đối (đạo, nhái) là 2 phạm trù khác nhau. Nếu giống về ý tưởng nhưng sản phẩm sẽ có nhiều chi tiết khác nhau, mang đậm cá tính của NTK thì là trùng lắp ý tưởng. Còn nếu như giống nguyên si đến cả 90% thì có thể gọi là đạo, nhái.
Ở Việt Nam, không chỉ Đỗ Mạnh Cường mà các tên tuổi lớn như Công Trí, Lý Quí Khánh đến những cái tên ít người biết tới hơn: Chad Nguyễn, Linh San…đều đã từng gặp vấn đề về sự giống nhau đến bất ngờ giữa những thiết kế với các “ông lớn” của làng thời trang thế giới.
Công chúng Việt Nam vẫn chưa thực sự có cái nhìn thiện cảm và xác đáng về vấn đề này. Đối với họ, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam luôn còn quá non kém, thiếu sự chuyên nghiệp…nên cứ có vụ việc gì là y như rằng đổ lỗi cho nước mình trước nhất. Khoảng cách giữa “đạo nhái” và “trùng khớp ý tưởng” vô cùng mong manh, mà lạ cái cứ ai thấp cổ bé họng hơn thì bị quy chụp ngay là đi “ăn cắp” chất xám của người khác. Suy nghĩ quy chụp này có phần hơi nực cười không? Khi mà chính những ông lớn của làng mốt nhiều khi cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười này.
Mà chuyện đụng ý tưởng này thậm chí còn xảy ra với cả một thương hiệu. Chẳng đâu xa, cứ nhìn những cái tên hàng hiệu giá bình dân như: Zara, H&M, Topshop, Topman, Charles & Keith… là biết. Các thương hiệu này mỗi bộ sưu tập đều có các sản phẩm giống hoặc na ná với các nhà mốt nổi tiếng. Thế nhưng tại sao họ vẫn được chấp nhận trên thị trường? Phải chăng đó là do cái tư tưởng “sính ngoại” bấy lâu nay đã ăn vào suy nghĩ của người mua hàng. Không cần biết có đạo nhái hay không, cứ là thương hiệu nước ngoài đã bỗng dưng “miễn nhiễm” khỏi cuộc chiến ý tưởng rồi!
Thời trang cũng như những gì thuộc về phạm trù của nó hầu hết đều rất khó phân định và mang nặng sự chủ quan cảm tính của mỗi người nhìn. Vậy nên câu hỏi về “đạo nhái” và “trùng khớp ý tưởng” có vẻ như mãi mãi không có câu trả lời chính xác tuyệt đối 100% cho từng trường hợp. Cái nhìn về câu chuyện này chỉ là 1 chấm rất nhỏ trong bức trang toàn cảnh của làng mốt thế giới, tuy nhiên, các tín đồ thời trang hãy cái nhìn khoan thai và bình tĩnh trước những lời phán xét cay nghiệt dành cho ngành công nghiệp thời trang nước nhà. Đừng vội quy chụp, lên án hay “tố” họ.
Hãy nhớ:
Sự sáng tạo sẽ chỉ đến khi những cái đầu làm nghề được tự do, thoải mái và bay bổng nhất trong thế giới của riêng họ.