Kể từ sau đại dịch Covid-19, phong cách thời trang Y2K đã bất ngờ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Phong cách Y2K (viết tắt của Year 2000) đã xuất hiện vào những năm cuối thập niên 90. Từ này được tạo ra bởi một lập trình viên có tên là David Eddy vào năm 1995 và có liên quan đến các hệ thống máy tính. Văn hóa và thời trang tại thập niên 90 được hình thành bởi chủ nghĩa xa xỉ, theo đuổi tương lai thông qua những bộ quần áo.
Đối với giới trẻ hiện nay, Y2K là một luồng gió mới và là một cách thức để họ thể hiện cá tính của bản thân. Style này gồm nhiều item với màu sắc nổi bật và thiết kế vô cùng tôn dáng. Mặc dù vậy, Y2K vẫn là phong cách mà nhiều cô nàng mũm mĩm không mấy hoan nghênh. Một bài đăng trên trang của tạp chí Vogue của Marielle Elizabeth đã bày tỏ sự hoang mang, lo lắng thấy rõ khi những dáng người nảy nở, mũm mĩm đang dần phải nhường chỗ cho thân hình thon gọn, mình hạc xương mai:
“Đã hơn 6 tháng kể từ khi Kim Kardashian thông báo giảm được 7kg trong 3 tuần chỉ để mặc vừa chiếc váy của Marilyn Monroe đến dự Met Gala. Đối với tôi, thông báo này như một sự kết thúc của thời kỳ tôn vinh những cơ thể với đường cong quyến rũ để trở về với những cô nàng có thân hình mảnh mai.
Tất nhiên, sẽ không công bằng nếu đổ lỗi hoàn toàn cho Kim Kardashian chỉ vì cô ấy muốn ăn kiêng. Nhưng tôi đã chứng kiến cộng đồng dần thay đổi khi ai cũng muốn giảm cân sau những tháng ngày cách ly vì đại dịch, và gần đây nhất chính là sự trở lại của phong cách thời trang Y2K - style gồm những item như quần jeans cạp trễ khoe eo thon, áo hai dây, cardigan mỏng dính,... Và tiêu chuẩn hình thể của mọi người cũng đã thay đổi theo thời gian.
Sau Tuần lễ Thời trang New York, có thể thấy được có rất ít những người mẫu ngoại cỡ xuất hiện trên sàn diễn. Theo báo cáo của tờ Fashion Spot, số lượng người mẫu ngoại cỡ đã tăng đều đặn từ mùa xuân năm 2016 và đạt đỉnh điểm vào mùa xuân năm 2020 với 68 người mẫu xuất hiện trong các buổi trình diễn. Mặc dù số liệu năm nay chưa có nhưng chắc hẳn người ta đã cảm nhận được sự thiếu vắng của những người mẫu ngoại cỡ thông qua những buổi biểu diễn ở châu Âu.
Trong một thập kỷ qua, cân nặng đã không còn là vấn đề đối với nhiều người. Tôi đã chứng kiến sự tiến bộ trong ngành thời trang khi một số nhãn hàng đã mở thêm dòng sản phẩm ngoại cỡ. Ngoài ra, có rất nhiều fashionista đình đám chuyên diện đồ big size như Lizzo, Aidy Bryant và Jennifer Coolidge. Đây là những điều gần như không thể xảy ra vào đầu những năm 2000. Nhưng những thứ này lại đang dần bị “đe dọa” trong thời kỳ tôn thờ những vóc dáng gầy gò, thanh mảnh.
Theo Gianluca Russo - tác giả của cuốn The Power of Plus, sự đa dạng dáng người bị thoái trào là điều không thể tránh khỏi bởi sự xoay vòng của thời trang. Dù rất đẹp mắt và cá tính nhưng phong trào Y2K lại đánh dấu sự gia tăng của những người cảm thấy xấu hổ về một cơ thể mũm mĩm, không mấy thon thả. Các phương tiện truyền thông đều đang truyền tải những định nghĩa sai lệch về item thời trang ngoại cỡ.
Trong các bộ phim, những nhân vật béo thường được miêu tả là xấu và kém hấp dẫn hơn những cô nàng gầy gò. Russo cho biết: ‘Từ năm 2000 đến năm 2009 đã có sự gia tăng đáng kể về chứng rối loạn ăn uống. Từ Hollywood đến sàn diễn của Tuần lễ thời trang New York, chúng tôi nhận thấy xu hướng hiện nay là những cơ thể gầy gò. Bạn có thể thấy điều đó từ việc giảm cân của người nổi tiếng cho đến những người mẫu trên sàn catwalk, và điều đó thực sự đáng sợ đối với thế hệ trẻ - những người sẽ tiếp thu những thông điệp này, cho dù họ có nhận ra hay không.
Nhà phê bình văn hóa Kimberly Nicole Foster cho biết có một áp lực vô hình đối với người trẻ ngày nay. ‘Tôi nhìn thấy, cảm nhận thấy, nghe thấy một áp lực trong giới trẻ. Họ luôn lo lắng về lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày và làm sao để gầy đi. Vòng 3 của tôi có to quá hay không? Có phải đùi tôi quá lớn? Tôi có ăn nhiều hay không?,... là những vấn đề mà họ luôn băn khoăn’, Foster nói. Ngoài ra, cô nhấn mạnh rằng không phải ai cũng có khả năng như Kim Kardashian để chi trả cho những cuộc phẫu thuật hay tìm chuyên gia và huấn luyện viên để lên thực đơn ăn uống giúp thay đổi cơ thể theo ý muốn.” (Trích bài viết trên Vogue).
Thông qua bài viết trên, có thể thấy không phải style nào cũng mang đến sự thoải mái cho người mặc. Mặt khác, chúng còn có thể khiến cho nhiều người cảm thấy hoang mang, nghi ngờ, mất tự tin hơn về vóc dáng của họ. Nhưng chúng ta cũng cần phải hiểu rằng thời trang luôn xoay vòng, sẽ luôn có những xu hướng mới xuất hiện và ta không cần ép bản thân chạy theo những điều không phù hợp. Chỉ cần cơ thể luôn khỏe mạnh thì sẽ không bao giờ bị “lỗi thời”.
Xem thêm: Hoa Hậu Thùy Tiên: "Lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn, tôi chỉ biết dựa vào chính mình"