Những người đàn ông từng xuất hiện trong cuộc đời Coco Chanel là nguồn cảm hứng quan trọng giúp bà tạo nên hàng loạt thiết kế mang tính biểu tượng.
Gabrielle Chanel và cha
Gabrielle Bonheur Chanel sinh năm 1883 tại thị trấn Saumur trong thung lũng Loire. Gia đình cô rất nghèo. Khi mẹ qua đời, Gabrielle (khi đó mới 12 tuổi) được cha gửi đến một trại trẻ mồ côi do tu viện quản lý. Tuổi thơ nghèo khó và quá khứ bị bỏ rơi này đã trở thành động lực khiến Chanel điên cuồng học hỏi để thay đổi vận mệnh. Các nữ tu đã dạy cho cô gái trẻ Chanel bài học quý giá nhất trong đời: nghệ thuật may vá.
Coco và hai mối tình đầu
Ban đầu, Chanel vừa làm thợ may vừa đi hát tại một quán rượu. Đây chính là nơi tặng cho cô biệt danh “Coco”. Cũng chính nơi tại đây, cô đã gặp gỡ người thừa kế gia sản dệt may giàu có Étienne Balsan. Người này đã giúp Chanel mở xưởng thiết kế mũ tại Paris vào năm 1910. Cuộc tình của họ kết thúc khi Chanel hẹn hò với một trong những người bạn của Balsan, đại úy Arthur Edward “Boy” Capel, nhà quý tộc người Anh cực kỳ giàu có. Ông đã tài trợ cho việc mở rộng của Chanel sang lĩnh vực quần áo và mở nhiều cửa hàng ở Deauville vào năm 1913 và ở Biarritz vào năm 1915.
Arthur Capel là mối tình sâu đậm, nồng say, giúp Chanel luôn dạt dào cảm hứng sáng tạo. Vì Capel là một tay chơi polo nên những thiết kế đầu tiên của Coco Chanel cũng chủ yếu là quần áo rời tương tự như đồng phục polo. Cô cũng thích ướm quần áo của người tình lên người mình rồi biến tấu chúng thành trang phục nữ.
Nhờ việc kinh doanh thuận lợi, Chanel có thể hoàn trả cho Capel tất cả khoản đầu tư ban đầu chỉ trong thời gian ngắn. Chanel thành công nhờ nguyên tắc thiết kế rất đơn giản: cô là một người phụ nữ thiết kế cho phụ nữ. Sản phẩm của cô có hình thức đơn giản, thiết thực, chất liệu vải thoải mái, giải phóng phụ nữ hoàn toàn khỏi những chiếc áo nịt ngực. Năm 1919, cô mua lại tòa nhà tại 31 rue Cambon, Paris và biến nó thành trụ sở chính của Chanel cho đến tận ngày nay.
Các chàng hoàng tử của quý bà thời trang
Trong hai thập kỷ tiếp theo, Chanel tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công rực rỡ. Năm 1921, bà mở rộng việc kinh doanh sang lĩnh vực phụ kiện, đồ trang sức và nước hoa. Dòng nước hoa Chanel Nº 5 được coi là loại nước hoa phụ nữ thành công nhất của mọi thời đại. Thậm chí cho đến ngày nay Chanel Nº 5 vẫn luôn nằm trong bảng xếp hạng Top 10 loại nước hoa bán chạy nhất trên thế giới. Năm 1926, bà cho ra mắt chiếc váy đen nhỏ - một huyền thoại thời trang không thể phủ nhận. Trong thời kỳ này, bà có qua lại với một số nhân vật thuộc hoàng gia Anh, bao gồm Công tước gây tranh cãi của Westminster Hugh “Bendor” Grosvner và Hoàng tử xứ Wales, Edward VIII.
Chanel sống cùng Hugh “Bendor” Grosvner trong một dinh thự tại vùng cao nguyên Scotland, nhờ đó mà bà có cảm hứng để tạo ra những bộ cánh nữ đầy thanh lịch với chất liệu vải của vùng Scotland. Tuy nhiên, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Chanel phải đóng cửa mọi hoạt động của mình, khiến 4.000 nhân viên nghỉ việc. Bà tiếp tục sống ở Paris trong suốt thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng. Mối quan hệ của bà với Nam tước Hans Gunther von Dincklage, một sĩ quan người Đức, đã làm tổn hại đáng kể đến danh tiếng của Chanel.
Dior làm “lung lay” đế chế Chanel
Năm 1945, Chanel chuyển đến Thụy Sĩ và phải đứng nhìn Haute Couture trở thành sân chơi riêng cho cánh mày râu. Người dẫn đầu làn sóng không ai khác chính là nhà thiết kế Christian Dior. Bộ sưu tập New Look của Dior năm 1947 với các thiết kế có phần eo được chú trọng thắt chặt, phần ngực bo tròn và vai thu hẹp đã tạo nên một cuộc cách mạng.
Trang phục tạo nên phom dáng đồng hồ cát trái ngược hoàn toàn với kiểu váy áo suôn thẳng, đổ tự do của Chanel và gợi gây liên tưởng đến chiếc áo choàng à la française của Marie Antoinette. Bà không phủ nhận tài năng của Dior nhưng nhờ diện mạo mới này mà bà càng muốn duy trì tôn chỉ phụ nữ cần được ăn vận thoải mái, không bị trói buộc hay thắt chặt ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Năm 1953, Chanel trở lại làng thời trang. Ban đầu, các thiết kế của bà không được đón nhận nhiều. Nhưng bà vẫn kiên trì với các thiết kế nữ tính, dễ mặc cho đến khi chúng được phái đẹp công nhận thêm một lần nữa.
Di sản để lại cho Karl Lagerfeld
Vào ngày 10 tháng 1 năm 1971, Chanel qua đời tại căn hộ của bà tại khách sạn Ritz. Các trợ lý của bà tiếp tục công việc của Chanel cho đến khi Karl Lagerfeld đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo vào năm 1983. Tại đây, Lagerfeld đã đưa ra nhiều quyết định sống còn giúp hồi sinh nhà mốt già cỗi, không còn sức sống.
"Bố già" đánh bay nét mộng mơ, lãng mạn trong các thiết kế của Coco Chanel, thay vào đó là những thiết kế mang hơi thở hiện đại, phù hợp với thị hiếu công chúng yêu thời trang. Kể từ đó, Chanel trở thành thương hiệu được nhiều sao Hollywood yêu thích, chứng tỏ đẳng cấp của thương hiệu này. Lagerfeld luôn dành tâm huyết 200% cho các buổi catwalk của Chanel. Mỗi lần Chanel ra mắt bộ sưu tập mới là một lần giới mộ điệu được thưởng thức một câu chuyện lồng ghép khéo léo giữa thời trang, nghệ thuật và cuộc sống. Cho đến tận bây giờ, Chanel vẫn là một trong các thương hiệu xa xỉ thành công bậc nhất thế giới.
Xem thêm: Bất ngờ chưa anh chồng, chị vợ đã chuẩn bị chu đáo thế kia mà.