Thương hiệu Louis Vuitton vốn chỉ tập trung vào việc đóng những chiếc rương cao cấp. Qua thời gian, các vị giám đốc sáng tạo tài năng đã giúp công ty “lột xác”.
Nhà sáng lập Louis Vuitton sinh năm 1821 tại Jura, Pháp (giờ thuộc Lavans-sur-Valouse). Ông bắt đầu làm thợ đóng rương cho xưởng may Monsieur Maréchal ở Paris khi mới 16 tuổi.
Kỹ năng tuyệt vời của ông không chỉ được khách hàng đánh giá cao mà còn rất có giá trị với hoàn cảnh xã hội lúc đó. Hệ thống giao thông thời đó vẫn còn nhiều bất cập nên thường làm hư hỏng hành lý của khách hàng. Các vị khách phải di chuyển nhiều sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền và tâm sức để sở hữu một chiếc rương chắc chắn. Louis Vuitton luôn tạo ra các sản phẩm làm từ chất liệu cao cấp và có chất lượng hoàn thiện cao. Ông trở thành chuyên gia thủ công nổi tiếng khắp đất nước với hàng loạt khách hàng đến từ giới thượng lưu. Thậm chí vợ của Napoléon III, Eugénie de Montijo, còn trực tiếp chỉ định Louis Vuitton làm thợ đóng rương cho mình.
Năm 1854, sự nghiệp của ông bước sang một trang mới với sự ra đời của cửa hàng "Louis Vuitton: Malletier a Paris" tại số 4 Rue Neuve-des-Capucines, cách Vườn Tuileries không xa. Ngay từ lúc đó các sản phẩm rương, vali của Louis Vuitton đã được sản xuất để dành riêng cho các khách hàng cá nhân. Năm 1859, Louis Vuitton mở rộng kinh doanh, thành lập một xưởng nhỏ với 20 công nhân ở Asnières. Năm 1885, cửa hàng Louis Vuitton đầu tiên ở London được khai trương.
Ngay từ thế kỷ 19 các sản phẩm của Louis Vuitton đã có hàng nhái lại. Năm 1888, thương hiệu tung ra thị trường mẫu rương Damien Canvas với họa tiết chấm nâu nhạt và nâu sẫm. Kể từ đó, Damier Canvas đã trở thành một trong những loại vải dễ nhận biết nhất của Louis Vuitton cho đến tận ngày nay. Vào năm 1890, Louis Vuitton đã tạo ra thiết kế ổ khóa lật có thể biến những chiếc rương thành két sắt (vì mỗi ổ khóa được gắn với một mã và số duy nhất). Nhà thiết kế thậm chí còn công khai thách thức ảo thuật trốn thoát nổi tiếng Houdini mở một trong số những ổ khóa này.
Sau khi Louis Vuitton qua đời vào năm 1892, thương hiệu Louis Vuitton được dẫn dắt bởi con trai lớn của ông, George Vuitton. Năm 1896, George được cấp bằng sáng chế cho bức tranh Monogram Canvas mang tính biểu tượng và logo viết tắt "LV" vốn dùng để tưởng nhớ cha ông. Với tất cả tài năng và tâm huyết, George Vuitton đã giúp thương hiệu Louis Vuitton nổi danh trên toàn thế giới và tạo cơ sở vững chắc cho uy tín lâu dài sau này. Công ty liên tục mở thêm các cửa hàng ở các thành phố sầm uất như New York, Buenos - Aires, Washington DC, Bombay. Louis Vuitton Fashion House tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 20. Cửa hàng thời trang Louis Vuitton đầu tiên được khai trương tại Paris vào năm 1914, là một trong những cửa hàng lớn nhất vào thời điểm đó. Năm 1930 mang ý nghĩa quan trọng đối với Louis Vuitton với sự kiện giới thiệu chiếc túi du lịch vali mềm mới có tên "Kepaall". Mẫu túi này là tiền thân của túi "Speedy" đình đám ra đời năm 1932. Sau này, nó đã trở thành một trong mẫu túi được yêu thích nhất của Louis Vuitton, được đánh giá cao đến tận bây giờ.
