Đầu tháng 3, khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhiều thương hiệu xa xỉ như Chanel, Hermès, Prada đã đồng loạt ngưng bán hàng trên đất Nga. Ngày 4/3, Chanel tuyên bố đóng cửa toàn bộ cửa hàng, dừng giao hàng và dừng hoạt động thương mại điện tử.
Sau khi Chanel tuyên bố ngừng bán hàng ở Nga và cấm người Nga ở nước ngoài mua hàng xách tay về nước, nhiều phụ nữ ở đất nước này đã có hành động quyết liệt nhằm đáp trả nước đi vô lý của nhãn hàng xa xỉ.
Họ tự tay cắt nát, đập bỏ những chiếc túi Chanel đắt đỏ.
Người dẫn chương trình truyền hình kiêm diễn viên Marina Ermoshkina cho biết cô không ủng hộ nhãn hàng này nữa vì hành động của họ thể hiện sự phân biệt chủng tộc/dân tộc đáng xấu hổ. Cô cũng tin rằng những nước đi trừng phạt này là một phần của chứng ‘sợ người Nga’.
"Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã ước ao được sở hữu những chiếc túi hàng hiệu. Nhưng nếu việc sở hữu Chanel đồng nghĩa với việc bán quê hương của mình thì tôi không cần Chanel. Không có thương hiệu nào hay món đồ nào có thể đánh bại lòng yêu nước và lòng tự tôn của tôi.” - cô nói.
DJ Katya Guseva (người nổi tiếng có 587.000 người theo dõi trên Instagram) chia sẻ: “Tôi sẽ không dùng đồ Chanel nữa. Họ đang ép tôi quay lưng với quê hương để mua hàng của họ. Tôi không ủng hộ làn sóng sợ người Nga và phân biệt đối xử theo quốc tịch. Để chứng minh cho bạn thấy tôi đang nói chuyện nghiêm túc, tôi sẽ chỉ đơn giản là cắt nát chiếc túi này. Tôi không cần nó nữa. Tạm biệt, Chanel."
Ngoài ra, nữ doanh nhân đến từ Monaco - Victoria Bonya, blogger du lịch người Nga Sharli Prokopif cùng nhiều phụ nữ có tầm ảnh hưởng khác cũng thực hiện phong trào ‘vùi dập’ túi Chanel.
Trên mạng xã hội Twitter, Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ trích hành động của Chanel.
Cư dân mạng chia thành 2 luồng ý kiến: một bên ủng hộ lòng yêu nước của phụ nữ Nga, một bên lại cho rằng họ đang chiến đấu vô ích.
Tuy nước Nga nổi tiếng là có nhiều đại gia nhưng khả năng tiêu thụ hàng xa xỉ của họ vẫn không bằng các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Theo ngân hàng đầu tư Jefferies, số tiền người Nga chi cho hàng hiệu chiếm khoảng 9 tỷ USD doanh thu hàng năm, chỉ bằng 6% chi tiêu của người Trung Quốc và 14% của người Mỹ.