Hip-hop ra đời vào những năm 70 của thế kỉ trước, thứ âm nhạc mới mẻ được ‘‘thai nghén’’ để phản ánh hiện thực cuộc sống khắc nghiệt của người da màu sống tại Mỹ.
Sau 50 năm, hip-hop không đơn thuần là dòng nhạc đường phố nữa, mà phát triển mạnh mẽ, từng bước xây dựng "đế chế" riêng, trở thành một lối sống, một văn hoá đặc thù có ảnh hưởng đến văn hoá đại chúng. Hip-hop xâm nhập cả vào nghê thuật, điện ảnh, truyền hình. Và gắn liền với văn hoá đó, dĩ nhiên không thể không nhắc tới thời trang của hip-hop từ đường phố chuyển mình trở thành thời trang cao cấp vạn người mê!
Hi-end fashion và hip-hop: hai đường thẳng song song
Khi mới ra đời dòng nhạc hip-hop bị giới chuyên môn đánh giá thấp. Phong cách hip-hop sơ khai với những bộ quần áo quá khổ (oversized), phụ kiện hầm hố cũng luôn bị những nhà mốt hàng đầu đánh giá là "kém sang" khi đi ngược lại với xu hướng thời trang lúc bấy giờ.
Câu chuyện về rapper Dapper Dan luôn được nhắc đi nhắc lại để minh chứng về việc những thương hiệu nổi tiếng "chèn ép" phong cách hip-hop. Vào năm 1982, nam rapper đã mở cửa hàng tại đại lộ 125 New York. Cửa hàng thời trang mang tên ông nhanh chóng trở thành tụ điểm thời trang của giới hip-hop.
Dapper Dan đã sáng tạo trang phục bằng tất cả những gì ông có thể. Ông thiết kế những chiếc áo phông đính kèm logo nhái theo các thương hiệu hàng đầu như Louis Vuitton, Gucci và Versace… và được giới trẻ đặc biệt yêu thích. Hành động này như một cái gai trong mắt những nhà mốt nên họ đã quyết định hạ yêu sách nhổ cái gai bằng cách đâm đơn kiện bản quyền. Cửa hàng của Dapper Dan thời điểm đó buộc phải đóng cửa.
Những năm sau đó nghệ sỹ hip-hop vẫn luôn nhận được lời từ chối đầu tư phục trang biểu diễn từ các thương hiệu nổi tiếng. Các nhà tạo mốt hàng đầu, các thương hiệu nổi tiếng đồng loạt quay lưng, thể hiện rõ sự bất công, mâu thuẫn về tầng lớp, về cái mới và cái cũ, về suy nghĩ và lối sống vốn vẫn còn gay gắt trong giai đoạn đó.
Thế nhưng, điều đó không "khai tử" được thời trang hip-hop: “Thời trang luôn là một phần quan trọng trong bản sắc hip-hop vì thời trang chính là cách thể hiện bản sắc của người gốc Phi ở Mỹ”, nhà sản xuất kiêm nhà làm phim Sacha Jenkins, giám đốc bộ phim tài liệu thời trang hip-hop 2015 “Fresh Dressed” cho biết.
Vì vậy, bất chấp sự hậu thuẫn hay không của những hãng thời trang lớn. Những "tay chơi" hip-hop vẫn không ngừng thể hiện cái tôi riêng của mình qua thời trang đường phố. Đưa tuyên ngôn vào những lời rap, vẽ lên tường những gì họ cho là đúng, thể hiện những vũ đạo ấn tượng nhất có thể. Họ cũng không ngần ngại mặc những gì họ thích, thậm chí những vấn đề có liên quan đến chính trị tôn giáo.
Chỉ một nghệ sỹ hip-hop mới dám biểu diễn với chiếc áo in hình chính trị gia và chiếc quần có dòng slogan ủng hộ (hoặc phản đối) chính sách nào đó của chính quyền. Cá tính này sẽ không bao giờ gặp được ở các ngôi sao nhạc rop, rock,…
Phong cách hip-hop dần lan toả không chỉ vì sự phóng khoáng, thoải mái, mạnh mẽ mà còn từ ý nghĩa của riêng nó. Mỗi cách thể hiện trên trang phục luôn mang một thông điệp riêng về văn hoá và lịch sử.
