Ban đầu, đồng phục ra đời với ý nghĩa là biểu tượng cho tính trật tự và uy tín xã hội. Qua thời gian, những bộ cánh vốn chỉ được mặc ở trường ngày càng có sức ảnh hưởng lớn trong cả thời trang chính thống và văn hóa đại chúng.
Đặc biệt, những bộ đồng phục dành cho nữ sinh liên tục có những phiên bản nâng cấp táo bạo, phá vỡ hàng loạt ranh giới, cả tiêu cực và tích cực, trong văn hóa đại chúng. Đồng phục nữ sinh không chỉ tồn tại trong lớp học mà còn là một khía cạnh thời trang có lịch sử lâu đời và sâu sắc.
Quá trình phát triển của đồng phục nữ sinh
Các học sinh nam đã quen với đồng phục từ thế kỷ 16, nhưng phải đến những năm 20s các nữ sinh phương Tây mới được mặc chúng vì trước đó tiếp xúc với nền giáo dục là một điều hết sức xa xỉ đối với phụ nữ. Đồng phục của họ là một chiếc “middy” (kiểu áo blouse trắng rộng, với phần cổ giống đồng phục thủy thủ) và một chiếc váy xếp ly dài quá đầu gối.
Đến những năm 30 và 40, đồng phục nữ bắt đầu có nhiều thiết kế phong phú hơn. Một số bộ còn được lấy cảm hứng từ thời trang nam và đồng phục của nam sinh. Các nữ sinh vị thành niên thường mặc áo blazer nhiều lớp với phù hiệu thêu trên túi ngực. Trong thập kỷ sau, các đường viền áo và họa tiết kẻ sọc nhanh chóng phủ sóng rộng rãi trong các thiết kế đồng phục dành cho nữ sinh.
Năm 1947, Christian Dior thay đổi bộ mặt thế giới thời trang với loạt diện mạo mới trong New Look. Bộ váy chiết eo, chiều dài ngang đầu gối với các nếp ly tinh tế của Dior sau đó đã trở thành hình mẫu của đồng phục nữ sinh hiện đại. Cuối những năm 40s và đầu 50s chính là thời điểm lịch sử đánh dấu sự ra đời của thời trang nữ sinh “tinh túy” mà chúng ta biết đến và công nhận cho đến tận ngày nay. Những chiếc váy kẻ sọc, váy tartan và áo cánh cổ Peter Pan trở nên phổ biến và được yêu thích trong suốt nhiều thập kỷ.
Từ những năm 50 cho đến nay, đồng phục nữ sinh liên tục có những phiên bản mới, xinh xắn, giản dị, sang chảnh và thậm chí là kỳ quặc. Ở trường học phương Tây, đồng phục thường gắn liền với các ngôi trường tư thục đắt đỏ nên các nữ sinh học tập tại đó càng muốn thể hiện cái tôi khác biệt của mình.
Đồng phục không còn là biểu tượng cho sự công bằng, không phân biệt tầng lớp xã hội, mà trở thành công cụ để các “cậu ấm cô chiêu” phô bày sự giàu có, đặc biệt của bản thân. Từ bộ đồng phục nguyên bản của trường, họ sẽ tự “nhào nặn” chúng với các phụ kiện bắt mắt để thể hiện sự nổi loạn hoặc sáng tạo của mình. Váy cắt ngắn so với độ dài tiêu chuẩn, phụ kiện nhiều lớp và túi xách đắt tiền là những quy tắc ngầm của các tiểu thư trong trường.
Ở Nhật Bản, nhiều nữ sinh lại lựa chọn chạy theo Kogyaru để thể hiện bản thân. Kogal (kogyaru) là một văn hóa thời trang của Nhật Bản nói về việc nữ sinh mặc trang phục dựa trên đồng phục học sinh Nhật Bản (hoặc đồng phục thực tế của họ) nhưng với váy rất ngắn. Họ mặc những chiếc váy ngắn này trong tất cả các mùa trong năm. Họ cũng đi tất cao, đeo khăn quàng cổ lớn và nhuộm tóc.
