Nhiều người cho rằng bán các sản phẩm thời trang nhanh với mức giá rẻ khó tin là hành động phi đạo đức.
Người phát ngôn của hãng Pretty Little Thing (PLT) nói với Insider: "Mang đến cho khách hàng các sản phẩm được giảm giá 99% là một phần trong chiến dịch Black Friday của chúng tôi. Năm 2020 là một năm ảm đạm. Chúng tôi muốn cung cấp cho khách hàng thứ gì đó cạnh tranh giúp họ có thể giảm bớt chi phí trong mùa mua sắm cao điểm”.
Trong ngày Black Friday, các mặt hàng trên trang web được niêm yết với giá giảm 99% so với giá gốc, quần được bán với giá 0,23 USD và váy với giá 0,46 USD.
Rất nhiều người bị cám dỗ bởi mức giá thấp sập sàn của hãng. Một người dùng trả lời tweet của PLT rằng: "Đoán xem ai vừa mua 56 mặt hàng với giá chỉ 34 USD?? Thật là hạnh phúc. Ưu đãi tuyệt vời nhất từ trước đến nay!!".
Một người dùng Twitter khoe rằng cô đã săn được một chiếc áo khoác phi công màu kem với giá 0,73 USD, trong khi giá trị ban đầu của nó là 73 USD.
Sau ngày Black Friday, hãng PLT tiếp tục hạ giá sập sàn trong Cyber Monday. Quần áo trên web được giảm 80% và thêm 20% nếu khách hàng sử dụng mã thanh toán.
Tuy nhiên, một số người lại đặt câu hỏi về đạo đức đằng sau việc bán quần áo với giá cực thấp. Payzee Malika, một nhà vận động và nhà hoạt động có trụ sở tại London, trích dẫn dòng tweet của PLT và nhận xét:
"Tôi biết các ưu đãi Black Friday cực kỳ hấp dẫn, nhưng trước khi mua, các bạn hãy nghĩ kĩ về loại quần áo có giá dưới 1 bảng Anh. Hãy nghĩ xem, ai là người tạo ra các mặt này, ở đâu, làm thế nào họ sản xuất ra chúng? Những thương hiệu này đang hoạt động không có đạo đức!!!!!".
Công ty mẹ của PLT, Boohoo Plc, đã mở một cuộc điều tra nội bộ vào tháng 7 sau khi nhận được thông tin cáo buộc về bóc lột sức lao động.
Theo báo cáo từ The Sunday Times, công nhân trong nhà máy ở Anh đang được trả lương dưới 3,50 bảng Anh (4,37 USD) một giờ, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu quốc gia của Anh là 8,72 bảng Anh (10,89 USD).
Ngoài ra, báo cáo vào tháng 6 của tổ chức Labour Behind the Label nói rằng các nhà máy Leicester - nơi sản xuất quần áo Boohoo: "Khiến công nhân có nguy cơ nhiễm COVID-19. Một số nhà máy vẫn mở cửa sản xuất trong thời gian cả nước phong tỏa. Một số khác thì đóng cửa rồi nhanh chóng tái sản xuất lại".
Báo cáo cho biết các công nhân được yêu cầu làm việc trong điều kiện trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) rất hạn chế.
Đáp lại các cáo buộc, Boohoo nói rằng họ "không dung thứ cho bất kỳ trường hợp không tuân thủ nào, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc đối xử với người lao động".
Mặc dù thời trang nhanh cung cấp cho khách hàng các sản phẩm giá rẻ nhưng lại có tác động xấu đến môi trường. Morgan McFall-Johnsen đến từ Business Insider cho biết mỗi năm ngành công nghiệp thời trang thải 85% hàng dệt may ra môi trường, vì thế họ phải chịu trách nhiệm với 10% lượng khí thải carbon ra thế giới.