Thời trang là một "địa hạt" màu mỡ giúp các thương hiệu làm giàu từ nó. Tận dụng yếu tố này, hàng loạt những thiết kế mới đồng loạt sản sinh với tốc độ nhanh chóng, đáp ứng việc tạo xu hướng, tiếp cận thời đại.
Song, không phải sự hợp thời đó lại là yếu tố tiên quyết để chiếm cảm tình từ người tiêu dùng. Trong nhiều năm qua, hàng loạt những phong cách xưa cũ bất ngờ tái sinh, thậm chí còn tạo tiếng vang gấp bội phần. Vậy, nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng này?
Thời trang mang chu kỳ lặp lại 10 - 20 năm
Một trong khái niệm tưởng chừng xa lạ nhưng lại khá thân quen khi tiếp cận thời trang chính là "chu kỳ 10 năm" hoặc "chu kỳ 20 năm". Hai con số này phản ánh cho khoảng thời gian trung bình để một xu hướng thời trang trong quá khứ được tái sinh. Nhiều phong cách đình đám trong tập niên 80 - 90 đang được loạt tín đồ thời trang tích cực "lăng xê".
Theo nhận định từ một số chuyên gia thời trang, những xu hướng thời trang mới đều có sự tham khảo và cải biến từ quá khứ. Đồng thời, "địa hạt" này cũng chịu không ít những tác động trực tiếp của mạng xã hội. Sự phát triển nhanh mạnh của chúng khiến thời trang cũng tức tốc đẩy nhanh việc sản xuất mặt hàng thời trang.
Tuy nhiên, ý tưởng của con người luôn có giới hạn, không thể sản sinh liên tục trong môi trường thời trang khắc nghiệt đòi hỏi loạt nhà thiết kế phải có phương án dự phòng. Để đáp ứng nhanh gọn nhất chính là việc khai thác lại những thiết kế cổ điển, xoá nhoà khái niệm "ăn mặc theo mùa".
Người tiêu dùng có trách nhiệm hơn với môi trường
Sự ra đời của nhiều mặt hàng thời trang nhanh gây tác động lớn dẫn đến việc ô nhiễm môi trường. Nhằm giảm thiểu yếu tố này, người tiêu dùng cũng nên góp chút nhỏ công sức. Đơn cử nhất chính là việc chọn lựa những thiết kế secondhand, tái chế hoặc diện lại đồ xưa cũ.
Việc này đại diện rõ nét cho mối "quan hệ cung cầu". Khi người tiêu dùng giảm bớt nhu cầu sử dụng những mặt hàng thời trang nhanh sẽ khiến các thương hiệu cắt giảm đi lượng sản xuất. Nhờ vậy, ngành thời trang cũng giảm thiểu đi phần nào ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Thời trang cần đi kèm với chất lượng và tính bền bỉ
Ngoài vấn đề môi trường, tín đồ thời trang còn đặc biệt quan tâm đến chất lượng, tính bền bỉ và độ phù hợp với "túi tiền". Yếu tố này không mang tính đánh đồng cho việc những sản phẩm thời trang nhanh kém chất lượng.
Tuy nhiên, các thiết kế cổ điển hoặc tái chế đa phần sẽ được sản xuất cẩn thận, chất liệu dày dặn và tiêu tốn nhiều thời gian thực hiện. Tuổi thọ của nó sẽ lâu dài hơn nên mới có khả năng bền đẹp khi trải qua một khoảng thời gian dài hàng chục năm của dòng chảy thời trang.
Đặc biệt, không "đu trend" cũng sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm về khoản kinh tế. Bởi lẽ, khi muốn trở thành người hợp thời đồng nghĩa với việc họ phải chi ra một số tiền khá lớn để sở hữu nhanh chóng một món hàng thời trang khi nó vừa mới ra mắt.
Xem thêm: Xu hướng xuyên thấu, trễ nải, lông vũ 'xâm chiếm' thảm đỏ LHP Venice 2024