Nhiều nhà thiết kế cảm thấy hiện nay cách làm việc của ngành công nghiệp thời trang không mang lại hiệu quả. Các show diễn hàng năm quá ngột ngạt và độc quyền, không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Thực tế, năm 1998, nhà thiết kế là Helmut Lang đã từng ra mắt bộ sưu tập của mình qua CD-ROM. Trong một bài đánh giá về chương trình thời trang thực tế ảo, phóng viên Constance White của tờ New York Times viết:
“Chương trình thử nghiệm không phải là không có nhược điểm. Nhưng nó cho chúng ta thấy một tương lai khác biệt. Ngành công nghiệp thời trang toàn cầu thật sự đang tìm kiếm các lựa chọn đa dạng hơn, thay thế cho các buổi trình diễn catwalk.
Thật kì quặc khi các xu hướng thời trang luôn thay đổi theo mùa, còn cách trình diễn nó lại chẳng có gì khác biệt suốt 50 năm”.
Hơn hai thập kỷ sau, những cuộc bàn luận về cách thức vận động của thế giới thời trang vẫn rất sôi nổi nhưng không có gì tiến triển. Cho đến khi đại dịch COVID-19 ập đến, các nhà thiết kế không còn cách nào khác ngoài chạy ra khỏi vùng an toàn.
Trường hợp nổi bật nhất là nhà thiết kế trẻ Anifa Mvuemba của hãng Hanifa. Cụ thể, hãng đã sử dụng các mô hình kỹ thuật số 3D để mô phỏng lại các mẫu quần áo của mình.
Các thiết kế trong bộ sưu tập Pink Label Congo của Mvuemba đều nhằm mục đích tôn vinh vẻ đẹp của Congo, đồng thời thu hút sự chú ý đến các vấn nạn mà người dân ở địa phương phải đối mặt (như khai thác tài nguyên bất hợp pháp).
Trong một cuộc phỏng vấn với Teen Vogue, Anifa Mvuemba tiết lộ rằng cô đã lên kế hoạch ra mắt bộ sưu tập Pink Label Congo bằng hình thức trực tuyến ngay khi nhận thức được mức độ nghiêm trọng của COVID-19.
Trình diễn thời trang thực tế ảo giúp các nhà thiết kế ‘măng non’ thỏa sức thể hiện sự sáng tạo của mình với ngân sách khiêm tốn.
Hanifa không phải là hãng duy nhất chủ động thay đổi cách kinh doanh trong thời COVID-19. Ban tổ chức tuần lễ thời trang London cũng đã lên kế hoạch làm sự kiện thực tế ảo qua một nền tảng điện tử.
Hội đồng Thời trang Anh (BFC) thông báo rằng các bộ sưu tập thời trang nam/nữ sẽ được hợp nhất vào một nền tảng (platform) và đây là nền tảng kỹ thuật số biểu diễn thời trang đầu tiên.
Nền tảng này sẽ được ra mắt vào tháng 6 này với đầy đủ các nội dung như phỏng vấn, podcast, nhật ký thiết kế, hội thảo trên web và phòng trưng bày kỹ thuật số. Đó sẽ là sự kiện mở cửa cho cả công chúng và người trong ngành.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Givenchy, Dries Van Noten, Saint Laurent, Marc Jacobs, Michael Kors bắt buộc phải hủy lịch không công bố BTS mới vào tháng 9. Tất cả các hãng đều đưa ra tầm nhìn chung là đã đến lúc ngành công nghiệp thời trang phải có sự thay đổi toàn diện.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta luôn có sự quan tâm sâu sắc tới con người. Cuộc sống của họ, sự phát triển trong sự nghiệp họ, đó là những là điều mà các cô gái theo đuổi”
ông Sara Ziff, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Model Alliance nhận xét về việc người mẫu robot/3D chiếm lĩnh sân khấu thời trang.
“Khi các người mẫu thực sự không còn cần thiết để truyền tải thông điệp thời trang tới khách hàng, chúng ta sẽ phải đối mặt với một cơn địa chấn lớn. Đối với các người mẫu đã thành công ở một mức độ nhất định, biến mình thành một mô hình ảo là một động thái kinh doanh tuyệt vời.
Tôi thấy một số công ty đã xây dựng các sinh vật CGI dựa trên hình mẫu của người mẫu ký hợp đồng với họ. Một số CGI được tạo ra hoàn toàn ngẫu nhiên, không dựa trên hình mẫu có thật” - nhận xét của Doreen Small, đối tác của Davis Shapiro Lewit Grabel & Leven kiêm trợ lý giáo sư tại Học viện Luật thời trang Fordham.
Các người mẫu ảo có lợi thế lớn so với con người là chúng không bị lão hóa hay bị đào thải. Nhưng nếu ngành thời trang áp dụng công nghệ triệt để, ai sẽ là người bị bỏ rơi trong bức tranh tương lai này?
Chính là các người mẫu và đội ngũ nhân viên hậu trường xung quanh họ (nhà tạo mẫu tóc, chuyên gia trang điểm và stylist). Các mô hình người mẫu ảo chính là phiên bản hào nhoáng hơn của các robot làm việc tại các nhà máy.
Không những thế, các công ty còn có thể tạo ra phiên bản ảo của các người mẫu nổi tiếng freelancer hoặc ở công ty đối thủ cạnh tranh. Thế giới công nghệ và người mẫu ảo mang lại rất nhiều lợi thế, đặc biệt là trong vấn đề chi phí nhưng nó cũng đưa ra câu chuyện lớn hơn, về lao động, việc làm và đạo đức nghề nghiệp.