Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Thời trang

Thời trang nhanh không hề rẻ - môi trường sống đang phải trả giá đắt

Thời trang nhanh có giá rẻ khi đến tay người dùng nhưng môi trường sống, người lao động đang phải âm thầm trả giá cho điều đó.

Ngành công nghiệp thời trang mang tới cho chúng ta những hình ảnh hào nhoáng, lấp lánh, nhưng song song với thế giới đó là cuộc khủng hoảng khí hậu, sự xuống cấp của môi trường và sự bất công trong quyền của người lao động đang âm ỉ.

Thời trang nhanh không hề rẻ - môi trường sống đang phải trả giá đắt Ảnh 1

Chịu trách nhiệm về một tỷ tấn carbon ước tính mỗi năm, sử dụng một lượng lớn vật liệu nguyên sinh, thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng tràn lan, ngành công nghiệp thời trang đang làm hao mòn hành tinh của chúng ta.

Thời trang là ngành sản xuất lớn thứ ba thế giới, chịu trách nhiệm tới 10% lượng khí thải toàn cầu. Một chiếc áo phông polyester tạo ra khoảng 5,5 kg CO2; một chiếc áo sơ mi cotton nguyên chất được sản xuất tại Trung Quốc ước tính tạo ra gần 9 kg CO2.

Thời trang nhanh không hề rẻ - môi trường sống đang phải trả giá đắt Ảnh 2

Để đáp ứng nhu cầu muốn mua quần áo mới và rẻ, các nhà bán lẻ thời trang liên tục mở rộng các cơ sở sản xuất ra nước ngoài, điều này càng làm trầm trọng thêm tác động xấu của ngành thời trang lên môi trường. Trước đây, người tiêu dùng có xu hướng “mặc, hỏng, sửa lại” nhưng giờ họ lại chọn “mặc, hỏng, mua mới”. Họ nhận thấy rằng trong thời đại này mua mới quần áo thì rẻ hơn là bỏ phí ra sửa chữa. Các xu hướng mới liên tục được cập nhật khiến khách hàng có cảm giác mỗi món đồ chỉ có thể dùng một lần. Các chuyên gia ước tính sẽ có khoảng 200 triệu tấn quần áo ở Vương quốc Anh bị chôn vùi trong bãi rác hoặc lò đốt mỗi năm, thay vì được sửa chữa hoặc quyên góp. 

Thời trang nhanh không hề rẻ - môi trường sống đang phải trả giá đắt Ảnh 3

Ngoài lượng quần áo khổng lồ mà con người đang tiêu thụ, các loại vật liệu được sử dụng cho việc sản xuất (và chuỗi cung ứng) cũng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Polyester và các vật liệu nhựa được sử dụng trong quần áo không thể phân hủy sinh học, có nghĩa là quần áo có thể tồn tại từ 20 đến 200 năm trong môi trường. Chúng cũng có nguồn gốc từ dầu mỏ và bạn biết rằng ngành công nghiệp dầu mỏ là ngành gây ô nhiễm lớn nhất thế giới. Theo một nghiên cứu của Đại học Plymouth, khoảng 700.000 sợi nhỏ trong nước giặt quần áo tổng hợp có thể được giải phóng, xâm nhập vào biển, đại dương và hệ sinh thái của chúng ta. Từ đỉnh núi cao nhất đến đại dương sâu nhất, cả Đỉnh Everest hay Rãnh Mariana đều có khả năng bị ô nhiễm vi nhựa.

Bông phân hủy sinh học cũng là một vấn đề. Theo báo cáo năm 2022 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ trên toàn cầu, 35 triệu ha bông đang được canh tác. Hầu hết số bông này đều được sản xuất với sự hỗ trợ “nhiệt tình” từ thuốc trừ sâu, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm. Quá trình sản xuất cũng tiêu tốn nhiều nước, làm suy giảm các con sông và làm cạn kiệt nguồn nước ngầm. Tác động mạnh mẽ nhất khi nói đến việc tưới bông có thể được nhìn thấy với sự suy giảm 85% của Biển Aral, hủy hoại môi trường sống của động vật hoang dã, quần thể cá và sinh kế.

