Maison Margiela, tiền thân là Maison Martin Margiela, được thành lập vào năm 1988 tại Paris, bởi nhà thiết kế người Bỉ Martin Margiela. Hãng thời trang cao cấp của Pháp nổi tiếng với những thiết kế mang tính thẩm mỹ và sáng tạo cao.
Martin Margiela là một thiên tài thiết kế từ thời đi học
Margiela sinh ngày 9 tháng 4 năm 1957 tại Genk, miền Đông nước Bỉ. Ông theo học Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Antwerp vào năm 1979. Khi tốt nghiệp, ông được đánh giá là một trong những học viên tài năng nhất ở Bỉ vào thời điểm đó. Margiela thường bị nhầm là một trong Antwerp 6 (một nhóm sáu nhà thiết kế được đánh giá rất cao) nhưng thực ra ông đã tốt nghiệp hai năm trước đó rồi.
Sau khi tốt nghiệp, Margiela làm việc tự do trong 5 năm rồi mới chuyển đến Paris làm trợ lý thiết kế trong 2 năm cho Jean-Paul Gaultier. Năm 1989, ông cho ra mắt nhãn hiệu cùng tên với đối tác kinh doanh và nhà thiết kế đồng hương Jenny Meirens.
Nhà thiết kế “vô hình” khiến cả thế giới tò mò
Ngành thời trang thường nhắc đến Margiela như một huyền thoại hoang đường. Ông chọn lối sống ẩn danh trong suốt thời gian làm việc ở Margiela. Ông không ra chào khán giả khi buổi diễn kết thúc, không chụp ảnh, không trả lời phỏng vấn cá nhân, không xuất hiện trên truyền hình hay thảm đỏ. Tất cả các vấn đề liên quan đến truyền thông đều được xử lý qua fax. Thương hiệu của ông trả lời phỏng với với ngôi “chúng tôi” - đại diện cho toàn bộ nhóm thiết kế. Cho đến tận bây giờ, khuôn mặt của ông vẫn chưa từng được công khai. Trong suốt sự nghiệp, chỉ có một bức ảnh được cho là ông (chụp năm 1997 bởi Marcio Madeira) được tung ra nhưng đó có phải là Margiela thật hay không thì vẫn chưa thể xác nhận.
Ông không muốn xuất hiện công khai vì muốn mọi người tập trung vào các thiết kế của hãng chứ không phải nhân vật đằng sau chúng. Mục đích của ông là không chạy theo ngành công nghiệp đang bị thương mại hóa quá mức nhưng thật không may, sự vô hình của ông lại trở thành bí ẩn lớn trên mặt báo. Công chúng không ngừng đặt câu hỏi về việc ai là người đứng đằng sau Margiela. Năm 2008, Margiela được New York Times mệnh danh là “Người đàn ông vô hình của làng thời trang”.
Sự vô hình của ông thậm chí còn ảnh hưởng đến các quyết định nghệ thuật liên quan đến sản phẩm và các buổi trình diễn catwalk. Người mẫu của ông thường được để kiểu tóc, đeo mặt nạ che khuất một phần mặt hoặc che hoàn toàn. Mục đích của ông vẫn là cố gắng chuyển sự chú ý của công chúng từ người đứng sau bộ quần áo sang bản thân bộ quần áo.
Bản sắc thiết kế của Maison Margiela
Kể từ những ngày đầu thành lập, các thiết kế của Margiela đã theo đuổi tiêu chuẩn phải có tính sáng tạo cao, gây tò mò và mang tính thử nghiệm về mặt cấu trúc. Tờ Vogue từng nhận xét rằng những ý tưởng của hãng luôn "gây ra những cú sốc và khó đoán biết" cho ngành công nghiệp thời trang.
Tính thẩm mỹ của Maison Margiela nằm gọn trong mô tả "Thời trang giải cấu trúc" và đây cũng là một trong những trường phái thẩm mỹ có ảnh hưởng nhất đến thời trang đương đại ngày nay. Margiela thích lắp ráp các mảnh thời trang chưa hoặc đã hoàn thiện thành một tác phẩm hoàn toàn khác. Ví dụ, ông đã từng tháo một chiếc váy cưới cổ rồi làm lại thành một chiếc áo khoác.