Cứ tưởng rằng phong cách hip-hop và thời trang cao cấp sẽ mãi là hai đường thẳng song song không cùng điểm đến. Nhưng rồi câu chuyện dần thay đổi.
Chặng đường từ đường phố lên sàn runway
Người mở đường đầu tiên cho phong cách hip-hop chính là Tommy Hilfiger, một nhà thiết kế thời trang người Mỹ và là người sáng lập ra nhãn hiệu thời trang cùng tên Tommy Hilfiger. Tommy đã nhìn thấy được tiềm năng của thời trang đường phố. Ông đã cùng Rapper Grand Puba kết hợp ra album tên "Tommy Hilfiger". Giới trẻ Mỹ được dịp sững sốt khi rapper mặc quần áo của nhãn hiệu này trên ảnh bìa. Và Tommy Hilfiger thành công vang dội. Tốc độ quần áo bán ra tỷ lệ thuận với số album được tiêu thụ. Phong cách hip hop và thời trang cao cấp đã có cái bắt tay đầu tiên đầy thuận lợi.
Năm 1994, Snoop Dogg xuất hiện trên chương trình truyền hình Mỹ Saturday Night Live với chiếc áo được Tommy Hilfiger tặng. Nối tiếp Snoop Dogg, Aaliyah và Usher liên tục xuất hiện trên các chiến dịch quảng cáo của thương hiệu này.
Đến năm 1996, rapper Tupac đường hoàng chiếm lĩnh đường băng Versace. Giới trẻ mê hip-hop cùng tín đồ thời trang lại một lần nữa rúng động.
Cho đến thời điểm hiện tại, phong cách hip-hop đã bao trùm các ngóch ngách của thời trang, là nguồn cảm hứng cho nhiều phong cách mới, nhìn nhận mới về cái đẹp.
Thương hiệu xa xỉ mở đường
Ngày nay, những thông tin về rapper Dapper Dan ra bộ sưu tập cùng Gucci, Travis Scott xuất hiện cùng Saint Laurent, Pharrell Williams đầu quân cho Chanel. Hoặc Kanye West xuất hiện trên trang bìa tạp chí thời trang, hay bộ sưu tập mới nhất của Marc Jacobs đã không còn là chuyện không còn xa lạ!
Các thương hiệu thời trang cao cấp giờ đây đã không còn ngần ngại kết hợp với những thương hiệu streetwear tầm trung, điển hình như Supreme x Louis Vuitton, Vetement x Balenciaga…
Thậm chí, các nhà mốt thời nay còn khẳng định công thức kết hợp cùng rapper đã trở thành một công thức thành công tất yếu. Jay-Z viết bài hát đề tên tặng "Tom Ford" và Ford trả lời lại bằng cách mời Jay-Z và vợ, Beyoncé, ngồi ghế hàng đầu tại mùa thu 2015 diễn đường băng ở Los Angeles.
Các sao nổi tiếng yêu thích thời trang hip-hop không chỉ còn là các rapper hoặc người da màu mà cả những các celeb hoạt động đa lĩnh vực nữ ca sĩ Selena Gomez, vợ chồng ca sĩ Justin - Hailey Bieber, đại gia đình ngôi sao truyền hình thực tế Kim K,...
Lời kết
Đến nay, không còn là kẻ thù, cũng không phải là đối thủ. Phong cách hip-hop và thời trang cao cấp đã trở thành ‘‘bạn tâm giao’’ hỗ trợ lẫn nhau. Văn hoá hip-hop lan toả trong ngành thời trang không chỉ mang ý nghĩa về thương mại. Nhìn rộng hơn, phong cách hip-hop ngày nào đã góp phần xoá bỏ tàn dư của nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử. Các rapper đã thôi hát về sự bất công, thay vào đó là tình yêu, cuộc sống hưởng thụ và cống hiến. Đó chính là nhờ sự giao thoa văn hoá thời trang giữa thời trang hip-hop và thời trang xa xỉ.