Những chiếc túi hàng hiệu có giá đắt trên trời một phần là do chất liệu da động vật của chúng. Mọi cô gái đều sẽ rất tự hào nếu được sở hữu một chiếc túi cá sấu trắng.
Những chiếc túi có da tự nhiên này cũng là ‘vũ khí’ tạo nên tên tuổi cho nhiều hãng thời trang lớn. Ví dụ như túi Fuchsia Shiny Porosus Crocodile Birkin 30cm (74.000 USD - 1,6 tỷ đồng), Pelouse Green Crocodile Lindy 30 cm (50.000 USD - 1,1 tỷ đồng), Niloticus Himalayan Crocodile Birkin 30cm (120.000 USD - 2,7 tỷ đồng) được làm từ da cá sấu.
Hãng cũng phân loại chất liệu da cá sấu thành nhiều loại: Da cá sấu châu Mỹ - lì, da cá sấu châu Mỹ - bóng, da cá sấu châu Phi Niloticus, da cá sấu châu Phi của Úc Porosus...
Túi Tangerine Ostrich Birkin 30cm (40.000 USD - 899 triệu đồng), Beige Ostrich Birkin 30cm (37.000 USD - 831 triệu đồng) hay Indigo Blue Ostrich Birkin 30cm (41.000 USD - 921 triệu đồng) làm từ da đà điểu.
Túi Black Lizard Medor Clutch (13.995 USD - 314 triệu đồng), Vintage Black Lizard Kelly 20cm (22.500 USD - 505 triệu đồng) làm từ da thằn lằn.
Hiệp hội ‘Con người vì hành vi nhân đạo đối với động vật’ (PETA) đang dấy lên lo ngại về nguồn gốc của những động vật được sử dụng làm vật nuôi, tạo nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm thời trang.
Những người liên quan đã nêu quan điểm rằng hầu hết da cá sấu đến từ những trang trại, được nuôi đông đúc trong bể nơi mà người nuôi đã bắn hoặc dùng búa để sát hại chúng.
Hiệp hội PETA tuyên bố rằng nhóm công nhân trong trại nuôi cá sấu thường xuyên sử dụng kỹ thuật giết mổ, dùng một cái vồ và đục để cắt đứt dây cột sống của cá sấu, khiến nó chết một cách chậm chạp và đau đớn.
Nhiều hãng thời trang phủ nhận cáo buộc lấy da động vật bất hợp pháp, nguyên liệu trong các bộ sưu tập của họ đều có nguồn gốc rõ ràng. Tuy vậy người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các chất liệu da nhân tạo, thay vì lấy trực tiếp từ các loài động vật.
Năm 2018, Chanel tuyên bố sẽ không sử dụng da bò sát như rắn, cá sấu, thằn lằn trong quá trình sản xuất dù trong tương lai họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung thích hợp theo chuẩn mực đạo đức.
Mới đây, 2 doanh nhân người Mexico, Adrian Lopez Velarde và Marte Cazarez đã tìm ra chất liệu da nhân tạo mới - lá xương rồng. Theo Bright Side, công ty này chỉ cắt những lá xương rồng trưởng thành nên không ảnh hưởng đến sự sống của cây.
Loại da này được gọi là ‘desserto’, được mô tả là sẽ mang đến cảm giác chân thực cho người tiêu dùng. Da desserto có độ bền cao, thoáng khí, chịu nhiệt tốt, không chứa nhựa, lại có khả năng tự phân hủy sinh học nên rất thân thiện với môi trường.
Chúng được ứng dụng để sản xuất mọi item thời trang và gia dụng như ví da, túi xách, giày dép, ghế ô tô…
Công ty của Adrian Lopez Velarde và Marte Cazarez vẫn đang tìm kiếm nhiều đối tác trong ngành thời trang và môi trường để ‘đại trà hóa’ loại da thực vật này.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về động vật và môi trường sống, da desserto sẽ là bước tiến lớn trong việc giữ cân bằng sinh thái. Chúng ta đã giết quá nhiều động vật chỉ vì thú vui làm đẹp của một số người.