Hiện nay top 18 Trang phục dân tộc đã được ban giám khảo cuộc thi lựa chọn và gần như top 3 đã có kết quả. Tuy nhiên năm nay ban tổ chức xây dựng theo chương trình truyền hình thực tế phát sóng online theo từng tập, nên top 3 đang là một ẩn số thú vị khiến nhiều người không khỏi “đoán già đoán non”.
Hiện tại bộ ba thiết kế “Cánh Diều Vàng - Hoa Sen - Cò” được dự đoán sẽ là ba mẫu có cơ hội được đi tiếp. Mặc dù từng làm mưa làm gió với lượt vote “điên đảo” trên mạng xã hội khi vừa lên sóng nhưng đến nay “Bàn thờ” đã bị thất sủng khiến số phận của bộ trang phục này đang đứng bên bờ vực bị “khai tử”.
Không phải ngẫu nhiên mà tình thế xoay ngược như thế. Với ý tưởng nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, “Bàn Thờ” lấy ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nên nhiều người cho rằng tác phẩm đã làm những điều kiêng kỵ. Đó là nguyên nhân bộ trang phục phải đối diện với một làn sóng chê bai thậm chí là chỉ trích dữ dội.
Từ khán giả - những người không có chuyên môn chỉ đánh giá qua trực quan, cho tới những người nắm trong tay đủ chuyên môn đều nghĩ đó là một ý tưởng độc đáo nhưng để nói là một tác phẩm mang giá trị nghệ thuật thì chưa đủ. Một tác phẩm chứa đựng yếu tố văn hóa - con người Việt Nam lại càng không thể.
Nhận định đánh giá về bản vẽ trang phục Bàn thờ, Họa sĩ Vi Kiến Thành Cục trưởng cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VH-TT&DL đã có bài trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Việt Nam.
“Đối với trang phục Bánh Mì người ta có thể chấp nhận được. Nhưng với việc đưa vật dụng của bàn thờ vào một bộ trang phục là một ý tưởng thô thiển. Tôi nghĩ bộ trang phục này không nên sử dụng. Bộ trang phục vừa đạt yêu cầu về mặt thẩm mỹ vừa có yếu tố văn hóa, mang tính sáng tạo độc đáo ,mới lạ tất cả đều phụ thuộc vào tài năng của người thiết kế. Người thiết kế phải có một tầng văn hóa nhất định”. Cục trưởng cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm chia sẻ.
Đồng tình với chuyên gia, một khán giả phân tích: “Không ai cho người sống vào một khung ảnh rồi đưa họ lên bàn thờ cả. Đó là yếu tố tâm linh và hoàn toàn không được tán dương trong đời sống hàng ngày. Hơn nữa phong tục thờ cúng không không phải là cái quá đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Rất nhiều nước trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á có nền văn hóa như vậy”. Trước đó nhiều nhà thiết kế, giảng viên Đại học cũng bày tỏ quan ngại về mẫu thiết kế Bàn thờ.
Về phía Ban giám khảo, những người sẽ trực tiếp đánh giá và chọn ra top 3 trang phục xuất sắc nhất cũng không đánh giá cao Bàn Thờ như: chưa tạo được dấu ấn Việt Nam, không có tính thẩm mỹ cũng như quá mạo hiểm nếu trình diễn sân khấu. Về phía nhân vật chính sẽ trình diễn bộ trang phục năm nay là Hoàng Thùy cũng không “cảm” được Bạn Thờ. “Nếu phải mặc, Thùy thấy rất sợ. Thùy không biết mình có dám mặc không, sợ đang đi bỗng chân tay rụng rời, mặt mũi trắng toát”. Hoàng Thùy chia sẻ.
Với thiết kế nói riêng và nghệ thuật nói chung thì việc khai thác ý tưởng từ trong đời sống là rất tốt, nhưng người phải có chọn lọc và biến tấu sao cho phù hợp với nội dung và thông điệp muốn truyền tải. Như vậy những giá trị tinh túy trong tác phẩm mới thực sự phát huy tác dụng.