George Vuitton qua đời vào năm 1936, để lại đế chế Louis Vuitton cho cậu con trai Gaston-Louis Vuitton. Dưới sự dẫn dắt của ông, vào năm 1959, logo LV mang tính biểu tượng đã được thay đổi sang thiết kế đơn giản hơn để có thể áp dụng lên các dòng phụ kiện và trang sức.
Từ năm 1987, thương hiệu Louis Vuitton trở thành một phần của tập đoàn LMVH. Đến năm 1990, Yves Carcelle được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Louis Vuitton. Ông chính là người giúp Louis Vuitton mở rộng sang khu vực châu Á và đưa các sản phẩm da cao cấp của thương hiệu lên một tầm cao mới. Một trong những thành tựu không thể không nhắc đến của Carcelle là quyết định thuê Marc Jacobs làm Giám đốc Sáng tạo. Nhà thiết kế đã cho ra mắt các dòng sản phẩm "prêt-à-porter" mới, bao gồm quần áo, giày dép, phụ kiện cho nam và nữ. Anh chính thức tạo ra một bước đột phá mạnh mẽ cho thương hiệu vì trước đây LV chỉ tập trung sản xuất túi xách và vali. Dưới sự giám sát của Marc Jacobs, thương hiệu bắt đầu triển khai nhiều màn hợp tác thú vị với các nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, người nổi tiếng cho các chiến dịch PR. Ví dụ như vào năm 2009, Louis Vuitton đã phát hành bộ dụng cụ sơ cứu dưới dạng vali có hộp đựng thuốc tích hợp cùng với Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập. Marc Jacobs coi trình diễn thời trang như một loại hình nghệ thuật. Với bộ sưu tập Louis Vuitton FW2012/2013, Mark Jacobs đã biến đường băng thành nhà ga. Các người mẫu được đưa đến buổi trình diễn bằng một chuyến tàu hơi nước và hành lý của họ được mang bởi những người khuân vác.
Từ năm 2013, Marc Jacobs bắt đầu tập trung vào thương hiệu riêng nên vị trí Giám đốc Sáng tạo của Louis Vuitton được trao lại cho Nicolas Ghesquière. Anh khôi phục hình ảnh sang trọng của thương hiệu bằng cách sử dụng những loại vải dệt tốt nhất như len cashmere dày, ren trang trí công phu, lụa Ý thêu tay. Tuy nhiên, Ghesquière cũng muốn sản phẩm của anh dễ dàng được mặc bởi công chúng. Đó là lý do tại sao các bộ sưu tập của anh có khá nhiều món đồ thể thao. Anh khẳng định mình là một nhân tố mới tiếp nối tạo nên thành công cho lịch sử Louis Vuitton.
Năm 2018, nhà mốt Louis Vuitton chào đón thành viên mới, Virgil Abloh, giám đốc nghệ thuật cho bộ sưu tập nam. Được giới trẻ ngưỡng mộ nhờ những món đồ Off-White trước đây, Abloh đã nâng tầm sự kết hợp độc đáo giữa phong cách đường phố và sự sang trọng của Louis Vuitton lên một tầm cao mới. Thương hiệu lâu đời bỗng nhiên trở thành giấc mơ đáng khao khát của thế hệ trẻ. Kể từ đó, phong cách ngoại cỡ, giày thể thao, thắt lưng bản rộng và các dòng chữ lấp lánh đã trở thành một phần không thể thiếu trên trang phục nam của Louis Vuitton. Vị giám đốc nghệ thuật mới đã khéo léo kết hợp sự cao cấp truyền thống của Louis Vuitton với nét trẻ trung, thân thiện của văn hóa đại chúng để tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu trong thời đại mới.
Xem thêm: Ca Sỹ Thanh Hà & Phương Uyên: Khi Hai Tâm Hồn Tổn Thương Sâu Sắc Gặp Nhau.