Vì sao Zara thất thủ?
Kể từ sau khi khai trương, cửa hàng đầu tiên của Zara tại Việt Nam luôn trong tình trạng đông nghẹt thở với hàng ngàn lượt mua sắm. Diện tích lớn cộng với số lượng hàng hóa không hề ít nhưng dường như mặt hàng của Zara không hề đủ cho nhu cầu của các tín đồ shopping.
Điểm mạnh lớn về giá cả và mẫu mã mới khiến bất kể ai đặt chân tới đây cũng muốn “vác” về cả đống hàng hóa cho thỏa cơn mua sắm và mong chờ suốt mấy tháng trời. Từng túi lớn, túi nhỏ và hàng bill dài dằng dặc đủ để chứng tỏ sức hot của thương hiệu này. Những người tới mua hàng ở đây thậm chí phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ để tới lượt thanh toán. Không kể giờ nào, hàng người xếp hàng nối đuôi nhau đang là cảnh tượng dễ thấy nhất tại store của Zara.
Ngoài những điểm cộng trên, nếu quan sát kĩ hơn một chút có thể thấy được sự thiếu sót quá lớn của những người mua hàng khi tới với Zara. Nói rộng hơn ở đây chính là văn hóa mua hàng của người Việt Nam - vấn đề mấu chốt được nhắc đi nhắc lại cả ngàn lần nhưng chẳng hề có sự cải thiện nào cả.
Có hơn 20 nhân viên luôn tất bật tại Zara cũng không thể nào chiều lòng được hàng trăm lượt khách ra vào. Họ ngắm đồ, soi xét từng cái tag giá, cầm lên đặt xuống phân vân không biết bao nhiêu lần, và rồi quyết định cuối cùng là không mua chúng. Đây là chuyện thường thấy, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, khi không mua, phần lớn các vị khách đều… “tiện tay” quăng món đồ ở bất cứ chỗ nào họ muốn! Hàng hóa lộn xộn, không được để lại ngay chỗ ban đầu, tất cả cũng chỉ bởi thói quen “tiện đâu vứt đấy” của người Việt mình khi mua sắm.
Xem loạt hình dưới đây, liệu bạn còn muốn chọn đồ ở những đống hàng lộn xộn và chất thành núi như vậy hay không?
Hơn thế nữa, một số khách hàng tới Zara không hiểu do quá bận, quá vội vàng hay sao mà họ… phải đứng ngay bên ngoài thử đồ như vậy. Đây là một trong những điều khá không hay và thậm chí là gây phản cảm với những người xung quanh, đặc biệt là các khách hàng ngoại quốc tới đây.
Nói chung, phần lớn thì cảnh nhộn nhạo như ong vỡ tổ ấy thường xuất hiện ở tầng hàng dành cho các chị em phụ nữ vì đây là bộ phận có nhu cầu mua sắm nhiều hơn cả. Thế nhưng không vì vậy mà cánh đàn ông khá khẩm gì hơn. Vô cùng bất ngờ khi cái văn hóa mua hàng “nâng lên đặt xuống” này cũng xảy ra ở đấng mày râu.
Thay đổi nhỏ, ý nghĩa lớn!
Đây không phải là câu chuyện mới, thậm chí ở cả những nước phát triển trên thế giới, người Việt Nam rất hay bị phàn nàn về văn hóa xếp hàng cũng như mua hàng. Tuy rằng không phải ai khi mua hàng cũng có những hành động thiếu ý thức, nhưng tâm lí khi vào cửa hàng quần áo mua sắm, việc sắp xếp đồ thuộc về trách nhiệm của nhân viên đã khiến phần đông người Việt trở nên hơi “vô tư”, gây nên hình ảnh không đẹp mắt tại Zara. Thậm chí, khi các nhân viên có động thái nhẹ nhàng nhắc nhở, cũng sẽ gây nên sự khó chịu đối với các vị khách vốn có suy nghĩ thế này.
Vào các kì sale tại store Zara ở các nước, tình trạng xếp hàng chờ đợi là không hề mới, thậm chí các tín đồ shopping còn sẵn sàng đợi chờ cả đêm để được là một trong những lượt khách đầu tiên đi mua sắm. Tuy nhiên, đó là câu chuyện bên ngoài cửa hàng, khi đã đặt chân vào store, đa phần khách hàng đều rất “bình tĩnh” khi chọn lựa. Các tín đồ shopping Việt Nam thường xuyên mua sắm tại nước ngoài cũng cho biết: “Không khí mua sắm dù nhộn nhịp, nhưng vẫn rất trật tự, gọn gàng, và hàng hóa đều được để lại đúng chỗ khá đẹp mắt.”
Vậy ngoài tâm lí mua sắm thường thấy, đâu là lí do khiến tình trạng tại Zara trở nên hỗn loạn? Có thể nói đây là kết quả của “hiệu ứng dây chuyền”, nói dễ hiểu hơn thì là “anh làm được, tôi cũng làm được”. Nếu đặt để mỗi vị khách vào một không gian khác, một văn hóa ứng xử khác, cụ thể là store Zara tại các nước khác, nơi không có quá nhiều người cùng “auto” ngắm-và-quăng, thì câu chuyện sẽ diễn ra theo hướng “đẹp mắt” hơn. Vậy nếu tất cả các tín đồ shopping đều tập cho mình sự “bình tĩnh”, khởi đi từ việc rất nhỏ là đặt món đồ mình vừa xem vào đúng chỗ và gọn gàng, thì hành động này sẽ cực kì có sức lan tỏa đến những người mua sắm xung quanh. Dần dần, thay đổi hẳn thói quen mua sắm chưa đẹp của phần đông khách hàng.
Mỗi một người mua hàng hãy tự giác văn minh bằng việc đơn giản nhất đó chính là để lại vị trí món đồ nguyên hiện trạng, mọi việc tự nhiên sẽ được cải thiện, và hơn thế nữa, chúng ta sẽ tạo ra được cả một cộng đồng mua sắm văn minh!