Thời trang nhanh không hề rẻ - môi trường sống đang phải trả giá đắt Ảnh 4

Đối với vải denim, một chiếc quần jean ra đời đòi hỏi chúng ta sử dụng đến 3.781 lít nước. Thuốc nhuộm có khả năng gây ung thư được sử dụng trong quần jean cuối cùng sẽ thải ra môi trường, đe dọa động vật hoang dã và gây rủi ro cho sức khỏe và sự an toàn của người lao động. Người ta cần thực hiện quá trình phun cát để tạo ra kiểu quần jean bụi, rách và điều này sẽ dẫn đến việc sinh ra hạt mịn có thể đi vào phổi của người lao động.

Thời trang nhanh không hề rẻ - môi trường sống đang phải trả giá đắt Ảnh 5

Chúng ta cần phải hiểu rằng thời trang nhanh thật ra không hề rẻ, một ai đó hoặc một thứ gì đó đang phải trả giá cho chúng. Trong nhiều thập kỷ, thời trang nhanh thường được sản xuất ở các quốc gia có chính sách hạn chế về quyền của người lao động. Một số công ty còn sẵn sàng chuyển cơ sở sản xuất từ nơi này sang nơi khác miễn sao tìm thấy nguồn lao động có chi phí rẻ hơn. Mức lương của công nhân may mặc thường thấp hơn mức lương đủ sống ở quốc gia của họ, có nghĩa là người lao động không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản như đóng tiền thuê nhà, mua thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và chi trả giáo dục. Họ thường phải làm việc 14-16 giờ mỗi ngày, bảy ngày một tuần và có thể làm thêm đến 3 giờ sáng để đuổi kịp tiến độ do hãng thời trang đưa ra. Tai nạn, hỏa hoạn, thương tích và bệnh tật cũng thường xuyên xảy ra trên các địa điểm sản xuất dệt may.

Theo Unicef, trong 170 triệu trẻ em lao động trên thế giới có rất nhiều em liên quan đến việc sản xuất hàng dệt may. Đây là một vấn đề đặc biệt cần được nói đến trong ngành thời trang vì phần lớn chuỗi cung ứng đòi hỏi lao động có kỹ năng thấp và có nhiều công việc được coi là phù hợp với trẻ em hơn là người lớn.

Thời trang nhanh không hề rẻ - môi trường sống đang phải trả giá đắt Ảnh 6

Các doanh nghiệp cần phải xem xét lại cách làm việc và chịu trách nhiệm về tác động của họ đối với môi trường sống và quyền của người lao động. Một báo cáo của Ủy ban Kiểm toán Môi trường năm 2019 đã kết luận rằng các sáng kiến trách nhiệm xã hội tự nguyện của doanh nghiệp không mang lại cải thiện đáng kể trong vấn đề trả lương, điều kiện làm việc và giảm thiểu chất thải. Đã đến lúc các chính phủ phải đưa ra các quy định bắt buộc về chuỗi cung ứng, yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ theo. Ủy ban Kiểm toán Môi trường khuyến nghị cải cách thuế như một cách khuyến khích cho các công ty thời trang tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường và phạt những công ty không làm như vậy. Cũng có lời kêu gọi các công ty nên sử dụng bông thông thường thay cho bông hữu cơ và chuyển từ polyester nguyên sinh sang PET tái chế để giúp giảm tác động tiêu cực lên môi trường.

Là người tiêu dùng, chúng ta đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường. Bạn không cần phải hoàn toàn ngừng mua sắm nhưng hãy sẵn sàng lên tiếng chống lại các khía cạnh độc hại của ngành công nghiệp thời trang và cam kết sửa chữa, thiết kế lại, tái sử dụng, tái chế, mua hàng từ các thương hiệu thời trang bền vững.

Xem thêm: Thuỳ Tiên vạch trần ma trận của “bầu show” nhằm dâng người đẹp cho đại gia.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Minh

Được quan tâm

Tin mới nhất