Tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng đại dịch COVID-19 đã được khống chế nhưng vẫn để lại rất nhiều thách thức. Khoảng thời gian giãn cách xã hội quá dài, và ở mỗi đất nước lại có chính sách khác nhau khiến cho mọi thứ trên toàn cầu đều bị đình trệ. Các cửa hàng đóng cửa, các sự kiện bị hủy bỏ, nguồn cung ứng bị đứt quãng, tất cả những khó khăn này khiến cho các doanh nghiệp buộc phải sáng tạo hơn để có thể thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ.
Sau đại dịch, người tiêu dùng không còn lạ lẫm với xu hướng mua hàng trực tuyến nữa (kể cả với các mặt hàng có giá trị cao). Trong hai năm qua, khách hàng không có cách nào khác ngoài mua hàng qua các nền tảng số. Khoảng thời gian mua sắm này đã giúp họ hình thành sự tin tưởng với các sàn thương mại điện tử. Số lượng người mua trực tuyến ngày qua ngày đều tăng lên ổn định. Các thương hiệu đã biết cách chủ động tiếp cận với khách hàng qua nhiều kênh số thay vì mong chờ khách tự tìm đến cửa hàng trực tiếp.
“Một yếu tố quan trọng khác chúng ta cần tính đến là sự gia tăng dân số nữ do phụ nữ có xu hướng tham gia nhiều hơn vào quá trình này. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng cũng là một yếu tố quan trọng giúp thị trường tăng trưởng”, Milind Mathur, Giám đốc Sáng tạo & Đối tác, Kohinoor Jewelers & Kohgem chia sẻ về tương lai của ngành trang sức.
Ngày nay, người tiêu dùng có xu hướng thích đầu tư vào các món đồ trang sức thời trang cao cấp. Họ muốn một thứ gì đó đặc biệt, nổi trội, dễ dàng khiến họ trở nên thu hút trong đám đông. Sản phẩm phải khiến họ hài lòng ngay lập tức và giúp họ xây dựng sự tự tin.
Trước đây, các công ty chỉ tung sản phẩm ra thị trường và khách hàng thì không bao giờ biết đằng sau cánh gà có gì. Đến năm 2022, thể hiện cho khách hàng thấy quá trình sản xuất, lên kế hoạch, thiết kế bỗng nhiên trở thành mắt xích Marketing không thể thiếu của các hãng trang sức. Các doanh nghiệp phải cho khách hàng biết rõ họ sắp mua thứ gì. Các khách hàng thuộc thế hệ Gen Y có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm an toàn cho môi trường, và trang sức cũng không ngoại lệ trong trường hợp này. Họ muốn các thương hiệu đảm bảo rằng các sản phẩm mà họ đang sử dụng không có tác động tiêu cực đối với môi trường.
Một xu hướng quan trọng khác chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài là “thiết kế riêng”. Khách hàng yêu thích các món trang sức lấp lánh trưng bày ngoài cửa hàng nhưng họ còn thích các món đồ được làm riêng, độc nhất hơn thế nữa. Họ muốn tự vẽ ra thiết kế rồi yêu cầu hãng trang sức làm cho mình. “Thiết kế riêng” được các chuyên gia trang sức dự đoán sẽ là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ khi người tiêu dùng Gen Z (trẻ tuổi, cá tính, thích sự độc nhất) “xâm chiếm” thị trường.
Chúng ta cũng cần phải bàn về câu chuyện bình đẳng nam, nữ trong thế giới trang sức. Đã qua rồi đồ trang sức chỉ dành cho phụ nữ. Giờ đây, các nhà sản xuất cũng đang năng nổ thiết kế các dòng sản phẩm dành cho nam giới và quảng bá với khẩu hiệu đề cao sự bình đẳng. Đồng hồ, nhẫn cưới, vòng cổ…các thương hiệu trang sức đầu tư cho từng mặt hàng này và nhắm thẳng đến tập khách hàng nam giới.
Theo thời gian, người tiêu dùng đã trở nên thoải mái hơn khi mua sắm trang sức trực tuyến và cũng mua với số lượng lớn hơn so với 3 năm trước. Các doanh nghiệp trang sức kỳ vọng xu hướng này sẽ phát triển với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, các thương hiệu và nhà sản xuất đồ trang sức tầm trung đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề vì không nhận được sự tin tưởng từ người tiêu dùng. Họ cần phải làm việc chăm chỉ hơn nếu muốn trở thành một phần trong cuộc đua trang sức đầy cam go này.
Xem thêm: Hà An Huy: "Tôi rùng mình khi viết nhạc tri ân người bạn qua đời vì trầm cảm".