Nói một cách tích cực thì sự “vượt rào” này cũng mang đến cho nữ sinh niềm vui nho nhỏ về khía cạnh sáng tạo, thay vì cảm giác ủ rũ vì phải mặc bộ đồng phục buồn tẻ ngày qua ngày.
Thời trang nữ sinh bước lên sàn diễn thời trang cao cấp
Làm thế nào mà bộ đồng phục trường học lại có thể xuất hiện trên các sàn diễn thời trang cao cấp và các cửa hàng bán lẻ sang trọng? Câu trả lời cho bạn là đồng phục nữ sinh rất đa dạng và có tuổi thọ vượt thời gian.
Các nhà thiết kế như Prada và Saint Laurent đã sớm nhận thấy tiềm năng trong việc hiện đại hóa bộ đồng phục đơn giản. Đồng phục nữ sinh giống như một tấm vải trắng, một chuẩn mực thời trang cơ bản và tuyệt đẹp, giúp các nhà thiết kế được thỏa sức sáng tạo, phóng tay thử nghiệm nghệ thuật mà không lo làm mất đi tinh thần chính của chúng: sự trẻ trung. Ngày nay, không chỉ những người ở độ tuổi đi học mới mặc đồng phục. Tất cả các cô gái muốn thể hiện sự giàu có, năng động, trẻ trung đều không thể thiếu một bộ cánh high fashion được lấy cảm hứng từ đồng phục nữ sinh.
Mười lăm năm trước, bộ phim “Gossip Girl” xuất hiện và trở thành một cơn sóng lớn trên truyền hình cũng như tủ quần áo của chúng ta. Bối cảnh của phim là trường học nhưng các nhân vật đều được mặc quần áo high fashion, thậm chí là những thiết kế mới nhất. Cho đến tận bây giờ, những bộ đồng phục được “xa xỉ hóa” một cách khéo léo của tiểu thư Blair Waldorf vẫn là thước đo chuẩn mực nhất cho các nữ sinh sang chảnh. Sự thành công của bộ phim khiến các ông lớn trong ngành thời trang “tranh nhau” gửi quần áo, phụ kiện đến tài trợ. Kết quả là chúng ta có những item và định hướng thời trang không hề lỗi mốt suốt hơn một thập kỷ.
Cứ như vậy, thời trang nữ sinh và thời trang cao cấp được kết nối với nhau một cách tự nhiên, hòa thuận, song hành cùng phát triển.
Sự phổ biến trong văn hóa đại chúng
Từ bộ đồ kẻ sọc mang tính biểu tượng của Cher Horowitz trong phim “Clueless” đến bộ trang phục lộng lẫy của Britney Spears trong “Baby One More Time”, những khoảnh khắc văn hóa đại chúng đáng nhớ như vậy là minh chứng không thể phủ nhận cho tầm ảnh hưởng lâu đời của đồng phục nữ sinh.
Thời trang là sự quay vòng và xu hướng “preppy” đang trở lại vô cùng rầm rộ trong những năm gần đây. Nếu như trước kia, phong cách preppy được mặc định là phong cách dành cho các học sinh, sinh viên đang đi học thì hiện nay nó đã vượt ra khỏi ranh giới trường học thực sự trở thành phong cách mang tính ứng dụng cao và thích hợp với nhiều người. Phong cách preppy là sự kết hợp của các trang phục mang một chút cổ điển, đơn giản và gọn gàng.
Ở những thập kỷ trước, đồng phục nữ sinh được sinh ra để đáp ứng một nhu cầu chức năng đơn thuần (mặc đến trường), nhưng qua thời gian, chúng đã phát triển rực rỡ và mạnh mẽ để trở thành một gu thẩm mỹ cao cấp, linh hoạt, có tính ứng dụng cao.
Xem thêm: Á hậu Phương Nhi tiết lộ u mê Isaac: 'Em chưa thấy ai đẹp trai như ảnh'