Cách đây 100 năm, một người thợ làm giày phất lên từ nghèo khó có tên Salvatore Ferragamo đã rời bỏ quê nhà tại Ý để đến Mỹ. Ông là người khởi xướng cho hình thức quảng cáo đặt sản phẩm trong những bộ phim Hollywood bằng cách làm giày cho các minh tinh màn bạc như Greta Garbo và Marilyn Monroe. Thành công đến quá nhanh khiến ông không đảm đương nổi các đơn hàng, đồng thời các công nhân ở Mỹ cũng không thể làm ra những đôi giày đúng với yêu cầu của Salvatore.
Năm 1927 ông quyết định trở về Ý và chọn thành phố Florence, vùng đất giàu truyền thống nghề thủ công, để bắt đầu lại sự nghiệp. Ông mở một công xưởng tại đây và áp dụng kỹ thuật, dây chuyền sản xuất hiện đại đã học được ở Mỹ cùng những người thợ lành nghề làm ra những đôi giày xuất ngược sang Mỹ. Tuy nhiên, cuộc đại khủng hoảng năm 1929 đã phá hỏng mối quan hệ giao thương với thị trường Mỹ. Đồng thời những quyết định sai lầm về quản lý khiến xưởng đóng giày của ông phải đóng cửa và ông bị buộc phá sản năm 1933. Dù vậy, Salvatore không hề nản lòng. Salvatore quyết định chuyển sang tấn công vào thị trường nội địa. Ông đã xoay chuyển tình thế bằng tài năng, lòng quyết tâm và uy tín trong kinh doanh.
Dẫu cho có chậm chạp trong việc trả nợ, ông vẫn cam kết sẽ trả hết nợ, sau đó công việc kinh doanh của ông dần phục hồi. Lúc bấy giờ, ông cần mặt bằng để xây dựng nhà xưởng. Thế là ông quyết định thuê tòa nhà Palazzo Spini Feroni tráng lệ. Khi có cơ hội mua nó, ông cho rằng quyết định ấy tuy mạo hiểm nhưng rất đáng để thử. Sau chín lần trả góp, Salvatore đã thanh toán hết tiền mua nhà. Người chủ nhà gần như vỡ òa khi nhận được số tiền thanh toán cuối cùng. Người này bày tỏ: “Tôi chẳng tin anh có thể trả hết nợ. Mọi người cũng khiến tôi tin như thế. Tôi thậm chí còn tin chắc rằng anh không thể thanh toán kỳ nợ thứ tám”. Salvatore đã vô cùng biết ơn người chủ nhà vì đã đặt niềm tin nơi ông. Từ khi tòa nhà Palazzo Spini Feroni chính thức thuộc về quyền sở hữu của Salvatore, ông liên tiếp gặt hái được nhiều thành công.
Năm 1936, Ý bị áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế do chế độ phát xít Mussolini khiến vật liệu ở đây trở nên khan hiếm. Vì thế, Salvatore Ferragamo thử nghiệm trên những chất liệu như bần, gỗ, dây kim loại, sợi cọ, nhựa trong tổng hợp, ren và thậm chí là da cá để thay thế da và thép là hai nguyên liệu bị cấm buôn bán lúc bấy giờ. Salvatore Ferragamo cho ra đời loại giày đế xuồng làm từ gỗ bần, dày nhưng rất nhẹ. Sau Thế chiến II, Salvatore còn sáng chế ra nhiều kiểu giày độc đáo có sức ảnh hưởng đến các thiết kế giày cho đến ngày nay.