Khi thương hiệu trở nên nổi tiếng, việc tăng số lượng sản xuất trở thành một bài toán khó. Năm 2006, bộ sưu tập Maison Martin Margiela Artisanal ra đời. Nhóm thiết kế của hãng phải đi khắp thế giới để tìm kiếm những món đồ cổ để sử dụng cho bộ sưu tập, từ ren thời Edward, quần jean xanh rách bươm đến những thiết kế nguyên bản của Bauhaus. Từng phần trên cây thời trang đều được làm thủ công từ một món đồ gì đó (không phải vải thông thường), ví dụ như áo được làm từ những chiếc vòng nối với nhau, quần dài được ghép từ thắt lưng da…Thương hiệu trình làng bộ sưu tập trong mùa thời trang cao cấp ở Paris nhưng Margiela lại khẳng định đây không phải là một bộ sưu tập thời trang cao cấp.
Maison Margiela chỉ gắn nhãn thương hiệu bên trong quần áo chứ không không sử dụng logo. Nhãn thương hiệu là một mảnh vải trắng đánh số 0-23. Tùy vào loại quần áo mà một con số trên nhãn sẽ được khoanh tròn lại (mặc dù không phải tất cả đều được sử dụng). Họ quy ước như sau:
0 - Hàng may mặc được tân trang lại bằng tay cho phụ nữ;
0 10 - quần áo được tân trang lại bằng tay cho nam giới;
1 - bộ sưu tập dành cho phụ nữ;
10 - bộ sưu tập dành cho nam giới;
4 - phù hợp với tủ quần áo cho phụ nữ;
14 - phù hợp với tủ quần áo cho nam giới;
11- một bộ sưu tập các phụ kiện cho phụ nữ và nam giới;
22 - một bộ sưu tập giày cho phụ nữ và nam giới;
13 - đồ vật và ấn phẩm;
6 - hàng may mặc cho phụ nữ và nam giới.
Nhãn được gắn vào bên trong bằng bốn mũi khâu nhỏ, màu trắng, có thể nhìn rõ từ bên ngoài. Đây là cách hãng “hiên ngang” chống lại các tiêu chuẩn của thời trang cao cấp và trở thành biểu tượng của sự tự tin, độc quyền trong thầm lặng.
Ngành thời trang bị thương mại hóa khiến Martin Margiela mệt mỏi
Năm 2008, có thông tin tiết lộ rằng những người sáng lập đang tìm cách bổ nhiệm một giám đốc sáng tạo mới. Renzo Rosso, bên liên quan chính (stakeholder) của Margiela, Chủ tịch Tập đoàn OTB, đã tuyên bố rằng: “Martin đã không có ở đây trong một thời gian dài. Anh ấy ở đây nhưng không phải ở đây”.
Năm 2009, một thông cáo báo chí chính thức công bố: “Margiela đã rời công việc kinh doanh. Sẽ không có giám đốc sáng tạo thay thế nào được bổ nhiệm”. Công ty từ chối bình luận về lý do rút lui của Margiela. Không có giám đốc mới kế nhiệm ông ngay lập tức (cả Raf Simmons và Haider Ackerman đều từ chối vị trí này), thay vào đó, nhóm thiết kế hiện tại sẽ đảm nhận cương vị và tiếp tục thiết kế các bộ sưu tập theo mùa. Mãi đến năm 2014, John Galliano, người trước đây từng đứng đầu Givenchy và Dior, mới đứng ra nhận vị trí giám đốc tiếp quản thương hiệu.
Nhiều năm sau, trong một bức thư viết cho Belgian Fashion Awards, Margiela mới giải thích: “Tôi cảm thấy mình không thể chịu đựng những áp lực ngày càng tăng trên toàn thế giới và nhu cầu thương mại phát triển quá mức thêm được nữa. Tôi cũng lấy làm tiếc về việc thông tin được lan truyền quá nhiều trên mạng xã hội ngày nay. Cảm giác hồi hộp khi mong chờ một điều gì đó đã bị phá bỏ hoàn toàn. Tôi cần hiệu ứng của sự ngạc nhiên để thúc đẩy sự sáng tạo, nhưng giờ điều đó không còn nữa”.
Sau khi rời nhà mốt, Margiela sống một cuộc sống ẩn dật trong 12 năm và không có ý định quay trở lại thế giới thời trang. Năm ngoái, ông tuyên bố trở lại, nhưng không phải với tư cách là một nhà thiết kế mà là một nghệ sĩ. Ông sẽ tiếp tục sáng tạo nghệ thuật gồm tác phẩm điêu khắc, ảnh, tác phẩm sắp đặt rồi tổ chức triển lãm.
Xem thêm: Những nhạc sĩ khẳng định mình tại Sing My Song.